Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 22:36 (GMT +7)
Hành động vì trẻ em
Thứ 6, 11/03/2011 | 07:03:37 [GMT +7] A A
Con số 16% trẻ em tỉnh Quảng Ninh hiện nay có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là một thách thức lớn đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn.
Số liệu trên đây được trình bày tại hội nghị tổng kết Chương trình hành động vì trẻ em Quảng Ninh giai đoạn 2001-2010 của UBND tỉnh Quảng Ninh, tổ chức vào ngày 10-3-2011. Tỷ lệ này được đánh giá là cao.
Cụ thể, hiện toàn tỉnh có 2.864 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (1.883 trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi; 189 trẻ em nhiễm HIV; 1.522 trẻ em khuyết tật, tàn tật). Trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 39.412 trẻ (bao gồm: 4.214 trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ; 2.024 trẻ em có cha mẹ ly hôn; 30.956 trẻ em trong hộ nghèo; 516 trẻ em sống trong gia đình có người vi phạm pháp luật; 603 trẻ em sống trong gia đình có người nhiễm HIV/AIDS; 742 trẻ em bỏ học; 137 trẻ em mù chữ; 175 trẻ em mắc chứng bệnh hiểm nghèo; 45 trẻ em bị tai nạn thương tích).
Cùng hoàn cảnh nêu trên, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em, tình trạng buôn bán trẻ em, tình hình trẻ em vi phạm pháp luật có diễn biến phức tạp. Cụ thể trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã phát hiện 175 vụ, 226 đối tượng xâm hại 180 trẻ em, trong đó có 95 vụ, 110 đối tượng xâm hại tình dục 96 trẻ em. Bộ đội Biên phòng đã tiếp nhận và giúp đỡ 84 trẻ bị buôn bán trở về với gia đình, trong đó Quảng Ninh có 13 trẻ. Cũng trong 10 năm qua, toàn tỉnh xảy ra 379 vụ, 549 trẻ em vi phạm pháp luật, trong đó phạm tội nghiêm trọng có 108 trẻ.
Báo cáo tại hội nghị tổng kết nói trên còn cho biết, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi vẫn ở mức cao, chất lượng giáo dục ở vùng cao, biên giới, hải đảo còn hạn chế.
Thực tế và bối cảnh nói trên, cho thấy công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của tỉnh Quảng Ninh còn nhiều khó khăn, thách thức. Các khó khăn, thách thức này sẽ khác nhau giữa các vùng đô thị, nông thôn và miền núi, nhưng “sức ép” của chúng thì không khác nhau là mấy.
Căn cứ vào hoàn cảnh các vùng miền, đặc điểm các đối tượng mà chúng ta xây dựng chương trình cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Công tác này, cùng với trách nhiệm của chính quyền, cần có sự chung tay của toàn xã hội.
Liên kết website
Ý kiến ()