Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:53 (GMT +7)
Hát và ghi âm, ghi hình đăng lên Youtube có được coi là biểu diễn?
Thứ 7, 30/12/2023 | 08:53:54 [GMT +7] A A
Bà Phan Thị Thu Hảo phản ánh, đơn vị của bà có các ca sĩ sử dụng tác phẩm âm nhạc để hát và thu âm, tạo ra bản ghi âm, ghi hình, sau đó đăng lên Youtube. Bà Hảo hỏi, trường hợp này nhạc sĩ/chủ sở hữu của tác phẩm âm nhạc sẽ cấp cho ca sĩ quyền sao chép hay quyền biểu diễn? Hát và ghi âm, ghi hình đăng lên Youtube có được coi là biểu diễn không?
Về vấn đề này, Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời như sau:
Các điểm b, c, đ khoản 1 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 và 2022 quy định các quyền tài sản thuộc quyền tác giả như sau:
- "Biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm";
- "Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào";
- "Phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, bao gồm cả việc cung cấp tác phẩm đến công chúng theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn".
Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, quy định chi tiết quyền biểu diễn tác phẩm âm nhạc trước công chúng như sau: "Là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc biểu diễn làm cho công chúng tiếp cận, cảm nhận được tác phẩm bằng thính giác hoặc trình bày tác phẩm trên sân khấu cho công chúng nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm, bao gồm cả việc cảm nhận từ bên ngoài không gian nơi đang diễn ra việc biểu diễn qua màn hình, loa hoặc thiết bị kỹ thuật tương tự".
Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng các quyền tài sản thuộc quyền tác giả phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Như vậy, trường hợp ca sĩ sử dụng tác phẩm âm nhạc để hát, thu âm tạo thành bản ghi âm, ghi hình và đăng tải trên Youtube cần căn cứ các quy định pháp luật nêu trên để thực hiện việc xin phép và trả tiền bản quyền các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc.
Đồng thời, cũng cần lưu ý quy định tại điểm a khoản 3 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ: "Chủ sở hữu quyền tác giả không có quyền ngăn cấm tổ chức, cá nhân khác thực hiện hành vi sao chép tác phẩm chỉ để thực hiện các quyền khác theo quy định của Luật này"; các trường hợp giới hạn, ngoại lệ quyền tác giả quy định tại các điều 25, 25a và 26 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Theo Baochinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()