Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 03:42 (GMT +7)
Hiểu về trang phục dân tộc qua những cuốn sách
Thứ 3, 29/03/2022 | 15:22:05 [GMT +7] A A
Một số công trình nghiên cứu về trang phục qua các giai đoạn lịch sử, cho thấy vẻ đẹp của từng loại sản phẩm, từ đó giúp bạn đọc hiểu về văn hóa dân tộc.
“Để hiểu được lịch sử tư tưởng, văn hóa và mỹ thuật Việt Nam, nghiên cứu trang phục cổ chính là một ngành quan trọng, cần tới sự tiếp cận mang tính khoa học, liên ngành, gắn với những chứng lý đầy đủ, xác thực”, phần Tự luận sách Ngàn năm áo mũ viết về vai trò của tìm hiểu trang phục cha ông.
Một số cuốn sách ra đời, không chỉ nêu thông tin về trang phục, cách ăn mặc, mà còn giúp bạn đọc hiểu về diện mạo, văn hóa dân tộc.
Bức tranh toàn cảnh về trang phục Việt
Trong số sách chủ đề trang phục dân tộc, Ngàn năm áo mũ thường được nhắc tới vì độ rộng, dài của đối tượng nghiên cứu. Trải dài khoảng nghìn năm lịch sử (1009-1945), sách nghiên cứu về lịch sử trang phục Việt Nam qua các triều: Trần, Lê, Lê Trung Hưng, Tây Sơn, Nguyễn.
Chương đầu sách là tổng quan về trang phục cung đình và trang phục dân gian Việt Nam. Từ đó, ở các chương tiếp theo, khi nghiên cứu về trang phục mỗi thời đại đều chia theo hai mảng chính, cung đình và dân gian.
Sách giúp bạn đọc hiểu lễ phục, thường phục của hoàng đế thời Lý ra sao; bá quan thời Trần mặc lễ phục, thường phục như thế nào; trang phục của quân đội nhà Lê; cách ăn vận của thường dân thời Nguyễn… Không chỉ nói chuyện quần áo, sách còn đề cập các khía cạnh khác như mái tóc, hàm răng, hình xăm, trang sức…
Qua công trình nghiên cứu có thể thấy trang phục cung đình luôn theo những quy định nghiêm ngặt, từ bộ tế phục cổn miện, triều phục uy nghi của hoàng đế; bổ phục trang trọng của bá quan; vĩ địch, phượng quan lộng lẫy của hoàng hậu. Trong khi đó, trang phục dân gian không có nhiều biến động, phổ biến là áo giao lĩnh, tứ thân; lối mặc cởi trần đóng khố của đàn ông, yếm, váy của phụ nữ.
Chín năm từ ngày ra mắt, cuốn sách đã được tái bản nhiều lần, dần trở thành công trình kinh điển về trang phục Việt. Sự ra đời của sách góp phần bù đắp vào khoảng trống của lịch sử trang phục Việt.
Cũng là bức tranh bao quát về trang phục, nhưng cuốn Trang phục của các dân tộc ở Việt Nam của GS Ngô Đức Thịnh viết về lối ăn mặc của các dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất hình chữ S.
Sách giới thiệu nét chung về trang phục qua các thời đại lịch sử, trang phục cổ truyền của từng dân tộc ở ba miền Bắc, Trung, Nam. Qua sách, bạn đọc biết đến lối ăn mặc truyền thống của người dân tộc Kinh, Mường, Tày - Nùng, Thái, Dao… Trang phục của dân tộc miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Khmer cũng được thể hiện trong sách.
Những mảnh ghép đặc sắc của trang phục Việt
Nhiều cuốn sách nêu nghiên cứu, phục dựng về trang phục một giai đoạn, một phong cách, qua đó cho thấy nét độc đáo, đa dạng trong lối ăn mặc của người Việt.
Dệt nên triều đại nghiên cứu nghi lễ và trang phục cung đình của Đại Việt thời đầu Lê Sơ (1437-1471). Cuốn sách là kết quả của một dự án phục dựng trang phục cổ Việt Nam. Với mong muốn tìm về văn hóa cha ông, nhóm bạn trẻ sinh sống, học tập ở nước ngoài có tên Vietnam Centre đã phục dựng lại trang phục thời Lê Sơ.
Sau khi phục dựng, nhóm bạn trẻ đã thực hiện một số buổi trình diễn cổ phục, ghi hình để quảng bá cho trang phục truyền thống. Họ cũng xuất bản cuốn sách với mong muốn cung cấp nguồn tư liệu tham khảo chính xác tới các tác giả đang xây dựng tác phẩm cổ trang (nhà làm phim, họa sĩ truyện tranh, nghệ sĩ nhiếp ảnh, người yêu thích văn hóa lịch sử dân tộc).
Sách gồm các khảo cứu, hình vẽ mô tả chi tiết về cách thức, cấu tạo hình, cấu trúc, chất liệu của trang phục. Nhiều ảnh minh họa chụp những bộ trang phục mà nhóm phỏng dựng được thể hiện trong sách.
Cuốn Áo dài Lemur và bối cảnh Phong hóa & Ngày nay viết về sự hình thành, vẻ đẹp và bối cảnh xã hội xuất hiện áo dài Lemur. Tác giả Phạm Thảo Nguyên giúp người đọc biết về tiểu sử họa sĩ Cát Tường - người thiết kế áo dài tân thời.
Qua tà áo dài, sách mang tới cái nhìn cận cảnh về thời trang, văn hóa, xã hội một thời. Ở đó có hành trình tạo ra và hoàn thiện chiếc áo Lemur của họa sĩ Cát Tường, phong trào thay đổi y phục phụ nữ Việt nửa đầu thế kỷ 20, những người đầu tiên mặc áo dài tân thời, cho đến việc mở rộng thị trường áo dài, tiến tới phong trào mặc áo Lemur…
Nhà thiết kế áo dài Sĩ Hoàng nhận xét cuốn sách không chỉ viết về tác giả tác phẩm mà còn là một cuốn sử học về áo dài phát triển trong một bối cảnh xã hội.
“Cuốn sách như một tài liệu quý cho sinh viên tham khảo, học tập trong các trường có đào tạo chuyên ngành thời trang”, nhà thiết kế Sĩ Hoàng nhận xét.
Theo Zing
Liên kết website
Ý kiến ()