Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:13 (GMT +7)
Hỗ trợ trẻ khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng
Thứ 2, 26/07/2021 | 10:48:46 [GMT +7] A A
Với truyền thống tương thân, tương ái, nhiều năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân trên địa bàn Quảng Ninh đã có nhiều hoạt động chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt các chính sách bảo trợ xã hội, hỗ trợ trẻ khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, nhằm giúp các em từng bước vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Về chăm sóc sức khỏe, trẻ em dưới 6 tuổi được Nhà nước cấp thẻ BHYT, trong đó có trẻ em khuyết tật. Cùng với đó, ngành Y tế Quảng Ninh đã cung cấp nhiều dịch vụ y tế như phát hiện sớm các khiếm khuyết ở trẻ sơ sinh và sàng lọc khuyết tật trước sinh; điều trị, phục hồi chức năng và can thiệp sớm các dạng khuyết tật ở trẻ em. Trong đó, phối hợp tổ chức khám sàng lọc, hỗ trợ phẫu thuật cho trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, dị tật mắt, khuyết tật vận động...
Các bệnh viện: Sản Nhi Quảng Ninh, Phục hồi chức năng, Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã đưa vào hoạt động những đơn nguyên tâm bệnh, phục hồi chức năng, để sàng lọc, chẩn đoán, điều trị cho trẻ mắc chứng tự kỷ, rối nhiễu tâm trí. Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cũng xây dựng và đưa mô hình trị liệu rối nhiễu tâm trí, tự kỷ cho trẻ em vào hoạt động từ năm 2013. Từ năm 2019, Trung tâm đã can thiệp, trị liệu tâm lý thường xuyên, có thu phí tự nguyện theo tháng đối với 10-15 trẻ rối nhiễu tâm trí, tự kỷ. Ngoài ra, Trung tâm triển khai hoạt động sàng lọc ngoài cộng đồng; tư vấn cho gia đình trẻ trong công tác trị liệu tại gia đình.
Tại Cơ sở Bảo trợ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh hiện đang nuôi dưỡng 104 trẻ, trong đó có 14 trẻ khuyết tật đặc biệt nặng, còn lại là các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội khác. Cơ sở cũng đang triển khai mô hình “Lớp học chuyên biệt cho trẻ khiếm thính có thu phí” để dạy học cho 38 trẻ khiếm thính, có thu phí tự nguyện.
Năm 2021, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục triển khai trợ giúp trẻ em với các mô hình “Kết nối dịch vụ chăm sóc và phát triển toàn diện trẻ em dựa trên đánh giá nhu cầu của trẻ” tại Ba Chẽ, Đông Triều; “Hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc tại cộng đồng” tại Cẩm Phả, Uông Bí; dạy nghề gắn với tạo việc làm cho trẻ em khuyết tật tại Đông Triều, Móng Cái; “Chăm sóc và giáo dục phát triển toàn diện trẻ thơ tại cộng đồng” do Hội LHPN tỉnh thực hiện tại Ba Chẽ, Uông Bí, Quảng Yên. Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp xác minh thông tin, đề nghị giải quyết, can thiệp, hỗ trợ khẩn cấp cho nhiều trường hợp trẻ em, trong đó có trẻ em khuyết tật. Đồng thời, duy trì các hoạt động tư vấn, tham vấn tại cộng đồng, đường dây tư vấn miễn phí 1800.1769.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân trên địa bàn cùng chung tay giúp đỡ, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có trẻ khuyết tật. Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, ngân sách tỉnh đã chi tặng quà cho 1.144 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, với hơn 570 triệu đồng; ngân sách địa phương chi hơn 200 triệu đồng tặng quà cho 1.359 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã thực hiện đầy đủ chính sách bảo trợ tại cộng đồng cho 598 trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng với trên 2,7 tỷ đồng; 1.815 trẻ em khuyết tật nặng với trên 6,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi đã phát động chương trình “Nối vòng tay nhân ái” năm 2021, với 130 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ trên 5,1 tỷ đồng; qua đó triển khai nhiều hoạt động giúp đỡ người khuyết tật nói chung và trẻ em khuyết tật trong tỉnh nói riêng khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Hay Hội người mù tỉnh đã có nhiều hoạt động chăm lo trẻ khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn, với việc mở lớp học tiền hòa nhập. Qua đó, trẻ khiếm thị được làm quen với môi trường ăn ở, sinh hoạt, học tập; tự phục vụ bản thân; phục hồi chức năng định hướng; kỹ năng đọc, viết chữ Braille (chữ nổi); chương trình tiếng Việt.
Nhờ sự quan tâm chăm lo của các cấp uỷ đảng, chính quyền và sự nỗ lực của bản thân, nhiều người khuyết tật, trẻ em khuyết tật đã trở thành những tấm gương sáng truyền cảm hứng trong cộng đồng về nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Tiêu biểu như Phạm Thị Hoài Thương (26 tuổi), phường Cao Xanh, TP Hạ Long, với đôi chân không thể đi lại do di chứng của chất độc da cam, nhưng không ngừng nỗ lực, vượt lên số phận, hiện đang theo học năm thứ 3, hệ đào tạo từ xa, Viện đại học Mở Hà Nội.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()