Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:41 (GMT +7)
Hãy thất bại một cách thành công
Thứ 4, 28/02/2024 | 15:45:31 [GMT +7] A A
'Hãy thất bại nhanh chóng và tiến về phía trước' từ lâu đã là câu 'thần chú' được truyền miệng để nói về cách đối diện với thất bại. Tuy nhiên, liệu câu nói này có đủ để giúp các bạn trẻ đạt đến thành công nhanh hơn?
Theo nghiên cứu của McKinsey, thế hệ Z phải đối mặt với những thách thức chưa từng có về sức khỏe tinh thần. Họ trải qua giai đoạn những năm đại học khi dịch COVID-19 bùng phát dữ dội, bước vào thị trường lao động với hàng loạt nhãn dán về một thế hệ nghỉ việc trong im lặng, thiếu năng lực, thừa yêu sách…
Trên hết, như bất kỳ người trẻ nào khác, họ cũng bị những áp lực đồng trang lứa, và chẳng ai muốn thất bại trên hành trình của mình.
Xây dựng môi trường an toàn cho thất bại
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần giúp thế hệ Z có góc nhìn tích cực hơn về thất bại, từ đó làm việc tự tin hơn.
Miễn là mỗi người cần học hỏi sau mỗi vấp ngã, thất bại sẽ là cơ hội để tích lũy kinh nghiệm cho chặng đường dài phía trước, thay vì là chướng ngại làm cản trở mọi mong muốn nỗ lực.
Lãnh đạo có thể xây dựng một môi trường "thất bại lành mạnh" và tạo được cảm giác an toàn về tâm lý. Đây là không gian cho phép và khuyến khích các thành viên trong nhóm trình bày những sai sót để thảo luận và học hỏi, thay vì chì chiết và chỉ trích nhau.
Càng có nhiều cuộc trò chuyện về các sai lầm và thất bại, kinh nghiệm rút ra và các giải pháp tốt hơn sau mỗi sự việc, văn hóa công ty càng trở nên an toàn và phát triển hơn. Từ đó mang lại lợi ích và tạo động lực hành động cho không chỉ gen Z mà toàn thể nhân viên.
Bên cạnh đó, cũng cần hiểu được khoa học của sự thất bại, từ các nghiên cứu tâm lý học đến những bài học thực tế của các doanh nghiệp, cá nhân. Mỗi thế hệ có thể có những góc nhìn khác nhau về sự thất bại, vì vậy cần tránh đánh đồng góc nhìn.
Mỗi nhà lãnh đạo cũng cần dành thời gian để lắng nghe và trò chuyện cùng nhân viên, chia sẻ chính những kinh nghiệm thất bại của họ. Chưa kể là, người khác cho rằng lãnh đạo của họ là những cá nhân "thần kỳ" không bao giờ mắc sai lầm, và ngày càng áp lực sợ sai hơn.
Học cách vực dậy sau thất bại
Với những bạn trẻ, cần hiểu rằng thất bại là một phần tự nhiên của sự trưởng thành và phát triển nghề nghiệp. Thậm chí, nếu không thất bại, có khả năng chúng ta đang không phát triển hoặc học hỏi một cách tối ưu.
Nên học cách tận dụng mỗi trải nghiệm thất bại để học hỏi, nâng cấp bản thân thay vì chìm trong đau khổ và chùn bước. Đó chính là thất bại một cách thành công.
Cần học cách chấp nhận những lời phê bình và đánh giá mang tính xây dựng của người quản lý và đồng nghiệp, cũng như các góp ý để cải tiến. Đây là những bước bình thường trong quá trình tiến bộ, đồng thời là cách các công ty hỗ trợ sự phát triển lâu dài của nhân viên.
Khi nói đến thất bại, kinh nghiệm cá nhân là điều quan trọng. Nhiều người rất sợ làm những điều mới, vì sợ bản thân mắc sai lầm. Tuy nhiên, bên cạnh việc học hỏi từ sai lầm của người khác, việc tự mình làm và thất bại sẽ giúp mỗi người buộc phải tìm cách xử lý, hiểu sâu hơn vấn đề và cuối cùng là tìm ra giải pháp tốt hơn.
Ngoài ra, hãy xây dựng tinh thần dẻo dai, phục hồi sau các sự kiện tiêu cực. Tính dẻo dai của thần kinh là khả năng học hỏi và thích ứng của não, vốn được kích hoạt để đáp lại những thách thức và căng thẳng như thất bại.
Trên thực tế, thất bại tạo ra trạng thái hóa học thần kinh cần thiết cho việc học tập. Bạn có thể chủ động điều chỉnh lại cách suy nghĩ của mình để tạo ra những thói quen tích cực khi thất bại.
Tuy nhiên, các chất hóa học thần kinh thúc đẩy tính dẻo dai của thần kinh cũng có thể gây ra cảm xúc đau khổ, thất vọng và mất động lực.
Bạn cần hiểu được những giới hạn của bản thân, đánh giá khả năng hiện tại và tìm cách quản lý những cảm xúc tiêu cực do thất bại gây ra. Bên cạnh kiên nhẫn, nên khoan dung và học cách tha thứ cho chính mình dù xung quanh không ai hiểu bạn.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()