Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 01:19 (GMT +7)
Hậu quả của việc xung đột kéo dài với nền kinh tế Israel
Thứ 7, 24/08/2024 | 16:38:00 [GMT +7] A A
Israel đang đối mặt với những lựa chọn chiến lược khó khăn khi xung đột tiếp diễn ở Dải Gaza và nguy cơ mở rộng giao tranh với Iran cùng các lực lượng dân quân thân Tehran trong khu vực. Tương lai của cuộc chiến không chỉ là vấn đề quân sự, mà còn gắn liền với các thách thức kinh tế lớn.
Tiến sĩ Tomer Fadlon và Giáo sư Esteban Klor tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel (INSS) mới đây cho rằng, cuộc chiến kéo dài 10 tháng qua với Hamas ở Gaza đã đặt Israel vào một tình thế khó khăn về chiến lược quân sự lẫn kinh tế. Nước này hiện đang phải đối mặt với những quyết định hệ trọng về việc tiếp tục chiến dịch quân sự ở Dải Gaza và chống lại "Trục kháng chiến", một liên minh bao gồm Iran và các lực lượng liên quan.
Những quyết định này, dù theo hướng nào, đều mang lại những hậu quả kinh tế nghiêm trọng, đặc biệt khi Israel đang phải đối mặt với thâm hụt ngân sách dự kiến vượt xa dự báo cho năm 2024. Trong bối cảnh đó, Tel Aviv cần xem xét kỹ lưỡng tác động của cuộc chiến lên chi tiêu quốc phòng, tăng trưởng kinh tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài, và khả năng phục hồi tài chính của Israel.
3 kịch bản và tác động
Theo Tiến sĩ Fadlon và Giáo sư Klor, có 3 kịch bản chiến lược chính mà Israel có thể lựa chọn, bao gồm: (1) tiếp tục tình hình hiện tại; (2) leo thang xung đột ở phía Bắc; và (3) đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza. Mỗi kịch bản đều đem đến những hệ quả khác nhau về mặt kinh tế, tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng GDP, thâm hụt ngân sách, tỷ lệ nợ trên GDP, và phí bảo hiểm rủi ro.
Kịch bản 1: Tình hình hiện tại tiếp diễn. Trong kịch bản này, Israel tiếp tục chiến đấu ở Dải Gaza mà không có sự leo thang nghiêm trọng ở phía Bắc. Tăng trưởng GDP dự kiến chỉ đạt 1% vào năm 2024, thấp hơn nhiều so với dự báo của Ngân hàng Israel và các tổ chức kinh tế quốc tế trước khi chiến tranh nổ ra. Sự gia tăng chi tiêu quốc phòng để duy trì các chiến dịch quân sự liên tục sẽ đẩy thâm hụt ngân sách và tỷ lệ nợ trên GDP lên cao. Tình hình này làm gia tăng lo ngại của các nhà đầu tư nước ngoài, khiến Israel trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các khoản đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao, một ngành trọng yếu của nền kinh tế quốc gia.
Hơn nữa, tình hình chính trị và xã hội trong nước sẽ ngày càng căng thẳng do bất đồng về việc tiếp tục chiến tranh và vấn đề trao đổi con tin. Những căng thẳng này không chỉ ảnh hưởng đến tình hình kinh tế mà còn khiến ngày càng nhiều người Israel có trình độ cao rời bỏ đất nước, gây thiệt hại nặng nề cho các ngành công nghiệp quan trọng. Trong bối cảnh này, thâm hụt ngân sách dự kiến sẽ duy trì ở mức cao để tài trợ cho chi tiêu quốc phòng, dẫn đến tỷ lệ nợ trên GDP tăng lên 75%, và khả năng làm tổn hại xếp hạng tín dụng của Israel.
Kịch bản 2: Leo thang ở phía Bắc. Nếu xung đột leo thang ở phía Bắc với Hezbollah, tình hình kinh tế của Israel sẽ trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều. Mặc dù chiến tranh quy mô lớn ở phía Bắc có thể được hạn chế trong một tháng, nhưng hậu quả sẽ rất đáng kể. GDP của Israel có thể giảm từ 2% đến 10% tùy thuộc vào khả năng phòng thủ và ngăn chặn thiệt hại từ các cuộc tấn công của Hezbollah. Thâm hụt ngân sách dự kiến tăng vọt lên khoảng 15%, do chi tiêu quốc phòng và các chi phí liên quan đến duy trì đời sống hàng ngày cho người dân trong điều kiện chiến tranh. Điều này sẽ đẩy tỷ lệ nợ trên GDP lên mức 80%–85%, gây áp lực lớn lên nền kinh tế và khiến việc thu hút vốn đầu tư trở nên khó khăn hơn.
Về lâu dài, bất kỳ sự gia tăng nào trong phí bảo hiểm rủi ro sẽ dẫn đến tăng chi phí cho các khoản nợ công của Israel. Nếu lãi suất nợ công tăng lên một điểm phần trăm, điều này có thể làm tăng gánh nặng tài chính lên khoảng 3 tỷ USD mỗi năm, tương đương với ngân sách phúc lợi hiện tại. Hậu quả này sẽ kéo dài và làm suy giảm khả năng đầu tư vào các lĩnh vực khác của nền kinh tế, đe dọa đến sự phục hồi sau chiến tranh.
Kịch bản 3: Thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza. Một kịch bản mà Israel đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza có thể giúp giảm bớt căng thẳng và ổn định nền kinh tế trong ngắn hạn. Tuy nhiên, sự ổn định này chỉ là tạm thời. Việc rút quân khỏi Dải Gaza và đạt được một thỏa thuận với Hezbollah để giảm căng thẳng ở biên giới phía Bắc có thể giúp người dân Israel trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, chi tiêu quốc phòng vẫn sẽ tiếp tục ở mức cao, đặc biệt khi Israel phải đối mặt với nguy cơ tái phát xung đột bất cứ lúc nào. Hơn nữa, tác động dài hạn của chiến tranh vẫn sẽ kéo dài, với tăng trưởng GDP dự kiến vẫn ở mức thấp, thâm hụt ngân sách cao, và tỷ lệ nợ trên GDP gia tăng.
Hậu quả đối với tăng trưởng kinh tế
Tất cả ba kịch bản đều cho thấy rằng Israel sẽ phải chịu thiệt hại kinh tế dài hạn bất kể kết quả ra sao. Sự suy giảm dự kiến về tốc độ tăng trưởng so với dự báo kinh tế trước chiến tranh, cùng với sự gia tăng chi tiêu quốc phòng, có thể làm trầm trọng thêm nguy cơ suy thoái kinh tế. Điều này có thể gợi nhớ đến thập kỷ mất mát sau Chiến tranh Yom Kippur, khi Israel phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và những cắt giảm lớn trong các lĩnh vực công cộng như giáo dục, y tế, và phúc lợi.
Trong bối cảnh này, Chính phủ Israel sẽ phải đưa ra các quyết định khó khăn về việc cắt giảm chi tiêu ở các bộ ngành không cần thiết và ưu tiên các khoản đầu tư chiến lược nhằm duy trì tăng trưởng và hỗ trợ nỗ lực chiến tranh. Tuy nhiên, việc tăng thuế và thâm hụt có thể là điều khó tránh khỏi, dẫn đến những tác động tiêu cực đối với đời sống người dân và môi trường đầu tư.
Về mặt xã hội, sự kéo dài của chiến tranh và căng thẳng trong nước sẽ tạo ra sự phân hóa sâu sắc trong xã hội Israel. Các cuộc biểu tình và bất đồng về chiến lược quân sự và chính trị sẽ tiếp tục gia tăng, làm suy yếu khả năng đoàn kết quốc gia. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và niềm tin của người dân, làm tăng xu hướng di cư ra nước ngoài và gây thất thoát nguồn lực con người quan trọng cho nền kinh tế.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()