Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:57 (GMT +7)
Hiệu quả bước đầu từ thực hiện Đề án 06
Thứ 3, 23/01/2024 | 10:52:18 [GMT +7] A A
Đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Ngay sau khi đề án được phê duyệt, Quảng Ninh đã nhanh chóng triển khai thực hiện với nhiều giải pháp, tạo hiệu quả cao.
Cụ thể, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh Quảng Ninh, thành lập Tổ giúp việc, ban hành Quy chế hoạt động, sớm tạo tiền đề và cơ sở pháp lý phục vụ triển khai thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 5/2/2022 về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; thành lập BCĐ thực hiện Đề án 06 và Nghị quyết số 09-NQ/TU. Nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến thực hiện Đề án 06, Nghị quyết 09 đã được các cấp, các ngành của tỉnh ban hành, triển khai thực hiện.
Với vai trò là Cơ quan thường trực Tổ công tác Đề án 06, công an các cấp trên địa bàn tỉnh luôn tiên phong, gương mẫu đi đầu trong triển khai thực hiện đề án. Tăng cường cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chip, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, đăng ký tài khoản dịch vụ công… Hết tháng 5/2023, lực lượng công an toàn tỉnh đã hoàn thành việc cấp thẻ CCCD gắn chíp cho 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn; hiện đang tiếp tục thu nhận hồ sơ để cấp thẻ CCCD gắn chip cho số công dân đủ độ tuổi và số trường hợp cấp đổi lại.
Công an các cấp trên địa bàn tỉnh cũng đã thu nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử cho 865.582/1.088.899 công dân đủ điều kiện, trong đó đã kích hoạt thành công 789.122 trường hợp, vượt 7,79% chỉ tiêu do Bộ Công an giao.
Xác định thực hiện dịch vụ công trực tuyến là nhiệm vụ quan trọng, mang lại lợi ích lớn cho người dân và doanh nghiệp, Công an tỉnh đã chỉ đạo công an địa phương tham mưu cấp ủy, chính quyền xây dựng thành công ít nhất 1 mô hình điểm dịch vụ công trực tuyến/địa phương; bố trí đầy đủ máy móc, trang thiết bị, phương tiện, cán bộ, đoàn viên thanh niên hỗ trợ người dân 24/24h thực hiện dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức cho người dân biết và tham gia thực hiện.
Đặc biệt, lực lượng công an các cấp đã phối hợp chặt chẽ với những đơn vị có liên quan để thực hiện các nhiệm vụ trong Đề án 06, như phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra, phát hiện các lỗ hổng bảo mật trên Hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh và liên hệ các cục nghiệp vụ của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông trực tiếp hỗ trợ, lên phương án khắc phục; tham gia xây dựng trên Hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh chức năng tra cứu thông tin công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết TTHC. Phối hợp cùng Sở Tư pháp làm sạch 1.917/1.917 trường hợp sai lệch dữ liệu tư pháp và dân cư; phối hợp Sở Y tế làm sạch 298.351/321.227 dữ liệu tiêm chủng Covid-19; phối hợp cùng BHXH làm sạch, đồng bộ số định danh cá nhân cho 1.226.042/1.275.743 người tham gia BHYT phục vụ khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD gắn chip…
Để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 06, bên cạnh các ứng dụng, sản phẩm do Cục C06 (Bộ Công an) phối hợp với các công ty, đơn vị sản xuất cung cấp, Quảng Ninh cũng chủ động liên hệ với một số công ty về công nghệ, phần mềm để xây dựng ứng dụng, sản phẩm công nghệ thông tin riêng để áp dụng phù hợp với tình hình thực tế tại tỉnh.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã chủ động rà soát, chuẩn hóa quy trình giải quyết TTHC hoàn toàn trên môi trường điện tử với quy trình 5 bước (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu - ký số, trả kết quả), trong đó trọng tâm là số hóa toàn bộ hồ sơ giải quyết TTHC gắn với thực hiện chữ ký số điện tử trong toàn bộ quy trình.
Từ năm 2022 đến hết năm 2023, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã thực hiện số hóa trên cả phần mềm chuyên ngành và một cửa điện tử được 96.161/131.936 hồ sơ; trả 38.285/130.856 kết quả bản điện tử cho tổ chức, công dân. Cấp huyện đã thực hiện tiếp nhận và số hóa 126.732/130.777 hồ sơ, trả 105.932/135.574 kết quả bản điện tử cho tổ chức, công dân. Cấp xã đã thực hiện tiếp nhận và số hóa 220.077/228.773 hồ sơ, trả 164.238/228.742 kết quả bản điện tử cho tổ chức, công dân.
Sở Thông tin và Truyền thông đã hoàn thiện, bổ sung các tính năng cùa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC phục vụ công tác số hóa, như: Thí điểm triển khai tính năng số hóa và bóc tách dữ liệu; tích hợp thành công chữ ký số, sim ký số của Viettel và dịch vụ ký số công cộng VNPT CA trên cổng dịch vụ công để cho phép người dân nộp hồ sơ trực tuyến có thể ký số điện tử…
Với nhóm tiện ích phục vụ phát triển KT-XH, tỉnh, các địa phương, các ngành đã đẩy mạnh ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử, như: Triển khai rút tiền ATM bằng thẻ CCCD gắn chíp; sử dụng thẻ CCCD gắn chíp thay thế các loại gấy tờ khi đi khám, chữa bệnh BHYT (từ năm 2022 đến nay, đã có 869.844 lượt người sử dụng CCCD gắn chip để thay thẻ BHYT); đồng bộ thông tin chủ sở hữu đăng ký phương tiện giao thông và giấy phép lái xe với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp xác định chính xác danh tính chủ thể phương tiện, người tham gia giao thông; đồng bộ thông tin người đăng ký thuế với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp phát hiện các trường hợp trùng lặp, giả mạo thông tin đăng ký thuế…
Hiệu quả bước đầu của Đề án 06 đã tác động đến đời sống của người dân trên địa bàn, góp phần giúp Quảng Ninh ổn định ANTT, thực hiện tốt hơn cho sự phát triển KT-XH, đảm bảo công tác an sinh.
Cầm Khuê
Liên kết website
Ý kiến ()