Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:08 (GMT +7)
Hiệu quả từ các mô hình về dân số
Thứ 6, 13/01/2023 | 08:30:16 [GMT +7] A A
Thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ các mô hình nâng cao chất lượng dân số. Từ đó, chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS đang ngày càng được cải thiện, góp phần chuyển trọng tâm từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển.
Một trong những chương trình quan trọng trong mục tiêu nâng cao chất lượng dân số đó là việc tầm soát sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Theo đó, mô hình về sàng lọc trước sinh và sơ sinh được triển khai ở 177/177 xã, phường, thị trấn của Quảng Ninh. Ngành Dân số tỉnh cũng xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động lồng ghép sàng lọc trước sinh và sơ sinh trong kế hoạch chung của ngành; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030.
Năm 2022, các địa phương đã tổ chức 2.124 buổi tư vấn lồng ghép tại các trạm y tế nhân ngày tiêm chủng mở rộng cho phụ nữ mang thai về nội dung sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến đạt 49,6% đã vượt kế hoạch đề ra; tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 loại bệnh tật bẩm sinh đạt 53,1% cũng vượt kế hoạch được giao.
Năm 2022 cũng là năm đạt được nhiều kết quả khả quan đối với mô hình khám sức khỏe tiền hôn nhân. Các CLB về sức khỏe tiền hôn nhân được tổ chức sinh hoạt hằng quý với mục tiêu nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hành chăm sóc SKSS vị thành niên - thanh niên. Hiện tại nhiều địa bàn dân cư, mô hình đã trở thành kênh thông tin hữu ích của các bạn trẻ về những kiến thức chăm sóc SKSS, tâm sinh lý lứa tuổi...
Định kỳ 3 tháng 1 lần, CLB Chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn) tổ chức sinh hoạt cho các thành viên. Đây là nơi để các bạn trẻ trên địa bàn gặp gỡ, trao đổi những thắc mắc về kiến thức chăm sóc SKSS, tư vấn những điều cần thiết trước khi kết hôn.
CLB được thành lập năm 2018, hiện có hơn 30 thành viên đều là các cán bộ, ĐVTN của thị trấn. Với cách thức hoạt động sáng tạo bằng hình thức chia sẻ những câu chuyện về chăm sóc sức khỏe đã khiến các ĐVTN cảm thấy hào hứng, vui vẻ, không còn ngần ngại khi chia sẻ những kiến thức về SKSS, sức khỏe tình dục an toàn và các kiến thức hữu ích trước khi kết hôn.
Đến nay huyện Vân Đồn đã hình thành, duy trì hoạt động của CLB Chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân ở 12/12 xã, thị trấn. CLB đã giúp nâng cao nhận thức, kỹ năng thực hiện chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên. Qua đó giúp các bạn trẻ thay đổi nhận thức, chủ động tham gia khám sức khỏe trước khi kết hôn, biết sử dụng các biện pháp tránh mang thai ngoài ý muốn...
Ở nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, nhận thức về chính sách DS-KHHGĐ còn hạn chế, nên nhiều gia đình vẫn có tư tưởng trọng nam, khinh nữ, dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; còn nhiều hủ tục, hôn nhân cận huyết thống. Do đó, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã mở rộng tuyên truyền về các chính sách dân số ở 11/13 địa phương, triển khai Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 79 xã DTTS, miền núi.
Nội dung tuyên truyền tập trung chủ yếu vào Luật Hôn nhân và gia đình; nguyên nhân, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; chăm sóc SKSS, làm mẹ an toàn, các biện pháp tránh thai an toàn, hiện đại... Cùng với đó, các CLB về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống duy trì sinh hoạt đều đặn, tổ chức tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề tại cộng đồng với các nhóm đối tượng là thanh niên, vị thành niên, phụ huynh học sinh...
Thông qua thực hiện các mô hình dân số, đã góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân trên địa bàn, từ đó chuyển đổi hành vi dân số; góp phần ổn định và nâng cao chất lượng dân số trong tỉnh.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()