Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 15:17 (GMT +7)
Hát chầu văn ở Quảng Ninh - Khơi nguồn di sản
Chủ nhật, 13/06/2021 | 08:39:32 [GMT +7] A A
Quảng Ninh hiện còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa dân gian của các dân tộc. Trong đó, hát chầu văn là loại hình nghệ thuật mang đậm màu sắc hồn Việt, được lưu truyền bảo tồn và phát triển. Việc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Quảng Ninh tham gia Liên hoan Hát văn, hát chầu văn toàn quốc năm 2021 vừa qua là cơ hội quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Quảng Ninh thông qua loại hình văn hóa phi vật thể này.
Hát chầu văn còn gọi là hát văn có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Thời kỳ phát triển thịnh vượng nhất của nó là cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Vào thời gian này, thường có các cuộc thi hát được tổ chức để chọn người hát. Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh, hát chầu văn được coi là hình thức ca hát tín ngưỡng.
Lời hát được phổ từ thơ ca dân gian, đôi chỗ vay mượn cả thơ ca bác học. Câu hát văn tuy không chặt chẽ như một bài thơ nhưng khi đọc lên mọi người vẫn thấy du dương, cuốn hút. Lời hát còn nhận được sự bổ trợ của dàn nhạc, điệu múa phụ hoạ.. nên càng sinh động.
Việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới như một chìa khóa mở cửa cho loại hình nghệ thuật hát chầu văn, diễn xướng, hầu đồng đến gần hơn với người dân và bạn bè quốc tế. Đây cũng là cách để quảng bá tín ngưỡng thờ Mẫu đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Có một thời gian dài do bị hiểu sai là mê tín dị đoan, hát chầu văn bị cấm và đã dần dần mai một. Đến đầu những năm 1990, nó được trả lại sự trong sạch vốn có. Tuy nhiên, lúc này các lão nghệ nhân (cung văn) đã qua đời rất nhiều, người còn lại rất ít. Ở Quảng Ninh hiện nay chỉ còn có một số ít nghệ nhân dân gian hát chầu văn, như: Cù Thị Huấn, Nguyễn Thị Hà, Lê Thị Thúy, Phạm Thùy Liên (Uông Bí), Trần Vũ Tiến (Quảng Yên), Đinh Thị Tuyết Nhung, Phạm Thanh Hoà, Nguyễn Văn Phướng, Phạm Thanh Thảo (Hạ Long)...
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hà kể, năm 1980 - 1988, bà được nghệ nhân Cù Thị Huấn dạy cho biết diễn xướng chầu văn. Từ đó đến nay, bà đã tham gia diễn xướng tại nhiều đền, phủ lớn trong tỉnh cũng như cả nước, tham dự nhiều cuộc thi diễn xướng do Hội UNESCO Bảo tồn văn hoá dân tộc Việt Nam tổ chức. Nghệ nhân Nguyễn Thị Hà có thể trình diễn thành thạo 22 giá (trong số 36 giá hầu đồng hát chầu văn); bao gồm: 3 giá diễn xướng Tam toà thánh mẫu, 4 giá diễn xướng Trần triều, 3 giá tam toà chúa, 5 giá Ông lớn, 6 giá công đồng Thánh chầu và giá Tứ phủ thánh cậu.
Cũng theo nghệ nhân Nguyễn Thị Hà, nghệ thuật trình diễn dân gian trong nghi thức chầu văn của người Việt mang tính sân khấu hoá và tính ước lệ cao. Người trình diễn đã tái hiện các giá hầu quan, giá hầu chúa, các giá hầu chầu, hầu cô, hầu cậu một cách sinh động mà chỉ có một người thể hiện rất nhiều vai diễn, thể hiện hoàn toàn bằng tâm trạng và gương mặt qua các giai điệu hát chầu văn để kính dâng lên cửa thánh cầu cho quốc thái dân an, cầu bách gia trăm họ được mạnh khoẻ, bình an hạnh phúc.
Vì thế, chầu văn đòi hỏi người diễn xướng phải có bản lĩnh sân khấu tự nhiên và phải được học những điều cơ bản nhất của loại hình nghệ thuật này. Có lẽ cũng chính vì tính chất ước lệ và tính sân khấu hoá cao nên hát văn ngày nay không chỉ bó hẹp trong phạm vi dùng trong nghi lễ mà hát văn cũng được coi như một hình thức ca nhạc dân gian vui tươi lành mạnh và có thể đưa ra công diễn trước đông đảo quần chúng.
Dù tuổi đời còn trẻ nhưng thanh đồng Phạm Thanh Thảo (phường Hà Phong, TP Hạ Long) đã có hơn 10 năm hát chầu văn. Ngay từ còn nhỏ, Thanh Thảo đã được tiếp xúc với truyền thống thờ Mẫu của gia đình, dòng tộc. Thảo có cả một kho tàng kiến thức và kinh nghiệm trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Trong 10 năm qua, Thanh Thảo đã được đi trình diễn ở nhiều sự kiện văn hóa, tham gia nhiều tổ chức như: Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật Đông Nam Á.
Tương tự là trường hợp của em Nguyễn Kim Huy, học sinh Trường THCS Trọng Điểm (TP Hạ Long). Khi mới 8 tuổi, hàng ngày Huy vẫn tự theo dõi các tiết mục ca nhạc trên ti vi, để nghe, mày mò học và hát theo. Chầu văn là một loại âm nhạc dân gian rất khó hát đòi hỏi Kim Huy phải có sự tôi luyện, cảm thụ âm nhạc sâu sắc, không chỉ hát mà còn phải biết múa. Việc những người say mê hát chầu văn ngày càng trẻ hóa như Kim Huy là một tín hiệu rất đáng mừng cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()