Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:58 (GMT +7)
Bình Liêu Trao truyền giá trị văn hoá dân gian cho lớp trẻ
Thứ 2, 13/06/2022 | 09:35:04 [GMT +7] A A
Nhằm gìn giữ và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, nuôi dưỡng tình yêu văn hóa truyền thống cho thanh thiếu nhi, nhiều mô hình CLB văn hóa dân gian được huyện Bình Liêu thành lập, từng bước phát huy hiệu quả.
Những ngày mùa hè, nếu đến các nhà văn hóa xã, không khó để bắt gặp hình ảnh trẻ em ở nhiều độ tuổi khác nhau đang say sưa học hát, học đàn. Không phải đàn organ hay piano, ở Bình Liêu với 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, có những nét văn hóa riêng, nên tùy theo từng xã, các em lại được học một loại hình văn hóa dân gian đặc trưng, như: Hát then - đàn tính của người Tày; hát soóng cọ của người Sán Chỉ; hát pả dung, thêu truyền thống của người Dao Thanh Phán…
Nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu này và cụ thể hóa Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 29/6/2016 của Huyện uỷ về việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc huyện Bình Liêu, giai đoạn 2016-2020, các địa phương, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện phong phú, phù hợp với tình hình thực tế.
Theo đó, các mô hình CLB văn hóa dân gian được triển khai rộng khắp trong các nhà trường và tới các thôn, bản. Từ đây góp phần đưa văn hóa truyền thống đến gần hơn, gắn kết hơn với thế hệ trẻ và để mỗi thiếu niên, nhi đồng nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc tiếp nối mạch nguồn văn hóa.
Nổi bật trong vài năm trở lại đây, số lượng các CLB văn hóa truyền thống dành cho thiếu nhi do các đơn vị đoàn xã, thị trấn thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả ngày càng tăng. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 6 CLB hát then - đàn tính, 2 CLB hát soóng cọ, 1 CLB thêu và 1 CLB hát pả dung dành riêng cho thiếu nhi. Mỗi CLB có từ 20-30 em. Tham gia hoạt động tại CLB, các em được các nghệ nhân dân gian, những người cao tuổi trong xã, huyện giàu kinh nghiệm tận tình chỉ dạy.
Nghệ nhân dân gian Trần Khánh Phượng, Chủ nhiệm CLB hát then - đàn tính xã Lục Hồn, cho biết: Ngoài việc dạy các cháu đánh đàn tính, hát các làn điệu then truyền thống thành thạo, mượt mà, tôi cũng thường xuyên chia sẻ, truyền dạy cho các cháu những nét đẹp văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Qua đó, giúp các cháu thêm hiểu, thêm yêu văn hóa quê hương, góp phần giới thiệu, quảng bá sâu rộng văn hóa dân tộc đến với bạn bè bốn phương.
Trong năm học, các CLB hoạt động 2 đến 3 buổi/tuần và được duy trì trở thành hoạt động ngoại khóa hấp dẫn, làm phong phú hoạt động tại trường của các em. Vào mùa hè khi trường học đóng cửa, các CLB vẫn tiếp tục hoạt động song mở rộng tuyển thêm thành viên mới, phổ cập kiến thức văn hóa dân gian cơ bản tới thiếu nhi, đồng thời tìm nguồn phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương.
Riêng với CLB thêu tại xã Đồng Văn, các em thiếu nhi không chỉ tham gia sinh hoạt theo khung giờ hay địa điểm cố định mà có thể đến trực tiếp nhà các cụ cao niên để học những lúc rảnh rỗi.
Em Trần Thu Hiền, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Húc Động (xã Húc Động), chia sẻ: Sau 3 năm sinh hoạt tại CLB soóng cọ của trường, giờ đây em đã có thể tự tin hát những làn điệu soóng cọ ngọt ngào của quê hương. Em cũng tiếp tục dạy hát cho các bạn trong lớp, trong trường để làn điệu dân ca của dân tộc Sán Chỉ sẽ mãi mãi được lưu truyền.
Đa dạng nội dung và linh hoạt hình thức sinh hoạt, mô hình CLB gìn giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống đang được phát huy hiệu quả tại Bình Liêu, góp phần tích cực trong trao truyền các giá trị văn hoá truyền thống cho thế hệ tương lai...
Đào Linh
Liên kết website
Ý kiến ()