Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 05/01/2025 14:08 (GMT +7)
Hiệu quả từ những phiên tòa giả định
Thứ 3, 13/12/2022 | 08:52:56 [GMT +7] A A
Là một trong hình thức tuyên truyền giáo dục pháp luật rất hiệu quả, thời gian qua, mô hình "Phiên tòa giả định" được các đơn vị chức năng phối hợp tổ chức. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong thanh thiếu niên, học sinh và người dân, nhằm phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm.
Ngày 14 và 21/11/2022 vừa qua, Ban giám hiệu Trường THPT Vũ Văn Hiếu và Trường TH-THCS-THPT Văn Lang đã phối hợp cùng Đoàn Thanh niên và các cơ quan tư pháp tổ chức tuyên truyền PBGDPL cho gần 3.000 học sinh thông qua hình thức “Phiên toà giả định”. Phiên tòa được xây dựng kịch bản dựa trên 2 vụ án có thật đã được đưa ra xét xử trên địa bàn TP Hạ Long liên quan đến hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông và cưỡng đoạt tài sản.
Tại “phiên tòa” xét xử tội vi phạm quy định tham gia giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, kiểm sát viên đã phân tích, làm rõ hành vi của các bị cáo, chỉ ra hậu quả nghiêm trọng trong việc người đã thành niên không những xúi giục người dưới 18 tuổi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, mà còn giao cho người dưới 18 tuổi chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, gây tai nạn chết người.
Trong “phiên tòa” xét xử tội cưỡng đoạt tài sản, Hội đồng xét xử tập trung làm rõ, chỉ ra hậu quả của việc sơ hở trong quản lý hình ảnh nhạy cảm cá nhân, tạo tiền đề cho người đã thành niên vì ghen tuông chuyện tình cảm mà xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội, trong một thời gian ngắn đã sử dụng mạng xã hội liên tiếp đe dọa, uy hiếp bạn đồng trang lứa nhằm cưỡng đoạt tài sản. Cả 2 vụ án, các bị cáo đều phải chịu hình phạt nghiêm khắc tương xứng với tính chất, mức độ hành vi gây ra.
Cũng trong ngày 14/11/2022, tại Trường THCS-THPT Đường Hoa Cương, Huyện Đoàn Hải Hà đã phối hợp với Chi đoàn Viện Kiểm sát - Tòa án - Thi hành án huyện và Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức "Phiên tòa giả định" với tình huống xuất phát từ vi phạm Luật Giao thông đường bộ, cụ thể là hành vi lái xe khi chưa có giấy phép lái xe theo quy định, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Nội dung "phiên tòa" được xây dựng sinh động với sự tham gia của các thành phần chủ tọa, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa, bị cáo, người có quyền và nghĩa vụ liên quan; mô phỏng từ tình huống xảy ra trong thực tế; quy trình, diễn biến "phiên tòa" được diễn ra theo đúng trình tự thủ tục trong Luật Tố tụng hình sự.
Bí thư Huyện Đoàn Hải Hà Ngô Mai Linh cho biết: Để "Phiên tòa giả định" mang lại hiệu quả, các thành viên tham gia đều là ĐVTN của Chi đoàn TAND, Viện KSND, Công an huyện. Nội dung, diễn biến của "phiên tòa" dựa theo tình huống có thật đã xảy ra trong cuộc sống. Đây là hình thức tuyên truyền pháp luật trực quan, sinh động, dễ hiểu, là cách làm hay, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền PBGDPL.
Từ đầu năm đến nay, các cấp bộ đoàn đã phối hợp với các đơn vị tổ chức 6 "Phiên tòa giả định" tới đối tượng thanh thiếu niên, học sinh trên địa bàn, trong đó tập trung tuyên truyền về hành vi vi phạm khi tham gia giao thông. Trước đó, nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, "Phiên tòa giả định" cũng được các đơn vị phối hợp tổ chức với nhiều nội dung tuyên truyền các quy định của Bộ luật Hình sự về các tội như: Cố ý gây thương tích, tội phạm về ma túy; cưỡng đoạt tài sản; bạo lực gia đình; trốn tránh nghĩa vụ quân sự; xâm hại tình dục trẻ em...
"Phiên tòa giả định" được thực hiện với diễn biến, quá trình xét xử như một cuộc xét xử tại tòa án, bao gồm đủ các thành phần: Hội đồng xét xử do các đoàn viên có trình độ cử nhân luật đã được đào tạo nghiệp vụ thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, trợ giúp viên pháp lý thực hiện tái hiện như một phiên tòa thật, gồm các bước từ xét hỏi, luận tội, tranh luận, nghị án, tuyên án.
Để tạo sự thu hút, hiệu ứng tác động cho người tham gia trước khi vào quá trình xét xử, các đơn vị tổ chức trình diễn một tiểu phẩm tình huống tái hiện sinh động quá trình vi phạm pháp luật, nguyên nhân dẫn đến con đường phạm tội. Qua đó đã tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật, phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên.
"Phiên tòa giả định" cũng lồng ghép nhiều nội dung tuyên truyền pháp luật, định hướng rõ những cấu thành cơ bản của tội phạm, hậu quả và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Đồng thời, cũng chỉ rõ mức hình phạt để đảm bảo tính giáo dục, phòng ngừa chung. Sau khi thực hiện "phiên tòa", các báo cáo viên đã làm rõ hơn một số nội dung pháp luật mà "Phiên tòa giả định" đã đề cập, hoặc thông tin về tình hình tội phạm có liên quan trong vụ án để gửi thông điệp pháp luật cho công chúng; tiếp nhận và giải đáp những thắc mắc pháp luật trực tiếp.
"Phiên tòa giả định" là mô hình PBGDPL phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là thanh thiếu niên. Đây là hình thức phổ biến mang tính trực quan, sinh động giúp người được phổ biến tiếp thu nội dung pháp luật một cách tự nhiên, dễ hiểu, dễ nhớ; là kênh phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả có tác động mạnh tới việc nhận thức pháp luật, ý thức tôn trọng, ứng xử và chấp hành pháp luật đối tượng được phổ biến. Ngoài ra, "Phiên tòa giả định" cũng là sân chơi tạo điều kiện cho các bạn trẻ tham gia tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền pháp luật, rèn luyện các kỹ năng về giao tiếp, ứng xử, làm việc theo nhóm...
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()