Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:27 (GMT +7)
Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tư thục
Thứ 4, 07/12/2022 | 12:14:02 [GMT +7] A A
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư, UBND tỉnh đã có tờ trình trình HĐND tỉnh nghiên cứu, xem xét để ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non (GDMN) tư thục trên địa bàn tỉnh tại kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh.
Những năm qua, GDMN tư thục trên địa bàn tỉnh từng bước phát triển về quy mô, mạng lưới, chất lượng, góp phần đa dạng hóa các loại hình giáo dục, tạo điều kiện cho trẻ em đến trường, nâng cao phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Tính đến nay, toàn tỉnh có 403 cơ sở GDMN tư thục, huy động 21.726 trẻ ra lớp, thu hút hơn 1.000 tỷ đồng từ doanh nghiệp, cá nhân để đầu tư xây trường, lớp, cơ sở vật chất. Một số trường tư thục phát triển theo hướng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, như: Trường Mầm non Ka Long (TP Móng Cái), Trường Mầm non Quốc tế thiếu nhi 1-6 ICP (TP Cẩm Phả)…
Việc phát triển cơ sở GDMN tư thục đã góp phần quan trọng giải quyết một số khó khăn ở cấp học này, như: Giảm gánh nặng đầu tư cho ngân sách nhà nước ở vùng thuận lợi, giải quyết việc làm cho lao động, tăng cơ hội cho trẻ mầm non được ra lớp, khắc phục tình trạng quá tải trong cơ sở GDMN công lập, đáp ứng nhu cầu của người dân…
Hiện nay, Quảng Ninh thực hiện chủ trương phát triển nguồn nhân lực gắn với tăng quy mô dân số theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và phổ cập GDMN cho trẻ dưới 5 tuổi theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Theo tính toán của Sở GD&ĐT, giai đoạn 2023-2030, toàn tỉnh tăng thêm 31.000 trẻ mầm non ra lớp, 163 phòng học và 2.772 giáo viên. Do đó, áp lực thành lập mới các trường mầm non rất lớn, trong khi khối giáo dục công lập không tăng do thực hiện tinh giản biên chế, điều này đòi hỏi cần phát triển nhanh chóng hệ thống cơ sở GDMN tư thục.
Thu nhập của người lao động tại các KCN còn khó khăn, trong khi chi phí gửi con em tại cơ sở GDMN tư thục trên địa bàn tỉnh ở mức bình quân từ 2 triệu - 3 triệu đồng/trẻ/tháng. Thêm vào đó, nhiều nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm đến đầu tư cơ sở GDMN do suất đầu tư lớn. Tại một số trường mầm non tư thục, cơ sở vật chất chưa đảm bảo quy định, chất lượng chăm sóc còn thấp, đội ngũ giáo viên còn thiếu… Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 105/2020/NĐ-CP quy định các chính sách hỗ trợ cho cơ sở GDMN độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN, nơi có nhiều lao động; trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại KCN; chính sách đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở GDMN dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN.
Trước yêu cầu thực tiễn, việc ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển GDMN tư thục là thật sự cần thiết. Qua đó, góp phần quan trọng hỗ trợ chi phí học tập cho người lao động, đảm bảo chế độ cho cán bộ, giáo viên các cơ sở GDMN, phát triển giáo dục tư thục tại KCN nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Đây cũng là động lực quan trọng giữ chân người lao động, thu hút nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Theo tờ trình UBND tỉnh, đề nghị hỗ trợ: Trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định được hỗ trợ 240.000 đồng/trẻ/tháng; thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, không quá 9 tháng/năm học.
Giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định ở địa bàn có khu công nghiệp bảo đảm những điều kiện sau: Có trình độ chuẩn đào tạo chức danh giáo viên mầm non theo quy định; có hợp đồng lao động với người đại diện theo pháp luật của cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục; trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhóm trẻ/lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp được hỗ trợ 1.200.000 đồng/tháng/người, mức hỗ trợ này ngoài lương thỏa thuận giữa chủ cơ sở GDMN tư thục với giáo viên; không dùng tính đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập theo đúng quy định có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp được hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất 1 lần, bao gồm: trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học theo danh mục quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và hỗ trợ kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất để phục vụ trực tiếp cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em. Mức hỗ trợ 50 triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập.
Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên, nhân viên y tế đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục được hỗ trợ 100% kinh phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế (mức hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động và người lao động phải đóng bằng mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định). Thời gian hỗ trợ tính theo thời gian làm việc thực tế, nhưng không quá 5 năm liên tục.
Tờ trình cũng đề nghị hỗ trợ lãi suất vay thương mại một lần cho Nhà đầu tư có dự án xây dựng mới nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục, đảm bảo tiêu chuẩn cơ sở vật chất từ mức độ 1 trở lên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mức hỗ trợ tối đa 6%/năm/số dư nợ thực tế; hạn mức vay không quá 10 tỷ đồng/trường; thời gian hỗ trợ không quá 5 năm.
Chị Vũ Thị Tần, công nhân Công ty TNHH MTV Nến nghệ thuật AIDI Việt Nam (KCN Cái Lân, TP Hạ Long) cho biết: Tôi có con đang ở độ tuổi mầm non. Do đặc thù công việc phải đi sớm, về muộn nên tôi lựa chọn gửi con tại cơ sở mầm non tư thục. Với đồng lương công nhân ít ỏi lại chi tiêu nhiều khoản như thuê nhà, ăn uống, đi lại, hằng tháng, chi phí học tập của con khiến vợ chồng tôi cũng gặp khó khăn. Nếu được hỗ trợ học phí, tôi rất phấn khởi, yên tâm làm việc.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()