Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:23 (GMT +7)
Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Thứ 5, 11/04/2024 | 11:35:16 [GMT +7] A A
Giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề sơ cấp cho 4.701 lao động nông thôn (29,77% học nghề nông nghiệp, 69,23% học nghề phi nông nghiệp) trong đó hỗ trợ 1.385 người dân tộc thiểu số học nghề (chiếm 29,46% tổng số lao động được hỗ trợ đào tạo nghề).
Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH, từ 2021-2023, công tác hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg (ngày 28/9/2015) của Thủ tướng Chính phủ được một số địa phương tích cực triển khai. Trong đó, huyện Tiên Yên đào tạo 601 người, TX Quảng Yên đào tạo 582 người, TX Đông Triều đào tạo 546 người, TP Móng Cái đào tạo 496 người. Hằng năm, trên 86% sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn; trên 24% được doanh nghiệp tuyển dụng; 21,4% tổng số hộ nghèo có người tham gia học nghề có việc làm và thoát nghèo. Kết quả trên cho thấy công tác đào tạo nghề đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo ra nhiều việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và đóng góp tích cực vào sự thành công trong xây dựng NTM.
Ông Ngô Văn Mậu, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Bình Liêu, cho biết: Công tác đào tạo nghề gắn với phát triển lâm nghiệp và du lịch, dịch vụ trên địa bàn luôn được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã quan tâm. Từ năm 2020 đến 2023, huyện mở được 24 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 480 lao động, trong đó có 477 lao động là người dân tộc thiểu số. Các lớp nghề chủ yếu là sản xuất nông, lâm kết hợp; trồng và chăm sóc cây ăn quả; chế biến món ăn và phục vụ.
Chị Loan Thị Thúy, chủ homestay Hoa Sở (xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu) chia sẻ: Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, tôi nhận thấy du lịch Bình Liêu ngày càng phát triển nên chuyển hướng từ chăn nuôi sang làm dịch vụ. Tôi tham gia một khóa học nấu ăn 3 tháng tại Cơ sở đào tạo nghề Hòa Thành vào cuối năm 2023. Khóa học ngắn nhưng giúp tôi nắm chắc kiến thức chuyên môn về kinh doanh ăn uống, hiệu quả rõ nhất là khách rất hài lòng.
Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên theo đánh giá của nhiều địa phương, đơn vị, vẫn còn những tồn tại, vướng mắc khiến cho công tác đào tạo nghề chưa thực sự phát huy hết hiệu quả. Trong đó có nhận thức của một bộ phận học viên chưa tốt nên học tập chưa chuyên cần, hoặc không áp dụng sản xuất, làm nghề sau đào tạo như đã học. Vẫn còn bộ phận người lao động chọn việc, làm việc không lâu dài. Việc định hướng nghề nghiệp và giải quyết việc sau đào tạo chưa triệt để, vẫn có thực trạng nghề đào tạo chưa gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và định hướng phát triển KT-XH của địa phương; xã hội hóa hoạt động đào tạo nghề tại một số địa phương còn khó khăn...
Tại Hội nghị bàn giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo lao động nông thôn vừa diễn ra tại huyện Bình Liêu, do Sở LĐ-TB&XH tổ chức tháng 3 vừa qua, nhiều giải pháp đã được Hội nghị đề cập đến, đó là: Chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn học nghề, tổ chức các lớp học nghề phù hợp với địa phương; thực hiện tốt việc điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai, lồng ghép các chương trình, đề án gắn đào tạo nghề với tiềm năng thế mạnh của địa phương. Đặc biệt, phải xây dựng đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo nghề; chủ động phối hợp với doanh nghiệp đóng trên địa bàn để gắn đào tạo với giải quyết việc làm...
Ths. Vũ Văn Thịnh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, cho biết: Nghề và chương trình đào tạo phải do địa phương và cơ sở giáo dục cùng chung tay xây dựng, thay đổi liên tục cho phù hợp với thực tiễn và đối tượng được đào tạo. Bản thân nhà trường rất coi trọng việc làm công tác tư tưởng, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động, chứ không phó mặc cho địa phương...
Ông Vũ Quang Trực, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho hay: Sở tiếp tục tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức về đào tạo nguồn nhân lực nông thôn, đào tạo gắn với quá trình đô thị hóa, đi theo chiều sâu, hiệu quả, bền vững, lấy cư dân nông thôn làm chủ thể. Sở cũng tham mưu cho tỉnh tăng cường, ưu tiên đầu tư từ ngân sách cho việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó quan tâm triển khai các chính sách hỗ trợ việc làm, như: Thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp, các tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; phối hợp với các tổ chức tín dụng để tín chấp vay vốn sản xuất cho lao động nông thôn; gắn kết doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế để dạy nghề cho lao động nông thôn theo hình thức hợp đồng cung ứng lao động; tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá thực chất kết quả đào tạo nghề…
Đỗ Hùng
Liên kết website
Ý kiến ()