Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 10/01/2025 22:38 (GMT +7)
Hàng loạt thách thức đang chờ đón Tân Thủ tướng Anh
Thứ 5, 01/09/2022 | 08:52:34 [GMT +7] A A
Ngày 5/9, Anh sẽ có Thủ tướng mới sau khi đảng Bảo thủ cầm quyền công bố kết quả phiếu bầu lãnh đạo đảng đối với 2 ứng cử viên - Ngoại trưởng Liz Truss và cựu Bộ trưởng Tài chính Rushi Sunak. Trước đó, Thủ tướng Boris Johnson hôm 7/7 đã tuyên bố từ chức sau áp lực từ công luận và nội bộ đảng Bảo thủ liên quan đến các bê bối trong thời gian dịch COVID-19.
Phóng viên TTXVN tại London dẫn nhận định của giới nghiên cứu sở tại cho rằng tân Thủ tướng Anh sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức ngay khi bước chân vào Số 10 phố Downing, khi “xứ sở sương mù” đang rơi vào quãng thời gian được cho là biến động nhất trong thời kỳ hiện đại. Đó là cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt tăng cao, tài chính công suy yếu, những cuộc đình công đang nổ ra trên diện rộng và các vấn đề gây đau đầu liên quan chính sách đối ngoại - từ cuộc chiến Ukraine đến hậu quả của Brexit.
Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt
Người kế nhiệm ông Johnson sẽ phải vật lộn với tình trạng khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Với việc hóa đơn năng lượng tăng cao, lạm phát ở mức hai con số, lãi suất thế chấp tăng và lo ngại về một cuộc suy thoái kéo dài, công chúng Anh đang mong chờ một gói giải cứu từ Phố Downing.
Hóa đơn năng lượng đã tăng từ 1.971 bảng Anh/năm lên 3.549 bảng và dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh vào đầu năm 2023. Chính phủ hiện tại đã đề nghị một khoản thanh toán trị giá 400 bảng Anh dành cho mỗi hộ gia đình và 1.200 bảng Anh cho những gia đình dễ bị tổn thương nhất.
Tuy nhiên, các tổ chức từ thiện cảnh báo rằng nếu Thủ tướng mới không tăng thêm các khoản hỗ trợ chi trả trong thời gian sắp tới, thì đây sẽ là một thảm họa cho hàng triệu hộ gia đình dễ bị tổn thương.
Tài chính công
Theo kết quả của những cuộc thăm dò hiện nay, bà Truss đang nhận được nhiều sự ủng hộ nhất trong đảng Bảo thủ, bỏ xa cựu Bộ trưởng Tài chính Sunak. Các tham vọng của bà Liz Truss, bao gồm giải quyết chi phí sinh hoạt, tăng chi tiêu quốc phòng và cắt giảm thuế, sẽ phụ thuộc vào tình trạng tài chính công.
Nhóm vận động tranh cử của bà Truss khẳng định họ muốn đưa ra các quyết định ban đầu mà không cần hướng dẫn từ Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách Anh về khả năng chi trả và triển vọng kinh tế trung hạn.
Tuy nhiên, theo những dự báo mới về triển vọng kinh tế Anh đang xấu đi, bà Truss sẽ không dễ thực hiện tham vọng. Cho đến nay, Ngoại trưởng Anh đã cam kết tuân thủ các quy tắc tài khóa hiện hành của chính phủ, gồm giảm nợ theo tỷ trọng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và thu thặng dư thuế so với chi tiêu công hàng ngày trong vòng 3 năm.
Hồi tháng 5 vừa qua, cựu Bộ trưởng Tài chính Sunak đã quyết định chi 10,5 tỷ bảng Anh để hỗ trợ cho các hộ gia đình khi nhu cầu tiêu thụ năng lượng sẽ tăng cao trong mùa Đông năm 2022. Các dịch vụ công cũng đang phải chịu áp lực của lạm phát, chi phí năng lượng và tiền lương cao hơn dự kiến.
Trong khi đó, theo ước tính của Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách Anh, các đề xuất chính sách dài hạn của bà Truss - nhằm giữ thuế suất doanh nghiệp ở mức 19%, đảo ngược chiều hướng gia tăng bảo hiểm quốc gia, giảm thuế gia đình và tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2,5% GDP - sẽ tiêu tốn hơn 30 tỷ bảng Anh.
Viện Nghiên cứu Tài khóa Anh nhận xét: “Chỉ trong tháng trước, Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách Anh đã cảnh báo rằng tài chính công đang đi trên một con đường dài hạn không bền vững: chính sách cắt giảm thuế vĩnh viễn không được cung cấp đầy đủ sẽ chỉ làm cho vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn”.
Làn sóng đình công
Thủ tướng mới của nước Anh sẽ ngay lập tức đối mặt với sự phẫn nộ của các lãnh đạo công đoàn - những người đang tổ chức hàng loạt cuộc đình công để phản đối chính sách tăng lương dưới mức lạm phát trong cả khu vực công và tư nhân.
Với tình trạng lạm phát ở mức trên 10% và nợ quốc gia tăng cao hơn 2 tỷ bảng, Chính phủ Anh đã tìm cách giảm tiền lương để ngăn chặn vòng xoáy lạm phát. Tuy nhiên, các công đoàn đã phản đối mạnh mẽ với với mức lương đưa ra và đòi hỏi phải có mức thực tế hơn.
Ngành đường sắt Anh đã tổ chức một loạt vụ đình công trong 3 tháng vừa qua. Các hoạt động đình công của những ngành nghề khác cũng đang được tổ chức như đình công của công nhân ở cảng Felixstowe, cũng như tại các cơ sở của Amazon, BT và Royal Mail. Hiệp hội luật sư Anh cũng lên kế hoạch đình công từ ngày 5/9 tới.
Ukraine và Brexit
Thủ tướng mới của nước Anh sẽ thừa hưởng 2 thách thức về chính sách đối ngoại - đó là cuộc chiến Ukraine và mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) ngày càng xấu đi do quá trình thực thi các thỏa thuận thương mại hậu Brexit liên quan Bắc Ireland.
Sự thay đổi vị trí của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, hoặc sự suy yếu trong quyết tâm của EU nếu Nga đề nghị Kiev ngừng bắn sẽ nhanh chóng gây ra những thách thức ngoại giao đối với Chính phủ Anh, đặc biệt là đối với bà Truss - nhân vật có quan điểm diều hâu đối với Nga.
Trong khi đó, phần lớn các hoạt động ngoại giao trong vấn đề Ukraine sẽ diễn ra tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tân Thủ tướng Anh cũng sẽ cần phải đưa ra quyết định về giải pháp thiết lập lại quan hệ với EU, vốn bị xuống cấp dưới thời chính quyền của ông Johnson.
Cả bà Truss và ông Sunak đều cam kết thúc đẩy tiến trình sửa đổi Nghị định thư Bắc Ireland. Tuy vậy, ý tưởng này khiến London có thể rơi vào tình huống căng thẳng ngoại giao với Brussels, đến mức có nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu cải cách châu Âu Charles Grant tỏ ra bi quan: “Chừng nào người Anh vẫn kiên trì với dự luật Bắc Ireland - và tôi sợ bà Truss sẽ làm vậy - thì sẽ không thể nào có mối quan hệ tốt hơn với EU”.
Ủy ban châu Âu cũng đang theo dõi quan điểm của Anh về việc tiếp tục trở thành thành viên của Tòa án Nhân quyền châu Âu - yêu cầu cần thiết đối với Nghị định thư Bắc Ireland cùng các yếu tố an ninh của Thỏa thuận hợp tác và thương mại Anh-EU. Cho đến nay, cả hai ứng cử viên đều không tuyên bố loại trừ khả năng từ bỏ vị thế thành viên của Tòa án Nhân quyền châu Âu. Giới chức châu Âu cảnh báo nếu khả năng này xảy ra, đây sẽ là nhân tố vỡ Thỏa thuận hợp tác và thương mại Anh-EU.
Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và xã hội
Tình hình quá tải trầm trọng đối với hệ thống Dịch vụ Y tế công quốc gia (NHS) cũng sẽ đặt ra một thách thức khẩn cấp đòi hỏi tân Thủ tướng Anh phải khẩn trương tìm ra giải pháp. Hiện có khoảng 6,7 triệu người đang chờ được điều trị thông thường tại bệnh viện, mức cao nhất trong lịch sử 74 năm của NHS. Hơn 1,4 triệu người đủ điều kiện để được điều trị sức khỏe tâm thần vẫn chưa được điều trị, nhiều người trong số này là thanh thiếu niên.
NHS đang cần tuyển dụng thêm 100.000 vị trí công tác trong toàn hệ thống, trong đó có khoảng 4.200 bác sĩ đa khoa làm việc toàn thời gian.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()