Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 07:41 (GMT +7)
Hàng Việt trước cơn lốc hàng Trung Quốc: Xoay trở tìm lối đi riêng
Thứ 3, 12/11/2024 | 17:23:09 [GMT +7] A A
Các ngành sản xuất trong nước đang đứng trước ngã rẽ với sự cạnh tranh khốc liệt từ hàng Trung Quốc giá rẻ và hội nhập của thương hiệu quốc tế.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt vẫn có thể phát triển và giữ vững vị thế bằng cách phát huy kỹ năng thủ công truyền thống, tối ưu hóa công nghệ hiện đại và tạo ra giá trị bền vững cho khách hàng. Chìa khóa của giải pháp này là tận dụng được thế mạnh ngành nghề truyền thống.
Quay về lợi thế truyền thống
Trong gian hàng nhỏ ở một trung tâm thương mại sang trọng tại TP Thủ Đức (TP.HCM), ông Hồ Thế Sơn, tổng giám đốc Công ty Faifo Tailor, tỉ mỉ xem lại các đơn hàng của những vị khách từ khắp nơi trên thế giới gửi số đo về và chờ đợi những bộ vest hay sơ mi mới.
Từng là CEO của chuỗi thời trang FOCI với hàng trăm cửa hàng trên toàn quốc, thậm chí hiện diện ở nước ngoài, rồi một ngày ông Sơn chứng kiến sự biến mất của FOCI giữa làn sóng đổ bộ của các thương hiệu quốc tế như Zara, H&M và Uniqlo, cùng với đó là hàng thời trang Trung Quốc giá rẻ.
"Khi nhìn thấy làn sóng hàng Trung Quốc giá rẻ qua thương mại điện tử (TMĐT) gần đây, tôi nghĩ tương lai của các thương hiệu trong nước cũng giống FOCI nhiều năm trước.
Bài toàn tài chính luôn là điểm yếu nhất của doanh nghiệp Việt Nam.
Doanh nghiệp nước ngoài có thể chịu lỗ nhiều tháng hay một năm khi làm thị trường, nhưng cầm cự một vài tháng đã là quá sức với các thương hiệu trong nước", ông Sơn nói.
Vào thời điểm đó, sau khi đóng cửa chuỗi FOCI, ông Sơn nhận thấy may đo có tiềm năng phát triển lớn nên đã sáng lập thương hiệu Faifo Tailor với mục tiêu xây dựng Hội An trở thành "thủ đô may đo của thế giới".
Bởi theo ông Sơn, khách hàng, đặc biệt là giới thu nhập cao, không ngần ngại chi trả để có một bộ trang phục được cắt may hoàn hảo theo đúng số đo và phong cách riêng của mình.
Và với hệ thống logistics phát triển, chỉ trong vòng 48 tiếng sau khi đặt hàng, khách hàng có thể nhận được sản phẩm may đo từ Việt Nam, ngay cả khi họ ở bất cứ đâu trên thế giới. "Chúng tôi có thể giao hàng quốc tế nhờ vào công nghệ may đo hiện đại có hỗ trợ từ AI.
Đây là một lợi thế giúp Faifo tiếp cận khách hàng toàn cầu mà không cần phải mở cửa hàng tại mỗi quốc gia", ông Sơn giải thích.
Thay vì đối đầu trực tiếp, nhiều doanh nghiệp Việt đang tìm cách thích ứng với cuộc chiến giá rẻ bằng thị trường ngách và nỗ lực xây dựng thương hiệu dựa trên giá trị cốt lõi về chất lượng và tính cá nhân hóa.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương - phó chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), ngành gỗ nội thất Việt Nam rất khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc tại một số thị trường xuất khẩu, bởi nhiều nguồn nguyên liệu vẫn phải nhập từ Trung Quốc.
"Vì thế ngành nội thất đang đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động thiết kế, giúp nâng cao tỉ trọng các sản phẩm có thiết kế riêng (ODM) trong xuất khẩu, qua đó khẳng định năng lực của ngành gỗ Việt Nam ở những phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn", ông Phương nói.
Hàng giá rẻ "ám ảnh" doanh nghiệp Việt
Bà Trần Phương Nga, tổng giám đốc Công ty Thiên Long, nói cơn lốc hàng Trung Quốc giá rẻ luôn là một thách thức cực kỳ lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Hàng Trung Quốc không chỉ có lợi thế về giá, mà còn sở hữu hệ sinh thái sản xuất và phân phối hoàn chỉnh, từ chuỗi cung ứng nguyên liệu đến các kênh bán hàng online bài bản.
"Công đoạn sản xuất của Trung Quốc không chỉ vài hộ kinh doanh, vài doanh nghiệp sản xuất mà nguyên một thành phố chỉ làm một mặt hàng với vài ngàn công nhân.
Trong một hệ sinh thái quá đầy đủ, độ sâu hoạt động rất chuyên nghiệp, họ có thể đẩy mạnh chiến lược giá rẻ và xây dựng hệ thống phân phối, sau khi chiếm lĩnh thị phần sẽ tiếp tục đầu tư nhà máy tại Việt Nam", bà Nga nói.
Theo các doanh nghiệp Việt Nam, hàng Trung Quốc đã chủ động tấn công thị trường để đẩy nhanh luồng hàng đang bị dư thừa tại thị trường nội địa.
Đi đến đâu doanh nghiệp Trung Quốc cũng dùng tiềm lực tài chính để chi phối không chỉ trong chiến lược giá rẻ mà còn chi phí đưa hàng vào bán, xây dựng hệ thống phân phối.
Và sau khi có thị phần, họ sẽ xây dựng nhà máy ngay tại Việt Nam với chiêu bài ban đầu là đầu tư để xuất khẩu, nhưng sau đó sẽ xin thêm giấy phép để bán cho thị trường nội địa.
Ông Đỗ Hòa, tổng giám đốc Công ty tư vấn Tinh hoa quản trị, cũng bày tỏ sự lo lắng trước làn sóng hàng hóa Trung Quốc rẻ nhưng kém chất lượng gia tăng, dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và thương mại trong nước.
Từng làm việc ở các công ty đa quốc gia, ông Hòa cho biết tình trạng dư thừa công suất và bán phá giá đẩy hàng qua các nước lân cận đã tồn tại từ lâu.
Nhưng đáng sợ hơn, một khi nền sản xuất trong nước bị "tiêu diệt" sẽ dẫn đến sự phụ thuộc hàng sản xuất ở nước ngoài của các nhà phân phối, nhà bán lẻ trong nước. Điều này có nguy cơ dẫn đến việc đóng cửa các cơ sở sản xuất, làm tăng thất nghiệp và suy giảm thương mại truyền thống.
"Nhiều doanh nghiệp Việt vẫn đang tận dụng lợi thế am hiểu địa phương và ưu thế sản xuất trong nước để cạnh tranh. Nhưng về lâu dài nếu không có giải pháp rõ hơn thì bài toán thị phần sẽ khó khăn", ông Hòa quan ngại.
Ông Hồ Thế Sơn cũng thừa nhận mô hình kinh doanh mới đang tận dụng thế tay nghề thủ công, nhưng về lâu dài phải tìm kiếm các giải pháp tài chính và hỗ trợ từ Nhà nước để gia tăng sức cạnh tranh.
"Nếu chúng ta không tìm ra cách tạo ra giá trị khác biệt, chẳng hạn như nâng cao chất lượng và cá nhân hóa sản phẩm, thì bài toán thị phần sẽ ngày càng khó khăn", ông Sơn nói.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()