Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:14 (GMT +7)
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi sản xuất
Thứ 4, 10/03/2021 | 11:06:45 [GMT +7] A A
Trải qua các đợt dịch Covid-19 liên tiếp trong hơn một năm qua, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã phải chịu nhiều thiệt hại. Với tinh thần nỗ lực vượt khó, các doanh nghiệp đang nhanh chóng bắt nhịp lại trong những tháng đầu năm 2021. Nhưng để doanh nghiệp có thể thực hiện tốt mục tiêu "kép", rất cần có các cơ chế, chính sách phù hợp, kịp thời.
Hoạt động sản xuất bắt nhịp trở lại tại Công ty TNHH may mặc An Thắng (Cụm công nghiệp ô-tô 1-5 huyện Đông Anh, Hà Nội). |
Sản xuất khôi phục từ 50 đến 80%
Dù còn rất nhiều khó khăn trước tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19, nhưng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn Thủ đô đang nỗ lực phục hồi, vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch bệnh.
Tại xưởng sản xuất của Công ty CP Bia Sài Gòn - Hà Nội (Cụm công nghiệp Từ Liêm, Hà Nội), dây chuyền sản xuất bia lon đang chạy "túc tắc", nhưng dây chuyền sản xuất bia đóng chai vẫn nằm im lìm. Phó Giám đốc công ty Lê Viết Quý chia sẻ, sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhà máy đã sản xuất trở lại, nhưng hiện chỉ ở mức cầm chừng, bởi thị trường của đơn vị chủ yếu là các tỉnh miền bắc, nhưng TP Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên... đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tháng 2-2021, lượng sản xuất của nhà máy chỉ còn khoảng 1,8 triệu lít, trong khi bình thường, năng suất đạt khoảng 7,5 đến 8 triệu lít/tháng. "Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi Hà Nội đã cho phép hàng quán mở cửa trở lại, tín hiệu thị trường đã tốt hơn, phía doanh nghiệp bắt đầu xuất bán được hàng lưu kho từ trước Tết. Hy vọng việc sản xuất sẽ sớm về lại nhịp độ bình thường" - ông Lê Viết Quý bày tỏ.
Đơn vị cung cấp dây chuyền cho các công ty nước uống, giải khát là Công ty TNHH Cơ nhiệt điện lạnh Bách Khoa (Polyco) cũng chịu thiệt hại nặng do Covid-19. Tổng Giám đốc Polyco Đinh Văn Thành chia sẻ, bình thường, doanh thu hằng năm của đơn vị đạt hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng năm 2020 chỉ còn gần 300 tỷ đồng. Dù vậy, phía doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì số lượng lao động, đồng thời, nghiên cứu, tìm hướng chế tạo các sản phẩm công nghệ khác, đáp ứng nhiều lĩnh vực và hướng tới xuất khẩu. Dự tính, hoạt động sản xuất, kinh doanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ phục hồi trở lại, dù không bằng thời điểm trước nhưng sẽ phấn đấu đạt khoảng 80%.
Tại Cụm công nghiệp Ô-tô 1-5 (huyện Đông Anh, Hà Nội), tất cả 13 doanh nghiệp tại đây đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, có những nhà máy hoạt động cầm chừng, công suất chỉ khoảng 50% đến 80% so với thời điểm trước khi xảy ra dịch. Là công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cơ khí, chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng do quy mô nhỏ, xoay xở nhanh, cho nên Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ thương mại Kim Long vẫn bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động với mức thu nhập không giảm, dù doanh thu của doanh nghiệp giảm 15 - 20%. Đến thời điểm hiện tại, hoạt động của doanh nghiệp đã trở lại bình thường.
Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Minh An đánh giá, năm 2021 tiếp tục là một năm khó khăn đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tại cụm công nghiệp đã năng động, đổi mới thích ứng với tình hình mới. Với tinh thần "khó khăn gấp hai thì phải nỗ lực, cố gắng gấp ba", quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép"..., nhiều doanh nghiệp đã thực hiện các giải pháp để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh như: chuyển hướng kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, chuyển đổi sản phẩm dịch vụ chủ lực, tích cực tìm kiếm thị trường mới cho các mặt hàng mới... Nhờ vậy, doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì được sản xuất, kinh doanh, người lao động được trả lương đầy đủ và đúng hạn, không có tình trạng người lao động bị cắt giảm lương, nghỉ không lương... Công tác phòng, chống dịch được các doanh nghiệp triển khai đầy đủ, nghiêm túc.
Theo Cục Thống kê TP Hà Nội, tính chung hai tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Nội ước tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,8%. Tuy nhiên, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp đã giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Rất cần sự hỗ trợ
Không chỉ lo đối phó các tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội còn phải đối diện với khó khăn do tăng giá nguyên liệu, phí logistics, trong khi thiếu hụt nguồn lao động và thị trường...
Ông Dương Minh Cường, Tổng Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Cơ khí xây lắp thương mại Minh Cường cho biết, hơn 80% khách hàng của công ty là các doanh nghiệp FDI. Với tình hình dịch bệnh hiện nay, họ rất cẩn trọng, cân nhắc trong việc đầu tư, do đó tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Thương mại và Sản xuất Thuận Phúc Vương Thị Thu Luyến chia sẻ, hiện giá dịch vụ logistics tăng mạnh, tới 300% so với trước. Hàng hóa đơn vị sản xuất ra không có công-ten-nơ để đưa hàng đi. Ngoài ra, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhất là giá sắt, thép đã tăng hơn 40% so với quý III-2020. Tính thanh khoản giữa các doanh nghiệp với nhau cũng chậm, tác động đến tình hình tài chính, luân chuyển vốn của doanh nghiệp.
Trước những khó khăn này, cộng đồng doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ và TP Hà Nội để có thể nhanh chóng phục hồi. Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường Lê Thanh Thủy nhận định, mặc dù thời điểm này sản xuất có tốt lên, nhưng những rủi ro từ dịch Covid-19 vẫn "rình rập" hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tại các khu, cụm công nghiệp, yêu cầu để doanh nghiệp tiếp cận được mặt bằng sản xuất là phải đầu tư ít nhất từ 5.000 đến 10.000 m2, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ cần mặt bằng khoảng 2.000 đến 3.000 m2 là đã có thể sản xuất và khả năng đầu tư của doanh nghiệp cũng chỉ ở ngưỡng như vậy. Do đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất mong được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Nhà nước để có thể tiếp cận mặt bằng sản xuất ổn định, lâu dài.
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị, do doanh thu năm 2020 sụt giảm nghiêm trọng, cho nên các doanh nghiệp cần các giải pháp, chính sách hỗ trợ về tài chính như giảm lãi suất, kéo dài thời hạn cho vay; gia hạn thời gian nộp, miễn giảm một số loại thuế, bảo hiểm xã hội, không tính lãi đối với các khoản thuế và bảo hiểm nộp chậm trong quý I và II-2021 đối với doanh nghiệp...
Sau quá trình kiểm tra tình hình hoạt động của một số doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Công thương Đàm Tiến Thắng đánh giá, các doanh nghiệp đã chủ động, nghiêm túc thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND thành phố Hà Nội. Các nhà máy đã sản xuất trở lại, tuy nhiên cường độ vẫn còn thấp và doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành và vượt chỉ tiêu tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trên địa bàn đạt 9%. Để giúp các doanh nghiệp có thể thực hiện thắng lợi nhiệm vụ "kép", Sở Công thương Hà Nội sẽ tổng hợp kiến nghị và báo cáo thành phố, các bộ, ban, ngành triển khai các giải pháp hỗ trợ như tạo điều kiện về mặt bằng đất đai để doanh nghiệp ổn định đầu tư sản xuất, hỗ trợ về thủ tục hành chính, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, khơi thông hàng hóa và các vấn đề về thông quan, vận chuyển... Riêng về mặt bằng sản xuất, năm 2021, thành phố sẽ tiếp tục thẩm định 16 cụm công nghiệp; tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật của 43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập để thu hút các doanh nghiệp thứ phát vào đầu tư sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin về các cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ để được hưởng quyền lợi của mình. Trong khó khăn của dịch Covid-19, cả thành phố và cộng đồng doanh nghiệp đều cần nỗ lực để từng bước ổn định sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm, bảo đảm cuộc sống cho người lao động, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.
Theo nhandan.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()