Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 31/10/2024 17:03 (GMT +7)
Kỷ niệm 61 năm Ngày thành lập tỉnh 30/10 (1963-2024) Hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu phấn đấu
Thứ 4, 30/10/2024 | 05:34:10 [GMT +7] A A
61 năm qua, trải qua bao thăng trầm lịch sử, với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực vượt khó đi lên, gặt hái nhiều thành công trên các lĩnh vực, trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước.
Ngày 30/10/1963, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá II, đã ra Nghị quyết, Quyết nghị phê chuẩn việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh. Về sự kiện này, Bác Hồ đã gợi ý gọi tên là Quảng Ninh, ghép chữ Quảng (của khu Hồng Quảng) và chữ Ninh (của tỉnh Hải Ninh) mà thành. Tên gọi này vừa dễ hiểu, vừa dễ nhớ, lại có nhiều ý nghĩa. “Quảng” là rộng lớn. “Ninh” là yên bình, bền vững. Quảng Ninh ghép vào với nghĩa là một vùng rộng lớn, yên bình, bền vững... Trải qua 61 năm trên bước đường xây dựng và trưởng thành, với sự quan tâm của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh luôn phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, kiên định mục tiêu vì hạnh phúc nhân dân. Nhiều năm qua, tỉnh luôn gắn kết chặt chẽ, hài hòa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, với nhiều chủ trương, chính sách mang tính vượt trội so với nhiều địa phương trong nước.
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tỉnh luôn quán triệt, vận dụng đúng chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, trên tinh thần đổi mới, sáng tạo để kịp thời có những quyết sách linh hoạt phù hợp thực tiễn địa phương. Từ năm 2019 đến nay, bên cạnh những chính sách chung của cả nước, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách riêng về an sinh, phúc lợi xã hội, tập trung vào việc làm, nhà ở, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, nâng cao đời sống của người cao tuổi, người neo đơn, khuyết tật, trẻ mồ côi... Điển hình là Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, được triển khai hiệu quả.
Đến nay, kết cấu hạ tầng của tỉnh ngày càng phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, đặc biệt hạ tầng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh, góp phần kéo giảm khoảng cách giữa các vùng, miền. 100% xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới được nhựa hoá hoặc bê tông hoá đường giao thông rộng đẹp; 100% tuyến đường từ trung tâm xã đến các thôn, bản được bê tông hóa theo tiêu chí NTM. Toàn tỉnh có 274 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, nhiều công trình cấp nước phân tán…, đảm bảo tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,9%, trong đó tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn hiện hành đạt trên 70%. Tỉnh hoàn thành xây dựng và phát sóng viễn thông 54/54 trạm, phủ lõm sóng 66/66 thôn. Tỷ lệ vùng phủ sóng thông tin di động đạt 99,8% các khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh. Hạ tầng Internet băng rộng đã được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. 100% các thôn, bản trên địa bàn xã đã được phủ sóng điện thoại di động… 100% số hộ dân ở các xã, thôn được sử dụng điện lưới quốc gia.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được tỉnh quan tâm đặc biệt. Quảng Ninh đang hoàn thiện Đề án “Nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng và y tế điều trị; chất lượng chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2021-2025”; tiếp tục hoàn thiện Đề án nâng cao năng lực trạm y tế xã, phường, thị trấn, nhất là tại các địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo để tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và cộng đồng. Đến nay 64/64 xã DTTS miền núi có trạm y tế đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Hệ thống kết cấu hạ tầng y tế của tỉnh được đầu tư xây dựng, nâng cấp đồng bộ, hiện đại ở cả hệ thống y tế dự phòng, hệ thống khám chữa bệnh. Năm 2023, kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh có 3 công trình lớn của tỉnh hoàn thiện, đưa vào sử dụng, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, là: Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng; Bệnh viện Phổi; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Quảng Ninh đã phát triển được nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu, giúp nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh ngay tại địa phương, nhất là ở một số lĩnh vực hồi sức cấp cứu, phẫu thuật mổ tim hở, can thiệp tim mạch, ung bướu, phẫu thuật sọ não, cột sống, phẫu thuật khớp, nghiên cứu tầm soát và chẩn đoán trước sinh, triển khai lộ trình phát triển kỹ thuật chuyên môn sâu về ghép tạng và tế bào gốc…
Đầu tư cho giáo dục vùng DTTS và miền núi được tỉnh chú trọng, nhất là đầu tư trường lớp, các chính sách ưu tiên cho giáo dục được duy trì. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 mỗi huyện có một trường học công lập theo tiêu chí chất lượng cao ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông, dự kiến có 22 trường. Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được quan tâm thông qua hệ thống thiết chế văn hóa thể thao được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa, giải trí của nhân dân.
Hết năm 2023, Quảng Ninh hoàn thành toàn diện các mục tiêu xây dựng NTM ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã và mục tiêu giảm nghèo bền vững theo tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021-2025, về đích trước 2 năm. Toàn tỉnh đã chuyển sang giai đoạn thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn 1,4 lần so với chuẩn nghèo của trung ương theo tiêu chí thu nhập.
Đời sống không ngừng được cải thiện, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; phấn đấu lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa. Bà Ninh Thị Nhất (thôn Khe Mằn, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) nói: “Vốn là thôn rất khó khăn, được sự quan tâm của trung ương, của tỉnh về triển khai các chính sách cho đồng bào DTTS, vùng khó, bà con trong thôn được hưởng lợi rất nhiều. Mọi người thêm phấn khởi, cùng nhau tích cực tham gia xây dựng NTM. Bây giờ đường bê tông được trải từ xã đến thôn, nhiều nhà xây khang trang, rộng đẹp. Bà con còn được hướng dẫn trồng cây gì, chăn nuôi con gì để có thu nhập ổn định, làm giàu”.
Ở bất cứ thời điểm, hoàn cảnh nào, tỉnh luôn nhất quán quan điểm “vì hạnh phúc nhân dân”. Bão số 3 khiến Quảng Ninh bị thiệt hại hết sức nặng nề. Chính phủ, trung ương đã có những chỉ đạo sát sao, dành nguồn lực lớn hướng về đồng bào vùng bão lũ. Cùng với khẩn trương khắc phục hậu quả của bão số 3, tỉnh nhanh chóng ban hành những chính sách, giải pháp hỗ trợ kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề do bão, như: Hỗ trợ học phí cho học sinh; hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở; hỗ trợ trục vớt tàu thuyền đánh bắt hải sản... Sự quan tâm, sẻ chia kịp thời của tỉnh trở thành “trợ lực” giúp nhân dân phần nào bớt khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, tái thiết sản xuất, phục hồi kinh tế sau bão.
Cùng với gấp rút hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra năm 2024, cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh đang nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo “Kỷ luật và Đồng tâm” với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tự lực, tự cường để đưa các hoạt động trở lại trạng thái bình thường sau bão số 3, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()