Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 11:47 (GMT +7)
Hải Lạng: Khơi mở tiềm năng
Chủ nhật, 18/09/2022 | 15:28:16 [GMT +7] A A
Những ngày cuối hè năm 2022, chúng tôi về Hải Lạng - một xã vừa gần gặn, vừa xa xôi của Tiên Yên. Mỗi khi ra miền Đông, tôi thường qua Hải Lạng. Gần là thế nhưng lại xa xôi vì tôi đâu biết những lo toan, mơ ước của người nơi đây?
Những năm gần đây, Hải Lạng đã định hướng đầu tư, vừa làm kinh tế vừa phát triển du lịch. Cách trung tâm xã chừng hai cây số, miếu Đại Vương nằm khuất dưới tán cổ thụ đường kính hai người ôm. Bà Nguyễn Thị Chúc, 70 tuổi, đang trông coi miếu cho biết sử sách và nhân dân đều không biết miếu thờ Đức ông Hoàng Cần xây dựng chính xác năm nào. Đầu thời Nguyễn, dân phải vào Cửa Ông thắp hương cúng Đức Ông. Việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Để tiện cho việc thờ cúng, nhân dân Hải Lạng đã lập ngôi miếu này. Đức ông Hoàng Cần là người đứng ra, tập hợp, kêu gọi trai tráng quanh vùng đánh giặc phương Bắc khi chúng kéo đến, cướp bóc, tàn sát nhân dân. Với gậy tre trong tay, Hoàng Cần chỉ huy quân đánh cho giặc kinh hồn bạt vía, tháo chạy, giành lại cuộc sống thanh bình cho vùng Đông Bắc. Sách Đại Nam nhất thống chí và Đồng Khánh dư địa chí còn ghi, Hoàng Cần là người địa phương, có công dẹp giặc giữ yên biên cương Tổ quốc. Nhân dân địa phương luôn kính trọng và lập nơi thờ cúng ngài, gọi là miếu Đại Vương.
Lúc đầu miếu chỉ là am thờ nhỏ làm bằng tranh tre nứa lá. Cuối thế kỷ 19, được xây dựng lại bằng gạch, lợp ngói âm dương gọi là miếu. Những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, đơn vị bộ đội đã lấy miếu làm trụ sở đóng quân, xây dựng đường ống xăng dầu chi viện chiến trường miền Nam. Qua thăng trầm lịch sử, ngôi miếu không được tu sửa. Cho đến năm 2012, chính quyền cùng nhân dân địa phương và các nhà hảo tâm đóng góp nhân vật lực tôn tạo ngôi miếu như hiện nay.
Miếu Đại Vương là một trong số 17 di tích trên địa bàn huyện Tiên Yên có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần người dân, là điểm du lịch địa phương, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng duy nhất của bà con trong xã. Rằm tháng giêng hằng năm, nhân dân tổ chức lễ chính tại miếu, tưởng nhớ, tri ân Đức Ông cùng thuộc hạ đánh đuổi giặc ngoại xâm. Trong lễ tế, dân làng cầu thần, thành hoàng ban phúc lộc, sức khoẻ, bình an, làm ăn thuận buồm xuôi gió, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu. Từ năm 2018 đến nay, lễ hội đền Đức Ông được tổ chức hàng năm cùng lễ hội văn hóa dân tộc Sán Dìu vào ngày 15 tháng 10 âm lịch với nhiều hoạt động phong phú như: Lễ Đại Phan, leo đao, thi gói các loại bánh, làm các mâm cỗ đặc sản, hát Soọng cô, diễn trích đoạn đám cưới dân tộc Sán Dìu… Trong các ngày này, dân làng đóng góp lễ vật mang tập trung tại sân miếu nấu lễ dâng cúng thần, cúng thành hoàng… Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian được tổ chức cùng lễ hội.
Ngay phía trên, cách miếu Đại vương không xa là hồ Khe Cát. Hồ chứa nước được khởi công tháng 5/2015 với tổng mức đầu tư trên 400 tỷ đồng. Một cụm công trình đầu mối, kênh, công trình trên kênh và đường tránh rất có ý nghĩa và là công trình thủy lợi lớn của huyện. Nó cung cấp nước tưới cho trên 700ha đất canh tác nông nghiệp, hơn 1.000ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 8.500 người dân ba xã Hải Lạng, Yên Than và Đồng Rui. Hồ Khe Cát có độ an toàn cao, đập được xây dựng bằng bê tông trọng lực, lưu vực không lớn, độ dốc thấp.
Tôi nhìn ra xung quanh. Hồ không rộng lắm. Những dải đồi trồng bạch đàn, lá non xanh mướt. Dưới nắng gắt, chúng óng ả mỡ màu mang nhiều thi vị. Do nguồn nước dồi dào, những cánh rừng keo, rừng bạch đàn lướt theo chiều gió sáng lấp lánh long lanh. Tôi hỏi ông Kiều Quốc Huy, nguyên Bí thư Huyện ủy Tiên Yên từ Hạ Long sang: “Hồ xứng tầm vóc một huyện miền núi chưa? Người dân trồng keo tai tượng và bạch đàn có làm hỏng đất? Sao không xây dựng quy hoạch cho hồ rộng ra?”. Ông Huy điềm tĩnh: “Sắp tới, hồ phải mở rộng. Con đường quanh Khe Cát sẽ được hoàn thành. Việc biến một vùng rừng trồng thành hồ nước còn phụ thuộc vào ngân sách. Công tác vận động bà con hiến đất rừng, phần phải đền bù theo chính sách. Đều là việc khó nhưng tôi tin, Hải Lạng sẽ làm được”.
Trước đây thiếu nước sản xuất, người dân xã Hải Lạng chỉ cấy được một vụ, năng suất thấp, đời sống khó khăn. Những ngày khô hạn, người dân phải đi hai ba cây số gánh từng thùng nước về dùng. Khi hồ Khe Cát cấp nước ổn định, dân cấy hai vụ lúa và một vụ màu, điều hòa độ mặn trong nước, phục vụ nuôi trồng thủy sản. Sản lượng lúa và nuôi trồng thủy sản tăng nhanh. Nước sinh hoạt về tận nhà, bà con nhân dân phấn khởi, nâng cao cuộc sống, thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển.
Ông Hoàng Văn Sinh, Phó Bí thư Huyện ủy cho chúng tôi biết, nhiều gia đình nuôi tôm hàng chục năm nay. Nước là yếu tố quan trọng hàng đầu. Thiếu nước, trước đây, họ chỉ dám đầu tư nuôi một hai ao bởi chi phí cao, rủi ro lớn, dễ xảy ra dịch bệnh. Khi hồ Khe Cát cấp nước ổn định, các hộ có điều kiện điều hòa, chủ động giảm mặn nguồn nước, nhiều gia đình mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi trồng. Có nhiều hộ nuôi năm ao với ba hec-ta, thu nhập ổn định năm trăm triệu đồng/năm. Tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.
Hồ Khe Cát chủ yếu cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho Hải Lạng nhưng mới khai thác trên mười phần trăm khả năng cung ứng nước phục vụ sản xuất. Tiềm năng còn lớn lắm Theo xu hướng phát triển, nhu cầu sử dụng nước sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Huyện cần mở rộng diện tích đất sản xuất, quy hoạch khu nuôi trồng thủy sản, sử dụng nước ngọt, đẩy mạnh thâm canh. Hiện tại, số hộ dân đang sinh sống tại khu vực sau đập, gây mất an toàn, ảnh hưởng tiến độ thi công, mở rộng tràn xả lũ. Việc di dời các hộ dân này và những cánh rừng bạch đàn phía trên hồ cần thực hiện sớm, tăng cường sức chứa, điều tiết hợp lý, giảm thiểu thất thoát nước.
Các hộ đã giàu lên nhờ nuôi tôm. Nghề nuôi tôm Hải Lạng đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong những vùng nuôi tôm lớn của Tiên Yên. Tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên 977ha. Trong đó, nuôi tôm trên 800ha, diện tích nuôi tôm công nghiệp là 15ha, còn lại nuôi quảng canh. Nhiều gia đình tập trung nhân lực thu hoạch tôm. Dự kiến, vụ này thu được hơn mười tấn, doanh thu một tỷ rưỡi đồng. Trừ hết chi phí cũng cho lãi khoảng bảy trăm triệu đồng. Năm nay, do đợt nắng nóng kéo dài hồi tháng 6 khiến một số đầm nuôi tôm bị chết. Có ao mất trắng. Hiện tượng tôm chết không chỉ năm nay mà từ năm 2012 trở lại, người nuôi trồng thuỷ sản thường bị thiệt hại. Chính quyền địa phương đã tuyên truyền, khuyến cáo đến các hộ nuôi, khuyến khích chuyển sang nuôi những loài khác như cá rô phi đơn tính, cá bớp, cá đối mục… Hướng đi này mở ra sự phát triển mới nhưng chính quyền chưa có chính sách cụ thể hỗ trợ người dân. Trước mắt mới tuyên truyền mong bà con thay đổi môi trường. Bởi nhiều ao nuôi trên địa bàn thâm canh hàng chục năm nay đang bị ô nhiễm, dễ thành các ổ dịch bệnh. Vì nhiều lý do, xã chưa chuyển hết diện tích nuôi quảng canh sang nuôi công nghiệp.
Qua lời ông Tô Văn Khải, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hải Lạng, chúng tôi biết năm 2020, Hải Lạng đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Hải Lạng có nhiều khởi sắc, phát triển bền vững, thu nhập người dân được nâng lên rõ rệt. Hai hợp tác xã nuôi gà, sản xuất giống gà Tiên Yên với trên 40.000 con, Hợp tác xã nuôi trồng thủy hải sản công nghệ tiên tiến hiện đại quy mô 86,5ha là mô hình kinh tế chủ lực của xã. Hải Lạng là vùng trọng điểm sản xuất nuôi trồng hải sản với diện tích đất mặt nước là 1.188ha. Toàn xã có 411 hộ tham gia nuôi tôm, 18 hộ nuôi cá thương phẩm. Các mô hình kinh tế Hải Lạng được quan tâm đầu tư, hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm. Sản phẩm tôm, cua đã được chứng nhận sản phẩm OCOP của tỉnh, được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường.
Chúng tôi ra rừng sú vẹt Hải Lạng. Con đê thẳng băng trải dài hơn năm cây số đã ngăn mặn, tạo nên vùng đất canh tác và thoát nghèo trở thành trù phú của Hải Lạng. Từ đây nhìn vào mới thấy Tiên Yên đúng là một vùng đất phong cảnh hữu tình, được thiên nhiên ban tặng những ưu đãi không phải dễ có. Một miền núi non kỳ vĩ, bờ biển tươi đẹp, hứa hẹn vùng đồng bằng trù phú hiện rõ ràng trước mặt chúng tôi. Quay nhìn ra biển, trước rừng sú vẹt giăng thành, không gian rộng dài thoáng đãng đang chờ đợi những tấm lòng, những con người muốn khai phá làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên.
Trở lại Tiên Yên, chúng tôi càng thấy Hải Lạng chính là mảnh đất đang mở ra nhiều tiềm năng về kinh tế và phát triển du lịch không phải nơi nào cũng có.
Ký của Trần Tâm
Liên kết website
Ý kiến ()