Độc giả Trịnh Thu Hằng, Hà Nội, chia sẻ những đồ dùng nhất định phải mang theo mỗi khi ra nước ngoài, từ kinh nghiệm cá nhân qua các chuyến đi.
Tất cả chuyên mục
Giấy tờ cá nhân, các loại thuốc, đồ vệ sinh cá nhân, các thiết bị điện tử... là những đồ vật cần mang theo mỗi chuyến đi.
Độc giả Trịnh Thu Hằng, Hà Nội, chia sẻ những đồ dùng nhất định phải mang theo mỗi khi ra nước ngoài, từ kinh nghiệm cá nhân qua các chuyến đi.
Giấy tờ cá nhân và tiền
Ra khỏi biên giới thì hộ chiếu là đồ vật quan trọng nhất. Mỗi khi đi đâu, tôi thường cho hộ chiếu vào một túi bao tử loại mỏng, nhẹ, cùng với tiền chẵn và thẻ ngân hàng. Túi bao tử này tôi luôn đeo phía trong áo khoác và chỉ giở ra trong trường hợp thật cần thiết. Tiền lẻ và các giấy tờ sử dụng thường xuyên thì tôi để ví khác, cất ở những chỗ tiện rút ra rút vào như túi quần, túi áo, túi đeo chéo. Lưu ý, bạn nên bọc hộ chiếu trong bìa nilon để giảm khả năng bị ướt, nhòe, rách nếu dính nước, bởi bất kỳ hư hại nhỏ nào đối với hộ chiếu cũng có thể mang lại rắc rối lớn cho bạn khi xuất nhập cảnh.
Ngoài hộ chiếu, chúng tôi thường mang theo ít nhất một giấy tờ chính thức khác (chứng minh thư, căn cước, bằng lái...) và luôn chuẩn bị sẵn ảnh 3x4, ảnh 4x6 phòng trường hợp có rắc rối nào đó cần dùng đến.
Các loại thuốc phổ thông
Ít ai lường trước được hết các tình huống y tế sẽ xảy ra khi đi du lịch, vì thế hãy chuẩn bị một túi thuốc nhỏ mang theo: thuốc hạ sốt, cảm cúm, bông băng y tế, thuốc rối loạn tiêu hóa, thuốc nhỏ mắt nhỏ mũi, thuốc chống muỗi... Đa số các chuyến đi tôi không hề dùng đến túi thuốc này, nhưng đôi khi chúng là cứu tinh, bởi ở nước ngoài không dễ để mua thuốc như khi bạn ở nhà, đó là chưa kể hiệu thuốc có thể ở khá xa hoặc đóng cửa khi bạn cần đến. Nếu bạn có một bệnh mãn tính thì các loại thuốc thường dùng là điều chắc chắn.
Túi gấp và cân cầm tay
Hầu như lần nào ra sân bay mà tôi không bắt gặp cảnh hành khách luống cuống gói bọc đồ đạc một cách vụng về rồi nhăn nhó thanh toán thêm tiền quá cân. Tình huống này khá phổ biến vì đã đi chơi thì ai cũng muốn tranh thủ shopping. Vì thế, bạn có thể chuẩn bị một số túi, balo loại có thể gấp gọn. Ở chiều đi, bạn cất trong vali, ở chiều về khi phát sinh thêm đồ đạc thì mang ra dùng.
Một vật dụng không thể thiếu trong các chuyến đi của chúng tôi là chiếc cân nhỏ cầm tay và thước dây. Có những chiếc cân được đến 50 kg. Như thế, mỗi khi định mua món gì nặng ký hoặc dài rộng quá khổ so với vali, bạn có thể cân đo và ngẫm nghĩ xem có đáng để khuân từ nước ngoài về hay không, vì ngoài tiền hàng bạn có thể còn phải trả khoản tiền cước vận chuyển, có khi còn đắt hơn tiền mua món đồ. Hầu hết các hãng hàng không đều quy định hành lý xách tay chỉ 7-10 kg, với hình dáng nhỏ gọn.
Đồng hồ và các thiết bị điện tử
Đi đúng giờ là một yếu tố rất quan trọng đảm bảo cho chuyến du lịch thuận lợi, vui vẻ và do đó bạn nên có một chiếc đồng hồ đeo tay, phòng khi điện thoại có trục trặc. Đồng hồ ít có nguy cơ hết pin, rơi vỡ, bị móc trộm hoặc bị bỏ quên, thậm chí bạn có đeo nó xuống bể bơi hoặc đi trong dông bão nó cũng khó hư hỏng, còn điện thoại thì ngược lại.
Với điện thoại, bạn hãy chắc chắn rằng nó có thể phục vụ bạn tốt nhất, bằng cách cài các ứng dụng hữu ích cho chuyến đi. Nếu điện thoại không đủ dung lượng, bạn có thể mạnh dạn gỡ bỏ các ứng dụng giải trí rồi khi về đến nhà sẽ cài lại sau. Một chiếc điện thoại hoạt động trơn tru sẽ là người bạn đồng hành hữu ích của bạn trong những chuyến du lịch thời 4.0.
Và để thiết bị điện tử hoạt động trơn tru, hãy mang theo các loại phích cắm đa dụng, có thể phù hợp với ổ cắm ở nhiều quốc gia. Phích cắm, dây sạc và pin dự phòng luôn để trong hành lý xách tay. Đặc biệt, nhiều hãng bay không cho phép để pin dự phòng trong hành lý ký gửi nên lưu ý kiểm tra kỹ trước khi gửi đồ.
Quần áo
Không chỉ ở các Hồi quốc, nhiều điểm tham quan trên thế giới đưa ra các chỉ dẫn về trang phục cần tuân thủ. Vì thế hãy nghiên cứu kỹ trước khi "lên đồ" đi du lịch. Ngoài ra, yếu tố thời tiết và sự tiện lợi luôn được đặt lên hàng đầu. Nếu phải chọn giữa cái đẹp và cái tiện, thì nên chọn cái tiện. Ví dụ, giày cao gót, giày Tây đế cứng trông sang chảnh, nhưng sẽ khiến bạn nhanh chóng mệt mỏi, xuống sức so với giày thể thao, giầy bệt đế mềm.
Ngoài quần áo thời trang, một số món đồ "bảo hộ" nên có mặt trong hành lý dù trời nóng hay trời lạnh, mùa mưa hay mùa khô là mũ rộng vành, áo khoác, áo mưa, khẩu trang và khăn quàng. Những món đồ này không chiếm nhiều thể tích trong vali của bạn và sẽ rất hữu dụng khi thời tiết trở nên "trái tính trái nết".
Đồ vệ sinh cá nhân
Nhiều khách sạn ở nước ngoài không có sữa tắm dầu gội, xà phòng, kem đánh răng..., thậm chí có nơi không chuẩn bị khăn tắm, hoặc khăn tắm quá cũ. Vì vậy, để tránh việc phải nhịn gội đầu, rửa mặt nhiều ngày, hãy mang đủ bộ vệ sinh cá nhân, đựng vào các chai dung tích nhỏ. Bạn có thể cho toàn bộ chai lọ nhỏ vào trong một túi chống thấm, có móc treo, khi đến khách sạn bạn chỉ việc treo vào phòng tắm và khi trả phòng dọn cũng nhanh. Túi đựng đồ vệ sinh cá nhân có rất nhiều loại, bạn có thể dễ dàng mua trên mạng với giá từ 100.000 đồng. Bạn cũng có thể mang khăn tắm, khăn mặt riêng để đảm bảo vệ sinh.
Đồ ăn
Có những du khách Việt đi nước ngoài ngại làm quen với nền ẩm thực mới mẻ, ai nấy chất đầy mì tôm, thịt hộp, thậm chí cả ruốc, muối vừng... Thực tế, nhiều quốc gia có quy định nghiêm ngặt về việc cấm mang một số loại thực phẩm nhập cảnh nước họ, thậm chí bị phạt. Vì thế bạn hãy đọc kỹ các quy định ở nơi sẽ đến, để cân nhắc có nên mang đồ ăn hay không. Theo lời khuyên, đây là cơ hội hiếm có để bạn tận hưởng những hương vị mới, bản sắc văn hóa mới, vì vậy, nên làm quen với ẩm thực bản địa.
Ý kiến ()