Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 10:22 (GMT +7)
Hiệu quả từ công tác cải cách tư pháp
Thứ 3, 04/04/2023 | 07:20:41 [GMT +7] A A
Thời gian qua, công tác tư pháp, cải cách tư pháp được cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, toàn diện đã đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó, nâng cao chất lượng điều tra, kiểm sát hoạt động tư pháp, xét xử, thi hành án, bảo vệ pháp chế, góp phần ổn định an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn.
Tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp (CCTP); kịp thời quán triệt và chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về CCTP; các chương trình trọng tâm từng giai đoạn, hàng năm, trong đó nhấn mạnh nội dung xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến CCTP; chỉ đạo việc tinh giản biên chế, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp; chỉ đạo các cơ quan tư pháp, các địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn...
Theo đó, ngành Kiểm sát tỉnh tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hành quyền công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra, không để xảy ra oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại các phiên tòa, chất lượng kiểm sát hoạt động tư pháp. Kịp thời phát hiện vi phạm để kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục. Tăng cường cán bộ có năng lực cho các khâu công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết án dân sự, hành chính, đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo tại chỗ thông qua việc tổ chức học tập, nghiên cứu pháp luật; cử kiểm sát viên kèm cặp, hướng dẫn các cán bộ, công chức mới tuyển dụng; phân công cán bộ giúp việc cho kiểm sát viên tại phiên tòa; tích cực tổ chức tham dự rút kinh nghiệm phiên tòa cho kiểm sát viên, ban hành các thông báo rút kinh nghiệm...
Các đơn vị cũng chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp tháo gỡ vướng mắc trong áp dụng các quy định của pháp luật và trong giải quyết các vụ việc phức tạp, có khó khăn, vướng mắc; phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương và Ủy ban MTTQ, Ban Pháp chế HĐND nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống vi phạm và tội phạm, giải quyết các vụ việc phức tạp liên quan đến việc cưỡng chế thu hồi đất, giải phóng mặt bằng...Năm qua, toàn ngành đã thực hiện số hóa hồ sơ 1.489 vụ án hình sự; báo cáo án bằng phương thức trình chiếu, sơ đồ hóa 1.355 vụ; xây dựng 1.497 hồ sơ điện tử.
Tòa án nhân dân hai cấp của tỉnh đã tập trung vào việc nâng cao tiến độ, chất lượng giải quyết, xét xử các loại án; nâng cao hiệu quả hoạt động tranh tụng tại phiên tòa; chú trọng công tác hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ, việc dân sự, hành chính. Năm 2022, Tòa án nhân dân hai cấp đã tổ chức 5 phiên tòa lưu động, 180 phiên tòa rút kinh nghiệm; đăng tải 3.576 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trên cổng thông tin điện tử Tòa án.
Ngoài ra, ngành Tòa án tỉnh luôn bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao để triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án một cách có hiệu quả. Xác định hòa giải, đối thoại là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để tăng cường công tác hòa giải, đối thoại các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính, từ đó góp phần làm giảm áp lực về số vụ việc phải thụ lý giải quyết. Điều này được minh chứng ở việc số lượng đương sự khi nộp đơn tại Tòa án đã đồng ý chuyển đơn sang Trung tâm hòa giải, đối thoại trong năm 2022 tăng 10% so với năm 2021 (3.308/6.104 đơn chuyển hòa giải, đối thoại); số vụ, việc hòa giải thành, đối thoại thành chiếm tỷ lệ 59% tổng số đơn chuyển hòa giải, đối thoại (1.955/3.308 vụ, việc).
Đặc biệt, năm 2022, Tòa án nhân dân hai cấp đã triển khai thực hiện tổ chức phiên tòa trực tuyến, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án, phù hợp xu hướng quốc tế, tiến tới từng bước xây dựng Tòa án điện tử.
Các cơ quan thi hành án dân sự đã tích cực chỉ đạo giải quyết các vụ án lớn phức tạp, nhất là các vụ việc liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng, doanh nghiệp; củng cố kiện toàn về công tác cán bộ, tăng cường điều động, biệt phái các chấp hành viên; chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật công vụ, tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin... Theo thống kê, từ tháng 10/2021 đến 12/2022, toàn ngành đã tổ chức thi hành xong 7.706 việc/10.532 việc có điều kiện thi hành, tương ứng với 613,5 tỷ đồng/2.918,9 tỷ đồng có điều kiện thi hành. 100% quyết định thi hành án ban hành đúng thời hạn, đảm bảo việc phân loại chính xác đối với án có điều kiện và chưa có điều kiện.
Các hoạt động bổ trợ tư pháp cũng được chỉ đạo, triển khai kịp thời. Tỉnh triển khai tốt các chế định bổ trợ tư pháp; tăng cường quản lý đầy đủ, pháp triển và đẩy mạnh xã hội hóa các loại hình hoạt động (công chứng, đấu giá, luật sư, thừa phát lại...), cung ứng ngày càng tốt dịch vụ công về pháp lý; chỉ đạo các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp thực hiện nghiêm quy định giám sát giao dịch theo Luật phòng, chống rửa tiền, tăng cường công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Những kết quả đạt được trong công tác tư pháp, cải cách tư pháp đã phát huy hiệu quả trong phòng, chống vi phạm và tội phạm, bảo vệ pháp chế, góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()