Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 22:00 (GMT +7)
Hành trình OCOP Quảng Ninh
Thứ 4, 19/05/2021 | 08:58:08 [GMT +7] A A
Từ năm 2013 Quảng Ninh thực hiện Đề án “Tỉnh Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm” (chương trình OCOP). Đến nay hành trình OCOP đã đạt được những kết quả quan trọng, mang thương hiệu Quảng Ninh, cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa.
Khẳng định thương hiệu OCOP Quảng Ninh
Chương trình OCOP giai đoạn đầu với mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế ở các xã, phường, thị trấn, góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, góp phần tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định xã hội nông thôn.
Ngay từ khi triển khai, chương trình được thiết kế để các chủ thể sản xuất từ cá thể, hộ sản xuất đến các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp đều có sự chủ động về ý tưởng sản phẩm, xác định thị trường, chủ động sản xuất, tiêu thụ. Nhà nước đóng vai trò tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, thông tin thị trường và xúc tiến thương mại. Với những giải pháp linh hoạt, sáng tạo, đột phá và sát hợp với thực tế, chương trình đã tạo một khí thế mới trong sản xuất, kinh doanh (SXKD) và đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Đến năm 2016, toàn tỉnh có 180 tổ chức kinh tế, cơ sở, hộ sản xuất tham gia chương trình OCOP. Sản phẩm từng bước được hoàn thiện, đảm bảo tiêu chuẩn cao về ATTP, chất lượng, mẫu mã... Chương trình đã khẳng định hướng đi đúng, góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất, góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 của Quảng Ninh, được Nhà nước đánh giá, ghi nhận bằng việc tặng thưởng Huân chương Lao Động hạng Nhất vào tháng 12/2015, được Trung ương chọn và triển khai nhân rộng cả nước.
Năm 2017 tỉnh phê duyệt Đề án OCOP giai đoạn 2017-2020, với quan điểm đưa chương trình OCOP phát triển theo chiều sâu, là một nội dung, nhiệm vụ quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM. Chương trình tiếp tục bám sát 3 nguyên tắc cơ bản: Hành động địa phương, hướng đến toàn cầu; tự lực, tự tin và sáng tạo; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trên cơ sở nguyên lý hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ sản xuất - thu hoạch đến chế biến - tiêu thụ để gia tăng giá trị. 2 đối tượng phát triển chính của chương trình là sản phẩm và tổ chức kinh tế, trong đó tập trung phát triển HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cách thức triển khai chương trình giai đoạn này tiếp tục thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo, đột phá và sát với thực tế của tỉnh.
Để triển khai chương trình đạt hiệu quả cao nhất, Quảng Ninh đã hình thành bộ máy ban chỉ đạo, cơ quan thường trực các cấp đồng bộ, vận hành chuyên nghiệp, phát huy có hiệu quả vai trò trách nhiệm của các sở, ban, ngành tham gia vào các khâu trong quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp lý, các cơ chế chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho công tác chỉ đạo, quản lý chương trình từ tỉnh đến cơ sở.
Việc huy động nguồn lực đầu tư cho chương trình giai đoạn này được đẩy mạnh. Hằng năm, cấp tỉnh phân bổ ngân sách từ 200-300 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp chương trình xây dựng NTM, trong đó dành 10% thực hiện Đề án OCOP cấp tỉnh và một số chương trình, dự án về nông nghiệp liên quan. Cấp huyện bố trí vốn xây dựng NTM, dành 40% kinh phí do tỉnh phân bổ thực hiện các dự án phát triển sản xuất, trong đó dành 10-20% hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP. Tổng nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp chương trình giai đoạn 2017-2020 đạt hơn 5.700 tỷ đồng; trong đó ngân sách nhà nước 74,4 tỷ đồng, nguồn vốn các doanh nghiệp 550 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM và chương trình OCOP đạt 17.045 tỷ đồng, chiếm 13,4% tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Riêng vốn tín dụng của các tổ chức OCOP chiếm trên 30% tổng vốn tín dụng, với 5.133,5 tỷ đồng.
Trong 4 năm, tỉnh đã tổ chức thẩm định và ra quyết định chấp thuận cho 350 sản phẩm đủ điều kiện tham gia chương trình OCOP, tăng 191% so với chỉ tiêu đề ra của Đề án, nâng tổng số 456 sản phẩm tham gia chương trình, trong đó có 236 sản phẩm được cấp chứng nhận đạt từ 3-5 sao. Công tác quản lý nhãn hiệu OCOP đảm bảo chặt chẽ theo quy định, đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu OCOP-QN cho 100% sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh hỗ trợ ban đầu việc dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho 50 sản phẩm đạt 3 sao trở lên. Đến nay, đã có trên 90% sản phẩm thuộc chương trình được dán tem điện tử, hoặc có mã số, mã vạch, khẳng định uy tín thương hiệu của sản phẩm OCOP Quảng Ninh, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.
Trong giai đoạn này, tỉnh đã tổ chức thành công 4 cuộc thi đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP, lựa chọn được 317 sản phẩm tham gia dự thi cấp tỉnh, kết quả có 244 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên; 2 hội nghị đối tác OCOP (năm 2018 và 2019); phát triển mới 95 đơn vị kinh tế tham gia OCOP, nâng tổng số các 177 tổ chức kinh tế tham gia chương trình (47 doanh nghiệp, 65 HTX, 65 hộ sản xuất). Tổng doanh thu các sản phẩm tham gia chương trình đạt 1.571,073 tỷ đồng, tăng 133% so với giai đoạn 2013-2016; lợi nhuận đạt 270.156 triệu đồng; tạo công ăn việc làm cho trên 4.500 lao động trực tiếp và hàng vạn lao động gián tiếp.
Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh tổ chức 12 hội chợ OCOP cấp tỉnh, với 2.654 gian hàng, trong đó có 1.196 gian với hơn 2.000 lượt sản phẩm OCOP của tỉnh; xác nhận và tổ chức 28 hội chợ OCOP kết hợp thương mại; 11 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; 17 tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP tại Big C Hạ Long. Hội chợ OCOP Quảng Ninh tiếp tục khẳng định là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng, có tác dụng quảng bá sản phẩm OCOP, là nơi để các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, bạn hàng tiêu thụ thường xuyên, là sản phẩm tốt phục vụ du khách.
Cùng với đó, mạng lưới các trung tâm và điểm bán sản phẩm OCOP tại các địa phương trong tỉnh được quan tâm đầu tư, phát triển (hiện có 29 trung tâm, điểm bán hàng OCOP). Công tác quảng bá xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP trên hệ thống thương mại điện tử được quan tâm. Đến nay có 20 sản phẩm OCOP tỉnh được bán qua sàn giao dịch của Bưu điện Quảng Ninh (bdasa.com.vn); 128 sản phẩm được bán trên Qnitrade.gov.vn, thuonghieuquangninh.gov.vn. Quảng Ninh cũng đã tổ chức có hiệu quả 8 hội nghị gặp gỡ, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP để phục vụ du khách đến Quảng Ninh, góp phần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP và các khách sạn, nhà hàng, tàu du lịch gặp gỡ kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Các hoạt động hợp tác quốc tế triển khai chương trình được thực hiện thông qua việc mời các đối tác nước ngoài tham gia các hội chợ OCOP, như: Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Iran, Campuchia; Hội chợ quốc tế Việt - Trung tại Đông Hưng (Trung Quốc) và Móng Cái (Việt Nam).
Vững bước trên chặng đường mới
Trên cơ sở kết quả đạt được, chương trình OCOP Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 đặt ra những mục tiêu mới. Trong đó năm 2021 được xác định là năm bản lề quan trọng, quyết định thành công của chương trình, từng bước hiện thực hóa mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh là xây dựng nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có.
Chương trình triển khai trong bối cảnh tỉnh tập trung đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Quan điểm chung là đưa OCOP là chương trình phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh, đặc biệt là khu vực nông thôn; chương trình đặt trong tổng thể nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó Nhà nước đóng vai trò kiến tạo môi trường, người dân là chủ thể thực hiện chính, các đối tác OCOP đồng hành cùng phát triển.
Mục tiêu là tiếp tục nâng tầm chương trình OCOP chuyển từ lượng sang chất, phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn chất lượng cao trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa nông nghiệp và phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn và khu vực đô thị; phát huy tiềm năng thế mạnh của các địa phương, sức sáng tạo của người dân để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đạt các tiêu chuẩn quy định; hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, trọng tâm là các sản phẩm chủ lực để vươn ra thị trường trong và ngoài nước... Tiếp tục xây dựng và quản lý chương trình OCOP thành thương hiệu mạnh của tỉnh trên phạm vi cả nước, từng bước vươn ra thị trường khu vực và quốc tế. Phấn đấu phát triển mới 300 sản phẩm, trong đó có ít nhất 250 sản phẩm đạt từ 3-4 sao cấp tỉnh, ít nhất 5 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia; phát triển mới ít nhất 50 tổ chức kinh tế tham gia chương trình. Ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển thương hiệu, tiếp thị sản phẩm; phát triển kênh phân phối sản phẩm OCOP trong và ngoài nước, qua đó nâng cao doanh số bán hàng OCOP của các tổ chức kinh tế...
Để đưa chương trình tiếp tục là nền tảng quan trọng thúc đẩy "tam nông" hiện đại, văn minh, giàu có, năm 2021, Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh lựa chọn chủ đề công tác là “Chuẩn hóa quy trình và hệ thống tiêu chuẩn OCOP”.
Ông Vũ Thành Long, Trưởng Ban Xây dựng NTM tỉnh:
"Năm 2021, Quảng Ninh đặt mục tiêu phát triển thêm ít nhất 50 sản phẩm mới theo chu trình OCOP chuẩn; 100% đơn vị sản xuất có sản phẩm mới được đào tạo, tập huấn, tư vấn để dự thi đánh giá và xếp hạng. Ban tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đã được chứng nhận sao, đồng thời phân hạng thêm ít nhất 40 sản phẩm đạt từ 3-4 sao, trong đó có ít nhất 1-2 sản phẩm đạt 5 sao để dự thi cấp Quốc gia. Một trong những mục tiêu trọng tâm năm nay là củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức kinh tế, phát triển thêm ít nhất 10 tổ chức kinh tế”.
Hữu Việt
Liên kết website
Ý kiến ()