Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 12:34 (GMT +7)
Hiệu quả của phương pháp giáo dục STEM
Thứ 5, 12/11/2020 | 10:03:14 [GMT +7] A A
Ứng dụng KHCN trong dạy học đang là một trong những mục tiêu hàng đầu của ngành Giáo dục Hạ Long để nâng cao chất lượng học tập cho học sinh. Đặc biệt, với việc đưa phương pháp giáo dục STEM vào các trường học trên địa bàn, học sinh có cơ hội thực hành và tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo, từ đó có tư duy phản biện, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng quản lý thời gian.
Học sinh Trường THCS Cao Thắng tham gia Ngày hội STEM. |
Từ năm học 2016-2017, phương pháp giáo dục STEM được nhiều trường học hưởng ứng và áp dụng hiệu quả. Như ở Trường THCS Cao Thắng, học sinh được trải nghiệm nhiều chương trình như: Sáng tạo sản phẩm robot vận dụng từ kiến thức toán học, vật lý, công nghệ; sản phẩm pháo giấy vận dụng từ các kiến thức vật lý, hóa học, toán học; hay vườn STEM ứng dụng các kiến thức sinh học, địa lý...
Theo cô Phạm Thị Bích Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Cao Thắng, phương pháp giáo dục STEM đã được triển khai tại nhiều nước châu Âu, châu Mỹ từ nhiều năm nay nhưng tại Việt Nam thì vẫn còn khá mới mẻ. Vì vậy, với mong muốn tìm ra phương pháp giảng dạy mới, rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành, nhà trường đã đưa giáo dục STEM đến với học sinh. Hiện, trường đang tích cực tổ chức các CLB STEM và kết hợp giảng dạy STEM trong các tiết học, khuyến khích giáo viên tham gia để nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo hứng thú và cảm hứng cho học sinh sáng tạo”. Theo đó, nhà trường đã xây dựng các phòng thực hành, phòng học bộ môn, khu vườn để thuận lợi cho việc học tập ứng dụng STEM nông nghiệp. Bên cạnh đó, với các môn như Toán, Lý, Hóa học, thầy cô chủ động hướng dẫn và khuyến khích học sinh nghiên cứu, làm ra các sản phẩm với kiến thức đã học.
STEM là từ viết tắt các chữ cái đầu bằng tiếng Anh các môn học: Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học). STEM là phương pháp giáo dục tích hợp theo cách tiếp cận liên môn và thông qua thực hành, ứng dụng thực tiễn. Với phương pháp này, học sinh phải tìm hiểu nhiều lĩnh vực, nhiều môn học khác nhau, vận dụng trong thực tiễn để giải quyết một vấn đề đặt ra, liên quan đến những kiến thức khoa học đó. |
Được biết, ngay từ khi mới triển khai phương pháp giáo dục STEM, cùng với sự tích cực của các trường học, Phòng GD&ĐT TP Hạ Long đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục Kids Code Hạ Long tổ chức nhiều chương trình bổ ích cho học sinh. Có thể kể đến mô hình “Trải nghiệm khoa học cuối tuần” tại Vườn ươm tài năng Talinpa (phường Tuần Châu, TP Hạ Long), với các bài học khoa học vật lý, hóa học, robot, các trò chơi khoa học giúp học sinh thêm yêu khoa học, khơi gợi khả năng sáng tạo, cảm hứng học tập, nghiên cứu khoa học. Hay thí điểm đưa robot trí tuệ nhân tạo NAO trợ giảng cho giáo viên dạy ngoại ngữ tại Trường Đoàn Thị Điểm Hạ Long nhằm giúp học sinh bước đầu tiếp cận với robot và trí tuệ nhân tạo.
Cùng với đó, thời gian qua, Phòng GD&ĐT thành phố triển khai 10 chủ đề nghiên cứu khoa học đến các CLB STEM với sự hỗ trợ của các nhà khoa học trong Liên minh STEM Việt Nam, giảng viên của một số trường đại học uy tín trong nước. Trong đó có một số chủ đề liên quan đến: Khoa học vật liệu, thành phố thông minh, du lịch, nông nghiệp thông minh, robot và điều khiển…
Học sinh Trường TH-THCS-THPT Văn Lang, TP Hạ Long, tham gia CLB STEM. Ảnh: Lan Anh |
Để giáo dục STEM thực sự hiệu quả, theo bà Vi Bích Hạnh, Trưởng Phòng GD&ĐT TP Hạ Long, thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục hỗ trợ các trường đào tạo giáo viên về xây dựng nội dung giáo dục STEM, cách khai thác các chủ đề STEM trong chương trình hiện hành, phương pháp tiếp cận giáo dục STEM. Bên cạnh đó, tập huấn các phương pháp khơi gợi lòng đam mê khoa học, tìm tòi sáng tạo cho học sinh; hỗ trợ các trường hợp tác, kết nối với các trường đại học, Viện nghiên cứu, trung tâm giáo dục STEM.... và các đơn vị bạn. Phòng cũng đề nghị Sở GD&ĐT đề xuất Bộ GD&ĐT hỗ trợ nguồn sách khoa học về STEM cho cả giáo viên và học sinh; tăng cường đào tạo với chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm về STEM cho giáo viên. Đồng thời, có cơ chế ghi nhận cho giáo viên và học sinh có kĩ năng, kiến thức, đóng góp trong lĩnh vực…
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()