Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:26 (GMT +7)
Hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú vùng khó
Thứ 7, 07/07/2012 | 05:42:06 [GMT +7] A A
Những năm qua, tỉnh luôn chú trọng đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, nhất là từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), công tác giáo dục vùng khó càng được chú trọng. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn 40/125 xã NTM có học sinh tốt nghiệp THCS được học lên THPT, đạt tỉ lệ dưới 70%. Theo quy định tiêu chí xây dựng NTM, thì phải đảm bảo tỷ lệ 70% học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học ở các xã.
Nguyên nhân chính là do các xã đều thuộc vùng nông thôn miền núi, biên giới, hải đảo, điều kiện đi lại khó khăn. Có những thôn, bản cách xa trường học hàng chục km, địa hình cách trở. Nhiều học sinh phải trèo đèo, lội suối vài giờ đồng hồ mới đến được trường. Chính vì vậy, để đảm bảo cho việc học tập, các em phải ở trọ tại nhà dân gần trường, vì không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày. Tuy nhiên, việc cho con em học bán trú đối với nhiều gia đình, nhất là đối với những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, đông con là không đơn giản. Bởi, ngoài chi phí cho học tập, các gia đình phải lo thêm các khoản chi phí khác cho các em, như: Tiền ăn, thuê nhà trọ, mua sắm vật dụng cần thiết… Vì thế, nhiều gia đình đành phải cho con em nghỉ học.
Một giờ học của học sinh Trường THPT Quảng Hà (Hải Hà). Ảnh: Cẩm Nang |
Về vấn đề này, một số giáo viên các trường THPT thuộc một số xã miền núi, hải đảo cho biết: Việc vận động học sinh ra lớp đã khó, nhưng để giải quyết chỗ ăn, ở, tạo điều kiện cho các em duy trì học tập tốt còn khó khăn hơn. Bởi, không phải trường nào cũng có khu nội trú cho học sinh. Nhiều cán bộ, giáo viên nhà trường đã tạo điều kiện cho học sinh ở cùng gia đình, hỗ trợ một phần tiền ăn, sách vở… nhưng cũng chỉ khắc phục được một phần nhỏ. Nhiều gia đình ở vùng sâu, vùng xa quyết tâm lắm mới cho con em học lên THPT, nhưng không cung cấp lương thực cho con em được liên tục. Nhiều em đã rơi vào hoàn cảnh đứt bữa, nhất là vào những kỳ giáp hạt, nên phải bỏ học giữa chừng, ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy.
Đồng chí Trần Văn Tân, Hiệu trưởng Trường THPT thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ) cho biết: “Hiện Trường có 595 học sinh, trong đó 2/3 ở vùng sâu, vùng xa. Để các em học bán trú thuận tiện trong sinh hoạt và học tập, nhà trường và địa phương đã xây được một nhà tập thể, 1 bếp ăn; nhưng cũng chỉ đáp ứng được cho 98 học sinh; còn lại, các em phải thuê nhà dân gần trường. Nhiều em điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nên không thể duy trì việc đến lớp, phải nghỉ học. Chúng tôi mong muốn, tỉnh sớm ban hành những chính sách hỗ trợ cho học sinh vùng khó, nhất là hỗ trợ tiền ăn cho các em, như vậy sẽ giúp các em bớt đi những khó khăn và duy trì tốt việc học tập”.
Thời gian qua, để tạo điều kiện học tập cho đối tượng học sinh vùng khó, ngoài các trường chuyên biệt có học sinh nội trú được hưởng chế độ theo quy định của Nhà nước, thì tỉnh và các địa phương cũng đã có chính sách hỗ trợ hằng năm cho hơn 200 học sinh ở một số xã của huyện Vân Đồn và TP Móng Cái. Nhờ đó, nhiều trường đã duy trì được tỉ lệ học sinh đến lớp và ra lớp theo kế hoạch.
Để hỗ trợ xây dựng NTM, nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực cho vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, giúp con em đồng bào các dân tộc, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh ổn định đời sống vật chất và tinh thần để học tập, góp phần duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục THPT, tại kỳ họp này, UBND tỉnh có tờ trình đề nghị HĐND tỉnh xem xét, thông qua chính sách hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng học sinh bán trú đang học THPT, trung cấp nghề hoặc học văn hoá THPT kết hợp với học nghề trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Đối tượng là học sinh trong độ tuổi học THPT ở các xã thực hiện xây dựng NTM tỉnh giai đoạn 2010-2020 đang học tại các cơ sở giáo dục THPT (trừ trường chuyên biệt), học trung cấp nghề hoặc học văn hoá THPT kết hợp học nghề tại các cơ sở giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh, được UBND cấp huyện phê duyệt cho phép ở lại trường để học tập trong tuần. Mức hỗ trợ là 40% mức lương tối thiểu chung/học sinh/tháng (bằng mức hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng học sinh bán trú đang học tại các cơ sở giáo dục THCS quy định tại Nghị quyết số 39/2011 của HĐND tỉnh). Thời gian hưởng theo thời gian học thực tế, nhưng không quá 9 tháng trong một năm học. Theo tính toán của UBND tỉnh, để đảm bảo 70% số học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học THPT ở các xã trên, thì hàng năm tỉnh cần hỗ trợ ít nhất cho cho 1.341 học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày; tổng kinh phí hỗ trợ một năm dự kiến khoảng 5,1 tỉ đồng.
Việc ban hành chính sách hỗ trợ tiền ăn cho học sinh vùng khó là rất cần thiết, sẽ giúp con em đồng bào dân tộc, vùng khó khăn có điều kiện học tập tốt hơn; đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()