Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 18/12/2024 20:15 (GMT +7)
Hàng xóm láng giềng
Chủ nhật, 17/11/2019 | 07:11:45 [GMT +7] A A
Tục ngữ có câu “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, như vậy cũng đủ hiểu hàng xóm, láng giềng quan trọng thế nào với đời sống người Việt. Dù thời vận đã đổi thay, nhưng chuyện đối nhân xử thế của hàng xóm, láng giềng vẫn rất cần thiết với tất cả mọi người.
Bàn cờ tướng là cầu nối hàng xóm với nhau ở một số hộ dân khu Minh Tiến B, phường Cẩm Bình, TP Cẩm Phả. |
Chuyện hàng xóm xưa và nay
Đã lâu lắm rồi tôi mới gặp anh Nguyễn Văn Thậm (ở thôn Tân Lập, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn). Khoảng chục năm trước, tôi đến Tân Lập, khi ấy ở đây nghèo lắm, không đường, không điện lưới, không bến cập tàu… số hộ nghèo chiếm gần 100%. Vậy nhưng, chuyện hàng xóm lại gắn bó khăng khít, khó có nơi nào được như ở Tân Lập. Không có điện để xem tivi, nhiều người rảnh rỗi chỉ còn biết đến nhà nhau để chơi. Ai đó sang hàng xóm mà gặp bữa cơm thì ngồi luôn cùng chủ nhà nhâm nhi chén rượu, nếu có quá chén thì thì leo luôn lên giường mà đánh một giấc, khi nào tỉnh thì về.
Thời ấy, gia đình anh Thậm khấm khá nhất thôn, nên có tivi để xem. Chuyện mua chiếc tivi cũ không khó, vì thời đó cuộc sống trên đất liền đã phát triển, tivi cũ lỗi thời bán rẻ như cho. Thế nhưng thôn không có điện thì xem tivi sao được, vậy nên chỉ nhà nào “giàu” mới mua được máy phát điện. Một buổi tối chạy máy phát điện cũng mất gần trăm nghìn đồng tiền dầu, mà ở cái nơi gần 100% hộ nghèo như Tân Lập thời đó thì là chuyện không hề đơn giản. Bởi vậy, cứ buổi tối nhà anh Thậm đông như hội, cả xóm kéo đến xem nhờ tivi, ngôi nhà cứ đầy ắp tiếng cười thật vui.
Ngày nay, từ sự phát triển không ngừng của huyện Vân Đồn, thôn Tân Lập đã có điện lưới, giao thông thuận tiện và có bến cập tàu mới. Người dân được Nhà nước cho vay vốn để phát triển kinh tế. Bà con phá bỏ những ngôi nhà ọp ẹp xưa để thay thế bằng nhà kiên cố, cửa chắc, tường cao. Chẳng ai còn đến nhà anh Thậm xem nhờ tivi, vì nhà nào cũng có, thậm chí là tivi đắt tiền. Buổi tối, các ngôi nhà đều đóng cửa im ỉm, chỉ khi nào có việc, người ta mới đến nhà nhau. Anh Thậm bảo: Bây giờ hàng xóm ai cũng bận làm ăn cả, khi mình có thời gian sang nhà họ chơi thì họ lại rất ít thời gian để tiếp mình...
Cuộc sống càng phát triển, con người càng ngày càng bận rộn với chuyện cơm áo gạo tiền, thời gian ngày càng bó hẹp. Ai cũng hối hả và các mối quan hệ hàng xóm, láng giềng, ít có thời gian chuyện trò như xưa. Gặp nhau, chào được một câu là tốt rồi.
Khoảng cách tuy gần mà đôi khi trở thành xa, những người tưởng xa lại trở thành gần. Bây giờ, không chỉ riêng lũ trẻ mà cả người cao tuổi cũng dùng điện thoại thông minh, sử dụng zalo, facebook thành thạo. Vậy là người ở tít bên kia bán cầu thì vẫn trò chuyện được, thế nhưng hàng xóm ngay bên cạnh nhà gặp nhau chẳng biết nói chuyện gì. Hàng xóm của nhiều người bây giờ đều trên facebook, vì cứ mở ra là thấy mặt nhau rồi. Hàng xóm “ảo” xem ra được nhiều người đón nhận hơn, vì hàng xóm thật thì kín cổng cao tường, suốt ngày vắng nhà, khi về đến nhà là cửa đóng then cài, muốn sang nhà nhau mà không có lý do chính đáng cũng ngại.
Ngôi nhà của vợ chồng ông Đặng Văn Đức, thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ được xây dựng từ sự giúp đỡ của hàng xóm. |
Để giữ lại tình làng, nghĩa xóm
Nhiều người, nhất là những người cao tuổi đều nhớ về một thời tình làng, nghĩa xóm nơi mình sinh sống và cố níu kéo bằng nhiều cách. Những năm gần đây, cứ mỗi dịp Tết Trung thu, hầu như tổ dân, khu phố, phường, xã, nhất là những phường trung tâm của các thành phố trong tỉnh đều tổ chức rộn rã. Có người bảo: Trung thu là ngày của các cháu, bây giờ trở thành của người lớn rồi. Bởi dịp Tết Trung thu bây giờ, người lớn hào hứng như lũ trẻ, tổ chức ăn uống, thậm chí khi nhạc nổi lên người lớn nhảy múa vui hơn lũ trẻ. Bà Trần Thị Liên (khu Minh Tiến B, phường Cẩm Bình, TP Cẩm Phả) tâm sự: Vẫn biết Trung thu là ngày của các cháu, thế nhưng cả năm mới có một lần, người lớn mượn cớ để hàng xóm, láng giềng, tranh thủ gặp nhau trò chuyện, vì quanh năm không ngồi được với nhau.
Vậy là chuyện Trung thu trở thành ngày tết của người lớn cũng có lý do của nó. Có khi, nhờ có ngày Trung thu mà hàng xóm, nhất là những người trẻ tuổi mới biết tên nhau, ngày thường cũng chỉ biết là người mới chuyển đến xóm mình ở thôi.
Ngày nay, ở hầu hết các khu dân cư đều có nhà văn hóa, đó cũng là lý do để hàng ngày hàng xóm có lý do gặp nhau qua các hoạt động thể thao như cầu lông, bóng bàn, hay cờ tướng. Vì vậy nên hàng xóm cũng có thêm dịp đến với nhau.
Gắn kết ở những bản khó
Hiện nay, ở các xã vùng cao, nhất là các thôn, bản khó khăn của tỉnh, tình làng, nghĩa xóm của các gia đình cũng vẫn rất khăng khít. Chính chuyện tình làng, nghĩa xóm ấy đã đem lại nhiều thành công trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở nhiều xã khó khăn, đặc biệt là khi xóa nhà tạm cho hộ nghèo.
Tính đến đầu năm 2019, huyện Ba Chẽ đã hoàn thành xong 389 ngôi nhà nằm trong Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2. Người dân được vay 50 triệu đồng của tỉnh và Trung ương. Nhiều nhà nghèo không có vốn đối ứng, vậy mà các ngôi nhà đều có vốn đầu tư từ hơn trăm triệu đồng trở lên, mọi việc đều từ tình làng, nghĩa xóm giúp đỡ nhau.
Những ngôi nhà ở thôn Nà Cà, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên, được hoàn thành nhờ sự vào cuộc rất tích cực của những người hàng xóm với nhau. |
Ông Đặng Văn Đức (77 tuổi, ở thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc), chia sẻ: "Nếu không có sự giúp đỡ của xóm làng thì chắc gia đình tôi đã không làm được ngôi nhà này". Vợ chồng ông Đức có nhà mới từ năm 2018. Cả 2 ông bà đều đã già, không còn khả năng lao động, người con trai của ông bà ở thời điểm đó cũng nằm trong hộ nghèo và cũng được hỗ trợ để xây nhà mới. Bố mẹ hộ nghèo, con cũng hộ nghèo, nên chẳng thể giúp được nhau về tài chính. Thế nhưng, thôn Nà Bắp đã đưa ra giải pháp làm nhà theo kiểu đổi công, hàng xóm giúp nhau làm nhà. Khi nhà này làm, cả xóm tham gia giúp công dỡ nhà, đào móng, vận chuyển vật liệu rồi lại cùng nhau đến giúp nhà khác. Từ tinh thần đoàn kết, bà con tiết kiệm được nhiều khoản chi để hoàn thành ngôi nhà với chi phí rẻ nhất và từ cách này đã giúp được 44 hộ nghèo của thôn xây dựng được những ngôi nhà kiên cố.
Thôn Nà Cà, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên, cũng rất thành công từ chuyện hàng xóm cùng giúp nhau làm nhà khi xây dựng khu di dân. Năm 2014, khu di dân của Nà Cà được xây dựng cho 27 hộ được di dời ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở theo kế hoạch của tỉnh. Người dân được hỗ trợ 35 triệu đồng/hộ từ nguồn hỗ trợ di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở của Trung ương và của tỉnh để xây nhà. Bí thư chi bộ thôn Nà Cà Phoòng Phu Mềnh cho biết: Nếu chỉ trông vào số tiền hỗ trợ mà hàng xóm không giúp nhau thì nhiều người không làm được nhà. Bà con làm đổi công, người biết kỹ thuật thì xây dựng, người không biết thì phụ vữa, vận chuyển vật liệu đến tận chân công trình... Từ đó, giảm chi phí xây dựng mỗi ngôi nhà đến 3-4 lần. Bà con còn cho nhau vay tiền không tính lãi, nhà này làm nhà không đủ tiền thì nhà khác cho vay, đợi khi bán gỗ trồng rừng có tiền thì trả.
Cứ như vậy, chuyện tình làng, nghĩa xóm luôn mang ý nghĩa tốt đẹp, cho dù được chuyển từ dạng này sang dạng khác theo thời cuộc, nhưng cái đích cuối cùng vẫn cứ là giúp đỡ, chia sẻ với nhau để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()