Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 15:58 (GMT +7)
Hiệu quả khám, chữa bệnh từ xa
Thứ 2, 21/11/2022 | 14:38:31 [GMT +7] A A
Khám, chữa bệnh (KCB) từ xa đang dần trở thành xu hướng, giúp giảm quá tải bệnh viện; người bệnh được KCB với các bác sĩ giỏi, đỡ tốn kém, mất thời gian đi lại. Đặc biệt đối với nhiều bệnh nhân nặng, cấp cứu không kịp chuyển tuyến, các bác sĩ sẽ hội chẩn, tư vấn trực tuyến, giúp cứu chữa người bệnh.
Từ năm 2012, Quảng Ninh tiên phong trong nước triển khai Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác hội chẩn, tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh”, tạo ra bước đột phá trong công tác KCB. Từ nền tảng sẵn có được đầu tư về hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, ngành Y tế tỉnh đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025 của Bộ Y tế, tiếp tục mở rộng kết nối với trung tâm tư vấn, KCB từ xa (Telehealth) của các bệnh viện tuyến trung ương.
Tham gia mô hình KCB từ xa với các bệnh viện tuyến trên, hàng trăm bệnh nhân của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được chẩn đoán, điều trị hiệu quả qua hội chẩn trực tuyến với các giáo sư, chuyên gia đầu ngành, trong đó có rất nhiều ca bệnh khó, phức tạp tận dụng được “giờ vàng” để cứu chữa kịp thời, không phải chuyển tuyến trên. Trường hợp của bệnh nhân T.N.C (32 tuổi, huyện Bình Liêu) bị đau tức ngực, khó thở do tràn khí màng phổi phải, đã được phẫu thuật cấp cứu, tuy nhiên tái phát bệnh với diễn biến phức tạp, khó khăn cho việc điều trị triệt để. Nhận định đây là ca bệnh khó, kíp phẫu thuật của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã hội chẩn trực tuyến ngay trong phòng mổ với các chuyên gia, giáo sư đầu ngành lĩnh vực ngoại lồng ngực của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Với sự hỗ trợ, tư vấn chuyên môn của các chuyên gia đầu ngành, ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi sau 1 giờ phẫu thuật. Bệnh nhân sau mổ tỉnh táo, rút ống tự thở ngay, không còn đau ngực, hai phổi nở tốt.
Ở tuyến tỉnh, hệ thống KCB từ xa đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho tuyến y tế cơ sở. Mới đây, Trung tâm Y tế TP Móng Cái tiếp nhận bệnh nhân N.T.T (44 tuổi, TP Móng Cái) vào viện với tình trạng mệt mỏi, đau bụng vùng chậu và chảy máu âm đạo kéo dài trên 1 tháng. Qua thăm khám, các bác sĩ của Trung tâm đã hội chẩn từ xa với bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, nhận định đây là trường hợp đã lớn tuổi, không còn nguyện vọng sinh con, u xơ tử cung đã gây biến chứng rong huyết âm đạo kéo dài, đau vùng chậu thường xuyên, nên chỉ định phẫu thuật nội soi cắt tử cung bán phần. Sau phẫu thuật 1 ngày, sức khỏe bệnh nhân ổn định, có thể tự ngồi dậy, đi lại, vết mổ khô, ăn uống tốt.
Không chỉ mang lại lợi ích cho người bệnh, Telehealth còn là phương thức chuyển giao chuyên môn kỹ thuật từ xa hữu hiệu. Thông qua các buổi đào tạo, hội chẩn, sinh hoạt chuyên môn từ xa đã giúp các bác sĩ học hỏi, trau dồi thêm kiến thức chuyên môn, mà không mất chi phí đào tạo, giảm thời gian di chuyển. Đồng thời tận dụng được tối đa hệ thống trang thiết bị hiện đại và nguồn nhân lực tại chỗ, góp phần giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.
Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” của Bộ Y tế là một giải pháp quan trọng, mang đến lợi ích cho cả người bệnh và cơ sở y tế, đóng góp vào tiến trình chuyển đổi số của ngành Y tế. Đây được coi là "cánh tay nối dài" của hệ thống y tế, xoá nhòa ranh giới giữa các tuyến, phát huy hiệu quả cao nhất công tác chăm lo sức khỏe cho nhân dân.
Nguyễn Hoa
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh nhận Giải thưởng Vàng của Hội Đột quỵ thế giới
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh: Ứng dụng công nghệ cao 4.0 trong phẫu thuật
- Đầu tư thỏa đáng cho y tế
- Phụ cấp chống dịch và chế độ thường trực đối với nhân viên y tế
- Sửa đổi, bổ sung hàng loạt quy định gỡ ‘khó’ thiếu thuốc, trang thiết bị y tế
Liên kết website
Ý kiến ()