Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:30 (GMT +7)
Hành trang của quân nhân xuất ngũ
Thứ 2, 01/03/2021 | 07:04:48 [GMT +7] A A
Mỗi năm, Quảng Ninh có khoảng 2.000 thanh niên lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự, tương ứng cũng có chừng đó quân nhân xuất ngũ trở về địa phương. Trái ngược hẳn tâm thế lúc ra đi, ngày trở về, những tân binh năm nào ai nấy đều rắn rỏi, đĩnh đạc, trưởng thành và mang trong mình nhiều kỳ vọng tương lai tươi sáng.
Ký ức tươi đẹp
Những ngày cuối tháng 1 năm 2021 rơi vào dịp cận kề Tết Nguyên đán. Thời điểm đất trời sắp sang xuân, người người, nhà nhà sắp được đón một mùa đoàn viên ấm áp. Ấy cũng là lúc quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương, về bên gia đình, người thân, bạn bè.
Binh nhất Nguyễn Quốc Hiệp (thứ hai, trái sang), chiến sĩ Tiểu đoàn tên lửa 181 (Trung đoàn 213, Sư đoàn 363, Quân chủng Phòng không - Không quân) chụp ảnh kỷ niệm cùng đồng đội ngày xuất ngũ. |
Có mặt tại lễ đón nhận quân nhân xuất ngũ của TP Uông Bí, chúng tôi mới cảm nhận hết được ý nghĩa của giờ phút đoàn viên đối với họ trong những ngày Tết đến, Xuân về. Khỏi phải nói, những quân nhân xuất ngũ vui và hân hoan đến nhường nào giữa vòng tay của người thân yêu sau 2 năm xa cách. Binh nhất Nguyễn Quốc Hiệp, chiến sĩ Tiểu đoàn tên lửa 181 (Trung đoàn 213, Sư đoàn 363, Quân chủng Phòng không - Không quân) chia sẻ: Tôi đã từng tưởng tượng về ngày ra quân, nhưng khi thực sự được sống trong giây phút này, tôi mới hiểu được những cảm xúc mà những người đi trước từng kể về ngày xuất ngũ. Rất nhiều cung bậc cảm xúc... Đó là niềm hạnh phúc khi được gặp lại mọi người. Đó còn là cảm xúc khó tả khi nghĩ về đơn vị, đồng đội...
Nguyễn Quốc Hiệp chợt khựng lại khi nhắc về hai từ "đơn vị, đồng đội". Trong ánh mắt của người quân nhân ấy hiện rõ nỗi nhớ mơ hồ khó nói thành lời. Theo lời kể của Hiệp, gần đến ngày xuất ngũ, anh và tất cả đồng đội không khỏi bồi hồi. Đêm cuối cùng trong đơn vị, Hiệp trằn trọc mãi không ngủ được. Phần vì hồi hộp chờ đến lúc gặp lại bố mẹ, phần vì nhớ và tiếc nuối những gì đã gắn bó với mình trong vòng 2 năm qua. Đối với chàng thanh niên độ tuổi mười chín, đôi mươi, ngày tháng trong quân ngũ có lẽ là khoảng ký ức thanh xuân tươi đẹp không thể nào quên.
Cuộc sống từ những ngày đầu làm chiến sĩ đến nay bỗng hiện lên như một thước phim quay chậm qua lời kể của Nguyễn Quốc Hiệp. Anh tâm sự: Dù đã xác định tâm lý từ trước, song khi bắt đầu cuộc sống quân nhân, tôi vẫn khá bỡ ngỡ nếu không muốn nói là "sốc". Thời gian đầu, ngày nào tôi cũng khóc. Cán bộ thấy vậy đã động viên tôi: “Có gì mà phải khóc”. Tôi đã nguôi ngoai phần nào và hứa sẽ mạnh mẽ, nhưng chỉ được một lúc rồi lại khóc tiếp (cười). Nhưng thời gian đó cũng qua đi rất nhanh và tôi dần quen được với cuộc sống của một người chiến sĩ thực thụ.
Cuộc sống trong quân ngũ của công dân Lâm Đại Nghĩa (Khu Nam Trung, phường Nam Khê, TP Uông Bí). Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Người ta vẫn thường nói: Tuổi trẻ là ti tỉ thứ "lần đầu tiên". Đối với Hiệp, sống và rèn luyện trong môi trường quân đội cũng chính là tuổi trẻ trong câu nói ấy. Thời gian bỡ ngỡ qua đi cũng là lúc Hiệp được trải nghiệm, thực hành những điều mới mẻ. “Có rất nhiều thứ lần đầu tiên tôi làm, như: Lần đầu tiên đi ăn cơm khi nghe tiếng kẻng, lần đầu tiên đi gác, lần đầu tiên được chạm vào vũ khí... Lúc đó, tôi bắt đầu cảm thấy thích thú cuộc sống quân ngũ. Tôi đã có một khoảng thời gian rất ý nghĩa trong môi trường quân đội. Bởi vậy, giờ xa rồi lại cảm thấy nhớ” - Hiệp nói.
Tâm sự của binh nhất Nguyễn Quốc Hiệp cũng là tâm trạng chung của rất nhiều bạn trẻ tôi gặp hôm đó. Khi được hỏi về cảm xúc của mình trong ngày xuất ngũ, binh nhất Nguyễn Quang Chiến, chiến sĩ Lữ đoàn pháo binh 454 (Quân khu 3) chia sẻ: Thời gian 2 năm tuy không phải quá dài, nhưng để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng khó quên. Tôi cùng các đồng chí, đồng đội đã cùng sinh hoạt, cùng rèn luyện và trưởng thành. Bao buồn, vui trong suốt 2 năm qua đều chia sẻ cùng nhau, nên khi phải chia tay các đồng đội, cảm thấy rất xúc động. Chắc chắn rằng kỷ niệm trong quân ngũ sẽ còn vương vấn trong suy nghĩ của chúng tôi thời gian dài. Song những gì có được từ môi trường quân đội cũng sẽ là hành trang giúp chúng tôi vững tin hơn trong chặng đường phía trước.
Hành trang ngày trở về
Niềm tin về tương lai của những quân nhân xuất ngũ như Hiệp hay Chiến là hoàn toàn có cơ sở. Bởi theo tìm hiểu chúng tôi, khi xuất ngũ trở về địa phương, hành trang mang về của mỗi chiến sĩ không chỉ là sự rắn rỏi về thể chất, vững vàng về tư tưởng, mà còn là chế độ trợ cấp, chế độ bảo hiểm xã hội khoảng 20 triệu đồng và một thẻ học nghề miễn phí. Cùng với đó, ngay tại lễ đón nhận, chính quyền địa phương đã quan tâm tổ chức tư vấn hướng nghiệp, kết nối giới thiệu việc làm giúp quân nhân xuất ngũ có nhiều cơ hội trong con đường lập thân, lập nghiệp.
TP Uông Bí tổ chức hướng nghiệp, tư vấn việc làm cho quân nhân xuất ngũ. Ảnh: Văn Đảm |
“Do chưa học hết cấp 3, nên trước khi nhập ngũ, tôi đã có thời gian dài đi làm thuê. Suốt mấy năm trời tôi làm khá nhiều việc, nhưng chưa qua trường lớp đào tạo nào, do vậy công việc, thu nhập không ổn định. Có được tấm thẻ học nghề miễn phí, cùng sự định hướng nghề nghiệp của gia đình, tôi sẽ đăng ký học nghề lái xe để xin vào làm việc tại một doanh nghiệp phù hợp” - Nguyễn Quốc Hiệp nói.
Không chỉ được trao cơ hội về học nghề và việc làm, nhiều quân nhân cũng đã được tạo điều kiện rèn luyện, phấn đấu vào Đảng ngay trong thời gian tại ngũ. Do đó, những năm qua, đối với nhiều thanh niên hoàn thành nghĩa vụ ở TP Uông Bí, ngày trở về còn là niềm tự hào với cấp ủy và chính quyền địa phương, khi đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Chàng thanh niên Lâm Đại Nghĩa ở khu Nam Trung, phường Nam Khê, TP Uông Bí, là một trong những quân nhân như vậy. Bước vào môi trường quân ngũ, Nghĩa đã không ngừng học tập, rèn luyện và cố gắng vượt qua mọi thử thách gian khó tại đơn vị. Trong 2 năm quân ngũ, Nghĩa liên tiếp giành được danh hiệu "Chiến sĩ tiên tiến đạt thành tích tốt trong phong trào thi đua quyết thắng". Nhập ngũ từ tháng 2/2017 thì đến tháng 7/2018, Nghĩa đã trở thành đảng viên mới được tạo nguồn từ quân đội.
Lâm Đại Nghĩa (bên trái) hiện đang là công nhân Công ty Than Vàng Danh. |
Lâm Đại Nghĩa cho biết: Vất vả, gian khổ, huấn luyện cường độ cao và kỷ luật nghiệm là những gì tôi đã trải qua trong môi trường quân ngũ. Nhờ những rèn luyện đó đã giúp tôi rất nhiều trong công việc hiện tại, dù đang làm trong môi trường công nghiệp nặng. Đồng thời, việc được trở thành đảng viên ngay trong thời gian tại ngũ cũng sẽ là hành trang quý, giúp tôi có điều kiện thuận lợi tham gia vào công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.
Những năm qua, nhiều thế hệ thanh niên Quảng Ninh đã lên đường nhập ngũ, trong đó có nhiều thanh niên tự nguyện viết đơn thực hiện nghĩa vụ quân sự theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Qua thời gian luyện rèn trong môi trường quân đội, hầu hết các quân nhân đều chín chắn, trưởng thành. Rồi đây, từ sự tu dưỡng, rèn luyện trong quân ngũ, với bao hoài bão, niềm tin và hy vọng, những quân nhân xuất ngũ trở về địa phương sẽ tiếp tục cố gắng học tập, lao động để góp sức trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng là người chiến sĩ trẻ xung kích trên mặt trận mới.
Ngô Dịu
Liên kết website
Ý kiến ()