Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 05:12 (GMT +7)
Tập trung phục hồi sản xuất nông nghiệp
Thứ 4, 17/11/2021 | 08:55:50 [GMT +7] A A
Sau thời gian dài trầm lắng do ảnh hưởng dịch Covid-19, hoạt động sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên đang hồi phục khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, đã tháo gỡ những rào cản trong giai đoạn khôi phục sản xuất, kinh doanh. Các chuỗi liên kết sản xuất và cung ứng nông sản tiếp tục được kết nối. Thị trường truyền thống, giá cả nông sản đã dần phục hồi… và những cánh đồng, mảnh vườn trên miền đất bazan đã “xanh” trở lại.
Bước vào giai đoạn bình thường mới, các tỉnh tại Tây Nguyên thực hiện nhiều giải pháp để khôi phục nông nghiệp, như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ; tăng cường năng lực chế biến, liên kết tiêu thụ, ứng dụng khoa học-công nghệ... từng bước đưa hoạt động sản xuất nông nghiệp vào “quỹ đạo” phát triển phù hợp tình hình thực tế.
Tín hiệu “xanh”
Không khí sản xuất rộn ràng trở lại trên những cánh đồng rau, nhà vườn trồng hoa, cây dài ngày trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Ông Mai Văn Khẩn, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) đánh giá, điểm tháo gỡ lớn nhất của Nghị quyết 128 với nhà nông, doanh nghiệp và HTX nông nghiệp là giúp xác định trạng thái hoạt động rõ ràng hơn trong giai đoạn bình thường mới.
HTX Tân Tiến có 20 thành viên, với tổng diện tích 40 ha và 60 hộ liên kết theo mùa vụ. Tất cả các loại rau của HTX đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết theo chuỗi khép kín. “Bình thường, mỗi ngày HTX cung ứng từ bốn đến sáu tấn rau cho các hệ thống siêu thị, cửa hàng và chợ đầu mối. Cao điểm dịch bệnh sản lượng có giảm, nhưng vẫn bảo đảm, nhờ liên kết chuỗi giá trị. Giờ thì thị trường đang hối thúc, giá tăng, nên chúng tôi duy trì các loại rau, củ dài ngày và tăng diện tích rau ngắn ngày”, ông Khẩn cho biết.
Với những vùng chuyên canh hoa tại Đà Lạt, sau thời gian thị trường đóng băng, loại hàng hóa không thiết yếu này rơi cảnh lao đao, nhiều nông hộ đành nhổ bỏ, để đất trống, hoặc chuyển sang trồng rau ngắn ngày. “Giờ giá hoa tương đối tốt, chuỗi cung ứng và thị trường đã phục hồi, nông dân và doanh nghiệp phấn khởi sản xuất hoa phục vụ Tết”, ông Đặng Bảo Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân phường 12, TP Đà Lạt; nơi có làng hoa truyền thống nổi tiếng Thái Phiên, chia sẻ.
Về các vùng trọng điểm sản xuất cà-phê của tỉnh Đắk Lắk mùa này, trên những tuyến đường, xe cơ giới nối đuôi chở lao động ra rẫy thu hoạch cà-phê đã nhộn nhịp như mọi năm. Ông Triệu Văn Tuấn (xã Tam Giang, huyện Krông Năng) cho biết: “Gia đình tôi có 3 ha cà-phê đến thời kỳ thu hoạch nên lo lắm. Cũng may, Nghị quyết 128 của Chính phủ ra đời đã gỡ nút thắt về nhân lực thu hái cà-phê, khâu cung ứng thị trường, nhất là giá cả nông sản tăng cao, nên nông dân rất phấn khởi”.
Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ Quyết Tiến (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk), ông Phạm Công Phi cho biết, HTX hiện có 155 thành viên, với hơn 230 ha cà-phê xen hồ tiêu. Sau một thời gian dài hoạt động cầm chừng do ảnh hưởng dịch, hiện nay HTX đã khôi phục sản xuất. “Chúng tôi đã liên hệ với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lớn để liên kết đầu tư, sản xuất. Khi thị trường mở rộng và ổn định, HTX sẽ thu mua, tăng sản lượng cà-phê để chế biến, xuất khẩu, bảo đảm giá cao hơn bình quân thị trường”, ông Phi cho biết.
Tại Gia Lai, hiện các loại nông sản chủ lực, như hồ tiêu, cà-phê, mía, mì, điều... đã và đang bước vào vụ thu hoạch. Phần lớn nông sản được tiêu thụ hoặc chế biến, lưu kho chờ xuất ra thị trường. Theo Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai Đỗ Thị Mỹ Thơm, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, HTX chuyển sang nhiều hình thức thu mua linh hoạt, giá cả cao hơn thị trường để bảo đảm hoạt động sản xuất cho các thành viên, hộ liên kết. Hiện mỗi ngày, HTX cung cấp khoảng hai tấn quả chanh dây cho đối tác để xuất sang châu Âu.
Trong giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch bệnh, các sản phẩm trà của Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên (huyện Đăk Tô, Kon Tum) bị tắc nghẽn đầu ra. Công ty đã chủ động điều chỉnh kế hoạch để duy trì sản xuất, giữ các đầu mối tiêu thụ. Giám đốc công ty Lương Thị Mỹ Huệ cho biết: “Bước vào giai đoạn bình thường mới, chúng tôi đã chuyển hướng sản phẩm phù hợp, tập trung sản xuất và cung cấp sản phẩm Lá xông thảo dược. Bước đầu, mang lại doanh thu bình quân khoảng 400 triệu đồng/tháng, cao điểm đạt hơn một tỷ đồng”.
Chủ động thích ứng trong tình hình mới
Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, ngành nông nghiệp Đắk Lắk đã hướng dẫn triển khai kế hoạch sản xuất, xây dựng khung lịch thời vụ để chủ động sản xuất, bảo đảm nguồn cung lương thực và thích ứng với tình hình thực tế. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đỗ Xuân Dũng cho biết: “Ngành tăng cường xây dựng và tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, củng cố các HTX nông nghiệp để sản xuất có hiệu quả; chủ động kết nối các doanh nghiệp uy tín để hỗ trợ khâu tiêu thụ nông sản cho nhà nông...”.
Năm 2021, Gia Lai đặt mục tiêu tổng giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp đạt khoảng 32 nghìn tỷ đồng. Để duy trì tốt hoạt động sản xuất trong điều kiện mới, ngành nông nghiệp tỉnh đã thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối tiêu thụ hàng hóa, nông sản. “Chúng tôi tổ chức đánh giá lại tình hình sản xuất, nhất là nông sản chủ lực của tỉnh để điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp; lĩnh vực chăn nuôi chuyển mạnh sang hình thức trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp; phối hợp các địa phương đánh giá từng loại nông sản để có phương án hỗ trợ đầu ra”, ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.
Tỉnh Kon Tum đã ban hành Đề án chính sách tổng thể nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp tiềm lực vào đầu tư; xây dựng đa dạng các kênh tiêu thụ sản phẩm, đưa nông sản của tỉnh vào chuỗi siêu thị, cửa hàng lớn trong nước. Tại Lâm Đồng, ngành nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất theo hướng vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa bảo đảm kế hoạch sản xuất, thu nhập cho người dân và bước đầu đã mang lại hiệu quả. Tổng diện tích gieo trồng 10 tháng đầu năm 2021 hơn 384,5 nghìn ha, đạt 98,8% kế hoạch. Trong đó, ngành hàng rau sản lượng khoảng 905 nghìn tấn, tăng 16,8% so với cùng kỳ; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hơn 62 nghìn ha. Lâm Đồng kỳ vọng đạt mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp năm nay là 4,24%.
Bước vào giai đoạn bình thường mới, cùng với sự ra đời kịp thời Nghị quyết 128, tạo cơ chế chung cho các địa phương, các tỉnh tại Tây Nguyên đã chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản và đưa ra các giải pháp tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp tình hình thực tế, như xác định sản phẩm chủ lực để chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, thành lập Tổ công tác hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản; xây dựng khung lịch thời vụ để triển khai đồng bộ kế hoạch sản xuất; hỗ trợ thông tin thị trường, dự báo diễn biến dịch bệnh, quảng bá và kết nối tiêu thụ nông sản qua nhiều kênh, nhất là các sàn thương mại điện tử uy tín; tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông hàng hóa, đẩy mạnh hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Đồng thời, tập trung thu hút đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến sâu nông sản để chủ động cung ứng thị trường; chủ động đề xuất Trung ương triển khai các giải pháp phục hồi sản xuất, hỗ trợ tín dụng cho nông dân.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()