Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 07:58 (GMT +7)
Hạn chế ô nhiễm môi trường từ vận chuyển, kinh doanh dăm gỗ
Thứ 2, 29/01/2024 | 14:37:43 [GMT +7] A A
Xử phạt hành chính với 7 đơn vị vi phạm lĩnh vực môi trường, lập hồ sơ vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với những doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích, đề xuất chấm dứt hoạt động của các doanh nghiệp hết hạn thực hiện dự án, di dời cơ sở dăm gỗ tập kết không đúng quy hoạch… Đây là những động thái quyết liệt của TP Hạ Long trong việc xử lý nghiêm việc vận chuyển, kinh doanh dăm gỗ gây ảnh hưởng đến môi trường trên địa bàn thành phố.
Trên địa bàn TP Hạ Long hiện có 21 đơn vị đang có hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến và vận chuyển dăm gỗ. Trong đó có 7 đơn vị kinh doanh cảng tại KCN Cái Lân (cho thuê mặt bằng kho bãi để tập kết, xuất, nhập dăm gỗ); 3 đơn vị sản xuất băm dăm gỗ, vận chuyển dăm gỗ; 11 đơn vị kinh doanh nhập, vận chuyển và chế biến dăm gỗ. Khối lượng XNK dăm gỗ tại khu vực Cái Lân trung bình từ 6-8 triệu tấn/năm, mang lại việc làm ổn định cho gần 2.000 lao động. Mỗi năm số thu ngân sách từ hoạt động kinh doanh, vận chuyển dăm gỗ gần 2.100 tỷ đồng, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh và TP Hạ Long.
Mặc dù có đóng góp vào hoạt động phát triển kinh tế trên địa bàn nhưng do không có đơn vị đầu mối quản lý một cách bài bản nên trong quá trình vận chuyển, kinh doanh dăm gỗ, các doanh nghiệp không đảm bảo vệ sinh môi trường, gây mất ATGT; cơi nới thành thùng, làm rơi vãi dăm gỗ ra đường và xuống biển. Việc lưu trữ dăm gỗ tại các bãi quá cao, không được che phủ nên khi có gió sẽ phát tán bụi dăm gỗ, gây ô nhiễm môi trường. Trong quá trình sản xuất, các cơ sở còn để phát sinh chất thải rắn. Ý thức chấp hành của một số chủ phương tiện, chủ doanh nghiệp chưa cao...
Trước thực trạng ô nhiễm vệ sinh môi trường từ nguồn dăm gỗ tại khu vực Cái Lân, ngày 6/12/2023, các lực lượng chức năng của TP Hạ Long đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính với 7 đơn vị vi phạm lĩnh vực môi trường. Đồng thời thực hiện lập hồ sơ vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với những doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích; đề xuất chấm dứt hoạt động của các doanh nghiệp hết hạn thực hiện dự án; di dời cơ sở dăm gỗ tập kết không đúng quy hoạch…
Với sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố và sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, các doanh nghiệp kinh doanh, vận chuyển dăm gỗ đã có những chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường. Đơn cử như tại Công ty CP Cảng Quảng Ninh đã có những biện pháp để thu gom dăm gỗ rơi vãi dọc đường và xuống biển như: Trước khi xe ra vào cảng sẽ được quét thổi phía ngoài thành, thùng xe; toàn bộ bãi tập kết có công nhân túc trực và dùng máy thổi để thu gom dăm gỗ rơi vãi; dăm gỗ khi được bốc từ bãi tập kết xuống tàu sẽ dùng hệ thống băng tải và dùng lưới quây dưới khu vực tàu để đảm bảo không rơi vãi dăm gỗ xuống biển…
Ông Đinh Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Quảng Ninh, cho biết: Công ty nhận thức rõ được việc bảo vệ môi trường là nhiệm vụ sống còn nên chúng tôi rất ủng hộ chủ trương này của thành phố. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để thực hiện tốt vấn đề môi trường không chỉ trong phạm vi của cảng mà của cả khu vực Cái Lân.
Đối với ô nhiễm môi trường ngoài khu vực cảng Cái Lân do quá trình vận chuyển dăm gỗ gây ra, hiện các đơn vị cũng đã đóng góp kinh phí để thực hiện quét dọn hằng ngày dọc hai bên tuyến đường ra vào cảng, căng bạt phủ kín các thùng xe, kiểm soát chặt chẽ kho bãi, không gây mất vệ sinh ra tuyến đường vận chuyển chung.
Bà Phạm Thị Xuân, đại diện Công ty CP Cảng Thái Hưng, chia sẻ: Trước mắt, tình trạng dăm gỗ rơi vãi ra đường đã được cải thiện 80-90% so với thời gian trước, nhưng về lâu dài, thành phố cần có một đơn vị đứng ra thực hiện công tác vệ sinh môi trường. Bởi ngoài dăm gỗ thì tình trạng mất vệ sinh môi trường ở khu vực Cái Lân còn do các xe vận chuyển đường dài mặt hàng nông sản trong quá trình dừng đỗ chờ lấy hàng đã xả rác bừa bãi và không đảm bảo ATGT cho các phương tiện khác lưu thông. Được biết, một số cảng khác đã thu phí môi trường tính trên đầu tấn hàng, nếu tạm thu 1.000 đồng/tấn thì mỗi năm với 13 triệu hàng các loại (dăm gỗ, nông sản), số tiền thu được để xử lý môi trường lên tới 15-26 tỷ đồng/năm. Nếu không có đơn vị thực hiện công tác vệ sinh môi trường, thì các doanh nghiệp cũng rất mong muốn được tỉnh và thành phố tạo điều kiện để chúng tôi thành lập hiệp hội. Hiệp hội này sẽ hoạt động độc lập, có hạch toán thu chi và có trách nhiệm trong việc giám sát, đôn đốc, triển khai các công tác đảm bảo vệ sinh môi trường.
Cùng với chuyển biến của các doanh nghiệp kinh doanh, vận chuyển dăm gỗ, hiện TP Hạ Long cũng đang tìm giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và đảm bảo công tác vệ sinh môi trường. Ông Nguyễn Tuấn Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố, khẳng định: Tiếp thu kiến nghị của các doanh nghiệp, thành phố sẽ quy hoạch vị trí đổ thải, khu bãi đỗ xe tập trung để làm vị trí đỗ cho các xe vận chuyển đường dài cũng như cắm các biển cấm đỗ, cấm dừng dọc tuyến đường ra vào cảng và trục đường ra vào khu công nghiệp, lắp đặt camera dọc các tuyến đường để theo dõi, giám sát các xe vận chuyển. Đồng thời thành phố yêu cầu các cơ quan chuyên môn rà soát tổng thể các cơ sở để quản lý chặt chẽ và đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt dừng hoạt động sản xuất, tập kết, vận chuyển, kinh doanh dăm gỗ trong quý I/2024 đối với những doanh nghiệp cố tình vi phạm. Quan điểm của thành phố là sẽ tạo điều kiện và đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng thành phố sẽ kiên quyết chấn chỉnh những doanh nghiệp vi phạm để đảm bảo Hạ Long thực sự là thành phố kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()