Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 08:05 (GMT +7)
Hiệu quả các mô hình bình đẳng giới
Thứ 4, 13/01/2021 | 07:26:24 [GMT +7] A A
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường hỗ trợ nạn nhân ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng nhiều mô hình bình đẳng giới, qua đó góp phần đảm bảo xây dựng xã hội bình yên, bảo vệ phụ nữ và trẻ em khỏi những nguy cơ bạo lực.
Thời gian qua, thực hiện dự án hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới thuộc Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020, các địa phương trong tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai 25 mô hình bình đẳng giới tại 13 địa phương.
Các mô hình hoạt động duy trì từ năm 2016 đến nay đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về giới, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; nâng cao kiến thức về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, tạo môi trường thân thiện, đoàn kết tại cộng đồng.
Cán bộ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP Uông Bí, y tế phường tư vấn cho nạn nhân bị bạo lực. |
Hiện nay, nhiều mô hình được triển khai như: Mô hình trợ giúp nạn nhân bị bạo lực giới; Mô hình ngăn ngừa giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới; Mô hình Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh; Mô hình tăng cường sự tham gia của nam giới trong phòng, chống bạo lực giới; Mô hình người cha trách nhiệm... Thông qua các mô hình việc phát hiện, tư vấn, hỗ trợ người bị bạo lực kịp thời hơn, các thành viên có nhiều cơ hội trong tiếp cận với các dịch vụ xã hội.
Với mục tiêu giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới ngay từ cộng đồng, đã có nhiều dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực, con của nạn nhân, như: Tạm lánh, chăm sóc y tế, tư vấn, tham vấn tâm lý, tư vấn pháp luật cơ bản, hỗ trợ chuyển tuyến (khi cần thiết), Mô hình Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo hành, đã và đang được hình thành tại một số địa phương trong tỉnh.
Tại TP Uông Bí, Nhà tạm lánh được đặt tại Trạm Y tế phường Quang Trung. Đây cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh thực hiện thí điểm mô hình này. Tại đây, cơ sở vật chất và không gian an toàn có thể hỗ trợ cùng lúc cho 2 nạn nhân. Từ năm 2018 đến nay, Mô hình đã hỗ trợ cho 16 nạn nhân bị bạo lực gia đình; tư vấn cho 545 lượt người kiến thức về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Chị V.T. T chia sẻ: Chồng tôi nhiều lúc say rượu, đánh đập vợ con, mẹ con tôi phải bỏ nhà đi. Được các chị em trong Hội Phụ nữ phường tư vấn, tôi đã tìm tới Nhà tạm lánh để ở tạm. Đến đây, tôi được trấn an về tâm lý và cung cấp một số nhu yếu phẩm cần thiết, phòng ở gọn gàng, sạch sẽ. Trong lúc chưa thuê được nhà trọ thì đây là điều kiện sống mà tôi cảm thấy rất yên tâm.
Các thí sinh đến từ CLB "Làm cha là thế" Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh thực hiện thao tác tắm cho bé. Ảnh: Hải Yến (Phòng Bình đẳng giới - Sở LĐ-TB&XH) |
Mô hình "Làm cha trách nhiệm" tại Bệnh viện sản nhi Quảng Ninh và Trường mầm non Cao Thắng (TP Hạ Long) là mô hình khá hiệu quả nhằm nâng cao vai trò người chồng, người cha trong gia đình. Mô hình do Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên triển khai từ năm 2018 đến nay đã tạo cơ hội cho 60 nam giới có con trong độ tuổi từ 0 - 5 tuổi tham gia sinh hoạt 10 chuyên đề làm cha tích cực, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy và chăm sóc con cái trong bối cảnh xã hội hiện đại; cung cấp những kiến thức, kỹ năng nhằm giúp các thành viên tham gia tiếp cận phương pháp mới trong cải thiện mối quan hệ gia đình, nuôi dạy con cái.
Có thể thấy, việc triển khai các mô hình bình đẳng giới thời gian qua đã mang lại những hiệu quả thiết thực, giúp cho người dân nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, vị trí của gia đình, nhận thức về pháp luật. Đặc biệt, thông qua các mô hình, người dân cũng nắm rõ được các hành vi vi phạm về bạo lực trên cơ sở giới, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; từng bước giảm thiểu các vụ bạo lực nói chung và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em nói riêng.
Thu Trang
Liên kết website
Ý kiến ()