Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 13:26 (GMT +7)
Hàn Quốc đã tiêm chủng đầy đủ cho gần 20% dân số
Thứ 3, 17/08/2021 | 16:22:57 [GMT +7] A A
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, đã có thêm 661.839 người tại Hàn Quốc được tiêm mũi đầu tiên của vaccine phòng dịch COVID-19 trong ngày 16/8, khi người dân nước này đang trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh (14-16/8).
Số người tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ nhất đã tăng lên đáng kể khi đối tượng từ 50-54 tuổi bắt đầu được tiêm chủng. Đến nay đã có tổng cộng 9.996.839 người đã hoàn tất các mũi tiêm theo quy định, chiếm 19,5% dân số.
Ngày 17/8, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết nước này đã ghi nhận 2.111 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 trong số hơn 9 triệu người đã được tiêm phòng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19. Trong số này, có 19 ca xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng và 2 trường hợp nặng (ở độ tuổi 80 và 90) đã dẫn đến tử vong. KDCA cho biết tỷ lệ các trường hợp đã tiêm chủng đầy đủ nhưng vẫn mắc COVID-19 cao nhất là những người ở độ tuổi 30, với 66,1 trường hợp/100.000 dân. Tỷ lệ này có dấu hiệu giảm dần ở những người cao tuổi hơn.
Kể từ thời điểm Hàn Quốc triển khai chiến dịch tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc cuối tháng 2 vừa qua, đến nay đã có tổng cộng 9.996.839 người đã hoàn tất các mũi tiêm theo quy định, chiếm 19,5% dân số. Điều này có nghĩa là tỷ lệ các trường hợp nhiễm bệnh sau tiêm chủng chỉ là rất nhỏ và lợi ích của việc tiêm chủng lớn hơn nhiều so với những rủi ro hiếm gặp. Theo KDCA, ngay cả sau khi đã được tiêm phòng đầy đủ, con người vẫn có thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2, tuy nhiên triệu chứng bệnh thường nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Theo KDCA, tính đến 0h ngày 17/8, Hàn Quốc có tổng cộng 226.854 ca mắc COVID-19 sau khi ghi nhận thêm 1.373 ca mắc mới trong 24 giờ qua, trong đó có 1.323 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Số ca ở thể nặng là 354 ca và tổng số ca tử vong là 2.173 ca (tăng 6 ca so với một ngày trước đó), tỷ lệ tử vong là 0,96%.
Hàn Quốc hiện đang triển khai tiêm chủng cho người dân bằng 4 loại vaccine của các hãng AstraZeneca, Pfizer/BioNTech, Janssen và Moderna. Khoảng cách giữa hai mũi tiêm đối với vaccine của AstraZeneca, Pfizer/BioNTech và Moderna lần lượt là 8-12 tuần, 3 tuần và 4 tuần. Tuy nhiên, hiện nhóm xúc tiến tiêm chủng đã quyết định kéo dài khoảng cách hai mũi tiêm đối với vaccine Modena và Pfizer/BioNTech lên 6 tuần do lo ngại nguồn cung vaccine bị gián đoạn.
Trong khi đó, sau 2 tuần triển khai, chiến dịch tiêm bổ sung mũi vaccine thứ 3 tại Israel đã cán mốc 1 triệu người, trong khi dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại quốc gia này.
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, số người được tiêm mũi vaccine thứ 3 tính (đến ngày 16/8 vừa qua) đã đạt trên 1,04 triệu người, chiếm hơn 50% số đối tượng dự kiến (là những người trên 50 tuổi và đã tiêm mũi thứ 2 cách đó ít nhất 5 tháng).
Thủ tướng Israel Naftali Bennett coi sự kiện này là “một thành công lớn, mặc dù vẫn còn nhiều công việc phía trước”, đồng thời kêu gọi người dân tiếp tục đi tiêm chủng. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Nitzan Horowitz cũng khẳng định “vaccine là công cụ tốt nhất trong cuộc chiến chống lại biến thể Delta”.
Mặc dù vậy, giới chức y tế cho biết trong ngày 16/8 Israel đã ghi nhận hơn 7.000 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ tháng 2 vừa qua. Tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính cũng đang ở mức cao nhất kể từ đầu năm nay. Hiện tại, quốc gia này đang có hơn 53.000 ca mắc COVID-19, trong đó 528 ca nghiêm trọng.
Là quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng vaccine cao hàng đầu thế giới, nhưng Israel vẫn đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới do biến thể Delta, đặt chính phủ nước này trước những lựa chọn khó khăn về biện pháp kiểm soát, nhưng không gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()