Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 03:09 (GMT +7)
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng cơ hội EVFTA mang lại
Thứ 7, 27/03/2021 | 10:04:05 [GMT +7] A A
Ngày 26.3.2021, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam tổ chức hội nghị bàn tròn “Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa với Hiệp định EVFTA”.
Doanh nghiệp tư nhân cần được hỗ trợ để tận dụng cơ hội do EVFTA mang lại. Ảnh: Vũ Long |
EVFTA cải thiện kinh tế Việt Nam cả ngắn hạn và dài hạn
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết: Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Liên minh Châu Âu sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
"Nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, nếu các cam kết về cắt giảm thuế quan và phi thuế quan được thực thi triệt để thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được cải thiện trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn" - Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết.
Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 5 năm sau đó).
Về xuất khẩu, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.
Thách thức lớn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa
Cũng theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, bên cạnh những cơ hội thì Hiệp định EVFTA cũng đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs).
Quá trình hội nhập kinh tế cho thấy doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn khi tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu do năng lực cạnh tranh hạn chế, mặt khác, do nhận thức của một số doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn ngắn hạn, chưa xác định tầm nhìn dài hạn với tư duy chiến lược.
Để hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị cũng như các cụm liên kết ngành, thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh triển khai các giải pháp cụ thể như: Triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, với trọng tâm là xây dựng Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025, với các nội dung hỗ trợ về thị trường, hỗ trợ liên kết sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phát triển thương hiệu, hỗ trợ về tiêu chuẩn kỹ thuật, đo lường chất lượng, hỗ trợ về tài chính tín dụng, hỗ trợ sản xuất thử nghiệm,…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng triển khai Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu rộng vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu…
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chiếm 97%, đóng góp 45% GDP, 31% tổng thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động. |
Theo Lao động
Liên kết website
Ý kiến ()