Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 08/01/2025 16:44 (GMT +7)
Hiệu quả từ các mô hình khuyến nông
Thứ 6, 19/11/2021 | 14:09:49 [GMT +7] A A
Nhằm đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai nhiều mô hình mới, đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi. Qua đó, giúp tăng năng suất, giá trị sản xuất, hiệu quả canh tác, đem lại thu nhập cao cho nông dân.
Con rươi từ lâu đã là một mặt hàng nông sản có giá trị kinh tế cao được người dân tại các địa phương Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên khai thác. Vùng rươi phân bố tự nhiên ven các sông trên địa bàn toàn tỉnh với khoảng 460 ha, trong đó TX Đông Triều 108 ha, TP Uông Bí trên 281 ha và TX Quảng Yên trên 70 ha. Mùa sinh sản của rươi tập trung nhiều nhất vào hai vụ, vụ 1 vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 và vụ 2 vào cuối tháng 10 đầu tháng 11 dương lịch. Nhằm phát huy giá trị kinh tế từ sản phẩm này, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) đã triển khai mô hình nuôi rươi thương phẩm tại các ruộng lúa với quy mô trên 8ha. Với mô hình này, con giống được nhập về từ các cơ sở sản xuất giống nhân tạo uy tín trong nước và nuôi trên diện tích sản xuất lúa của bà con.
Việc nuôi rươi trên diện tích trồng lúa giúp xử lý được các chất thải hữu cơ trong đất, nước, tạo ra phân bón giúp cây lúa khỏe mạnh chống chọi lại với sâu bệnh, từ đó, quá trình trồng lúa không cần tác động đến thuốc trừ sâu, tạo ra sản phẩm lúa, gạo có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, giảm thiểu hàm lượng các chất gây hại. Mặt khác, việc cải tạo đất, chăm sóc và quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa đã tạo ra nơi trú ẩn lý tưởng, cùng nguồn thức ăn dồi dào cho rươi phát triển tốt và cho hiệu quả cao.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, kết quả nuôi thời gian qua cho thấy rươi phát triển tốt, đồng đều về mật độ phân bố và kích thước đạt 6-8cm/con, mật độ rươi đạt 80-100 con/m2, cao gấp 3-4 lần phương pháp tự nhiên; năng suất rươi đạt 300-350kg/ha với kích cỡ thu hoạch khoảng 1.000-1.200 con/kg.
Ông Dương Văn Báu, khu Cẩm Hồng, phường Phương Nam, TP Uông Bí cho biết: Việc nuôi rươi theo phương pháp này giúp hộ nuôi chủ động được con giống, kỹ thuật, môi trường. Đồng thời, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu, cả rươi và lúa đều phát triển tốt, giá bán cao hơn. Ước tính, gia đình thu hoạch rươi từ 350-370kg/ha, năng suất lúa đạt 2,5 tấn/ha, thu được từ 300-400 triệu đồng/năm.
Trong tháng 8/2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Công ty TNHH Điện lực AES Mông Dương thực hiện Dự án Hỗ trợ Phát triển chăn nuôi lợn sinh sản an toàn sinh học tại thôn Hà Tranh, xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả. Theo đó, 16 hộ dân tham gia dự án đã được cấp phát 32 con giống; thức ăn hỗn hợp cho lợn và các loại vắc-xin, hóa chất sát trùng chuồng trại; hỗ trợ tư vấn, lắp đặt, vận hành hệ thống xử lý chất thải trong chăn nuôi (bể biogas composite). Dự án là một giải pháp mới để thúc đẩy chăn nuôi theo hướng bền vững, với mục tiêu tạo sinh kế, giúp hộ dân nắm được những kiến thức, kỹ năng và tư duy tổ chức sản xuất trong chăn nuôi lợn sinh sản an toàn sinh học; cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân qua khai thác các lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường từ công trình khí sinh học quy mô hộ gia đình.
Mô hình ghép giống na Đài Loan trên gốc cây na địa phương cũng là một trong những mô hình mang lại hiệu quả cao được Trung tâm Khuyến nông tỉnh áp dụng. Giống Na Đài Loan được Trung tâm ghép cành trên gốc na địa phương ở xã Tiền An, TX Quảng Yên. Đến nay, qua 5 năm phân tích, theo dõi giống Na Đài Loan có khả năng sinh trưởng vượt trội, kể cả thời gian mùa đông. Các chỉ số về độ ngọt của giống na này đều cao hơn so với các giống na của tỉnh; trọng lượng trung bình đạt 500gr/quả, gấp đôi trọng lượng giống na dai ở địa phương; năng suất đạt từ 12-15 tấn quả/ha (giống na của Quảng Ninh chỉ đạt từ 10-11 tấn quả/ha). Từ kết quả ghép giống na Đài Loan, Trung tâm Khuyến nông sẽ triển khai nhân rộng và cải tạo trên giống na địa phương tại TX Đông Triều, sau đó mở rộng vùng na ra huyện Đầm Hà theo chỉ đạo UBND tỉnh.
Cùng với các mô hình nói trên, thời gian qua nhiều mô hình khuyến nông khác đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai hiệu quả tại các địa phương trong tỉnh, như: Thiết bị ương di động trong nuôi tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn; ứng dụng công nghệ đèn led trong khai thác hải sản, sinh sản ốc nhảy nhân tạo; ứng dụng chế phẩm AT-YTB xử lý rơm rạ sau thu hoạch với quy mô 70ha cho trên 800 hộ dân TX Đông Triều và TX Quảng Yên... Các mô hình này đã và đang nâng cao giá trị sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm, góp phần cải thiện thu nhập, từng bước phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Việc triển khai các mô hình khuyến nông gắn với nhu cầu sản xuất thực tế của nông dân, phù hợp với định hướng phát triển, cơ cấu chuyển đổi của ngành nông nghiệp. Qua đó, góp phần giúp nông dân nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng và mối quan hệ trong sản xuất; hướng dẫn nông dân về vai trò thực hành sản xuất theo tổ hợp tác, ý thức bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Theo ông Nguyễn Khắc Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh: Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, tìm hiểu, nghiên cứu, lựa chọn những mô hình mới, tiến bộ kỹ thuật mới để trình diễn, thử nghiệm và phổ biến, nhằm giúp nông dân nâng cao giá trị canh tác, nuôi trồng trên một đơn vị diện tích; cải thiện thu nhập, hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()