Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 14:00 (GMT +7)
Hỗ trợ học sinh vượt qua khủng hoảng của đại dịch COVID-19
Thứ 5, 28/10/2021 | 15:09:02 [GMT +7] A A
Đại dịch COVID-19 đã chuẩn bị bước sang năm thứ ba, theo dữ liệu mới nhất từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc (UNICEF), trong tổng số trẻ em trên toàn cầu, cứ 7 em thì có ít nhất 1 em bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các đợt phong tỏa.
Hơn 1,6 tỷ trẻ em phải hứng chịu những thiệt hại nhất định về giáo dục. Gián đoạn trong sinh hoạt, giáo dục, giải trí cũng như trăn trở về thu nhập và sức khỏe đang khiến nhiều người trẻ rơi vào khủng hoảng tâm lý. Vì vậy, nhà trường và giáo viên cần chung tay với gia đình để có giải pháp can thiệp, tư vấn, hỗ trợ kịp thời nhằm giảm tác động của đại dịch gây ra cho nhóm đối tượng này.
Những rối nhiễu tâm lý của học sinh trong đại dịch
Theo một số báo cáo chưa đầy đủ từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tổng số trẻ F0 và F1 tại việt Nam đến ngày 10/9/2021 là hơn 40 nghìn trẻ. Số trẻ là F0 đang điều trị tại Thành phố Hồ Chí Minh là lớn nhất, đến gần 3.000 trẻ. Nhiều trẻ em bị mồ côi do cha mẹ tử vong vì COVID-19; nhiều trẻ không có cha, mẹ, người thân chăm sóc do cha, mẹ, người thân mắc COVID-19 phải đi điều trị hoặc đi cách ly tập trung.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà (Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Dịch COVID-19 gây ra sang chấn nghiêm trọng, tác động đến tâm lý con người khiến chúng ta dễ mắc phải những vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo âu, rối loạn tinh thần... Đối với lứa tuổi học sinh, sau một thời gian dài sống trong các điều kiện hạn chế đi lại, giao tiếp, học tập trực tuyến kéo dài… khiến cho các em trở thành nhóm đối tượng dễ mắc phải những vấn đề tâm lý nhất.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà cũng chỉ ra những rối nhiễu tâm lý thường gặp ở học sinh trong đại dịch COVID-19. Cụ thể, những học sinh có bố mẹ, người thân, thậm chí bản thân bị mắc COVID-19 phải sống trong bệnh viện để điều trị hay sống trong các khu cách ly bắt buộc, trong vùng dân cư bị phong tỏa do có F0 thường có phản ứng rất mạnh. Các em có thể có biểu hiện lo âu, sợ hãi, căng thẳng. Một số học sinh có biểu hiện suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài học.
Đối với trẻ em nghèo, dịch COVID-19 kéo dài ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập của gia đình các em, việc đảm bảo lương thực cũng là mối lo không kém gì nguy cơ bị mắc bệnh. Tình hình kéo dài khiến cho nhóm học sinh này thêm tự ti, thu mình, ngại giao tiếp bằng lời và ngày càng trở lên sợ hãi, lo lắng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh: Việc thay đổi những thói quen, hạn chế hoạt động cũng khiến học sinh tăng cảm giác bất an, dẫn đến phản ứng cáu kỉnh, nóng giận với bạn bè. Tất cả lo lắng và hình mẫu bạo lực dồn nén lại có thể là nguyên nhân dẫn đến những hành vi xấu tính và bạo lực với những người khác khi trở lại trường. Trẻ có thể có xu hướng nghịch ngợm, bất tuân, phá vỡ nội quy nhiều hơn. Các em sẽ nhạy cảm hơn với việc không được tôn trọng, có thể phản ứng mang tính bốc đồng, hung tính hơn.
Theo các chuyên gia tâm lý, tỉ lệ tổn thương sức khỏe tâm thần của trẻ trong đại dịch là phổ biến, đặc biệt đối với một số nhóm là khẩn cấp. Do đó, nếu trì hoãn hỗ trợ và trị liệu tâm lý thích hợp đối với các vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của cuộc đời, thường làm trầm trọng thêm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng tổn thương trong tương lai, giảm khả năng phục hồi trở lại của các em sau đại dịch.
Kịp thời trợ giúp học sinh khi quay trở lại trường
Tính đến cuối tháng 10/2021, cả nước mới có 23 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trực tiếp, các địa phương khác đang chuẩn bị các điều kiện để học sinh có thể trở lại trường học tập trong thời gian sớm nhất.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) , lần quay lại trường học này sẽ khác rất nhiều so với khi học sinh nghỉ hè những năm trước. Có thể, những ngày đầu tiên trở lại trường, các em rất hào hứng. Tuy nhiên, cha mẹ và giáo viên cần phải hiểu là với các em, trở lại trường là trở lại với những nỗi lo. Các em có thể sẽ trải qua lo âu này đến lo âu khác.
Vì vậy, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam cho rằng, điều đầu tiên liên quan đến việc mở cửa trường để học sinh được đi học trở lại, lãnh đạo các địa phương cần cân nhắc trên cơ sở khoa học những lợi ích và nguy cơ về mặt giáo dục, y tế công cộng và kinh tế - xã hội để đưa ra quyết định phù hợp và thấu cảm với niềm tin và suy nghĩ của cộng đồng, các bậc phụ huynh.
Nhà trường cần lập kế hoạch từ trước và xác định những biện pháp nhằm đảm bảo an toàn học sinh, giáo viên và cán bộ, nhân viên khi họ quay trở lại để cộng đồng cảm thấy tính khả thi và an toàn với việc cho trẻ quay trở lại trường học.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam cũng chia sẻ: Trước khi trở lại trường, cha mẹ nên chuẩn bị cho con một thời gian thích ứng với hoạt động mới ở trường. Giúp con hiểu đúng và có cảm giác an toàn. Một tuần trước khi quay trở lại trường phải giảm tải học online, thiết lập lại lịch ăn - ngủ phù hợp với học kỳ. Bố mẹ có thể cùng hỗ trợ con tổ chức lại góc học tập và cập nhật các thông tin liên quan đến việc trở lại trường như một hành động "lên dây cót" tinh thần.
Về phía nhà trường và giáo viên, trong tuần đầu tiên học sinh quay trở lại trường, cần nới lỏng để học sinh thích ứng lại với cuộc sống học tập ở trường. Giáo viên không nên chỉ quan tâm đến việc đuổi kịp chương trình, thậm chí chỉ dạy 1/2 khối lượng kiến thức theo lịch trình, còn lại dành thời gian cho các hoạt động giao lưu và giáo dục ngoài giờ lên lớp.
Các chuyên gia tâm lý lưu ý rằng, sức khỏe tinh thần của học sinh trong thời gian này quan trọng hơn là kiến thức. Vì vậy, giáo viên cần tổ chức hỗ trợ về tâm lý cho các em thích nghi lại với cuộc sống trường học, trao đổi về những lo âu khi quay trở lại trường học vào thời điểm bất thường và cách ứng phó.
Đặc biệt, giáo viên và lãnh đạo nhà trường đảm bảo tuần đầu tiên quay trở lại trường phải cực kỳ an toàn. Mọi xích mích nhỏ phải được để tâm tới, không nên để xảy ra những vụ việc bắt nạt, bạo lực là hệ quả của sự bí bức do cách ly lâu ngày.
Nhà trường cũng cần đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường, tổ chức lại Phòng Tư vấn tâm lý trong các trường học để hỗ trợ các nhu cầu tâm lý. Giáo viên cần chú ý đến các dấu hiệu tổn thương sức khỏe tâm thần và tích cực giới thiệu học sinh đến tham gia các hoạt động hỗ trợ. Đó là cách thức để giảm các hành vi bạo lực bộc phát.
Nhằm hỗ trợ các học sinh có dấu hiệu bất thường về tâm lý, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà, (Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội), giáo viên khi phát hiện học sinh của mình có những dấu hiệu trầm cảm, thay vì tức giận cần trò chuyện, lắng nghe để thấu hiểu những tâm tình của học trò ở tận gốc vấn đề.
Giáo viên cần khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động tập thể để có thêm niềm vui vào cuộc sống học đường, hướng dẫn học sinh giữ gìn sức khoẻ thông qua bài tập thể thao. Bên cạnh đó, giáo viên giúp học sinh lập được kế hoạch học tập một cách khoa học và vừa sức, hạn chế để học sinh có nhiều thời gian rảnh suy nghĩ tiêu cực. Giáo viên cũng cần trao đổi với phụ huynh và tìm kiếm sự hỗ trợ từ những chuyên gia trong lĩnh vực này.
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức chương trình tập huấn trực tuyến cho cán bộ, giáo viên ở các trường phổ thông về tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh trong bối cảnh dịch COVID-19. Hơn 1.000 cán bộ phụ trách công tác xã hội, tư vấn tâm lý của các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học Phổ thông đã tham dự tại 400 điểm cầu trên toàn quốc.
Thông qua tập huấn, bước đầu các cán bộ, giáo viên đã có kiến thức và kỹ năng để nhận diện những vấn đề tâm lý học sinh phổ thông trong đại dịch COVID-19. Từ đó, xây dựng kế hoạch để sẵn sàng hỗ trợ học sinh, giúp các em dần dần vượt qua cơn khủng hoảng do tác động của dịch COVID-19, sớm bắt nhịp với môi trường học tập trực tiếp tại nhà trường.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()