Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 07:39 (GMT +7)
Hoa cho ngày nhà giáo
Chủ nhật, 18/11/2012 | 05:29:34 [GMT +7] A A
Sắp đến ngày 20-11, Bộ GD-ĐT có công văn gửi các đơn vị, cơ quan, ban, ngành liên quan, cho biết Bộ có chủ trương không tiếp khách, không nhận hoa chúc mừng nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Lý do đưa ra là để thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá X) “Về đổi mới nâng cao hiệu quả tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước và các hình thức khen thưởng cao”, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...
Về một phương diện nào đó, chẳng thể nói đây là một sự kiện “to tát” gì; thế nhưng đọc các trang báo mạng mới thấy “chuyện nhỏ” này lại thu hút sự quan tâm của khá nhiều người. Có người khen, cho rằng Bộ đã làm gương cho cơ sở trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nhưng cũng có người tỏ ra không đồng tình, cho rằng như thế là hơi “cực đoan”; chỉ cần đừng tổ chức rầm rộ, phô trương, chứ chỉ tặng một bó hoa chúc mừng không thôi thì cũng không thể nói là “xa hoa, lãng phí” được! Với lại, nếu trên đã kiên quyết như thế, thì dưới các sở, phòng, đặc biệt là ở các trường học, phải thế nào đây? Việc tặng hoa các thầy giáo, cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam đã trở thành truyền thống, chẳng lẽ đến ngày đó mà ở các trường học lại không có hoa tươi chúc mừng?
Nói như thế kể cũng không phải không có lý. Cuộc sống không thể thiếu hoa tươi. Và việc tặng hoa cho nhau nhân một sự kiện nào đó là nét đẹp văn hoá trong quan hệ xã hội. Ngay người thân trong một gia đình khi muốn thể hiện tình cảm, vẫn mua hoa tặng nhau nữa là. Chưa kể dân ta vốn có truyền thống “tôn sư trọng đạo”, vậy nên việc tặng hoa các thầy, các cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam càng là chuyện đương nhiên, đáng làm. Thế nhưng, nghĩ đi lại phải nghĩ lại; xung quanh cái việc tặng hoa cũng lắm chuyện để nói lắm. Trong nhiều trường hợp, hoa chỉ là cái cớ, là nơi để nấp “sâu” (tức là cái phong bì). Điều này đã trở thành một “tiền lệ”, đến mức cả người tặng lẫn người nhận dường như đều thấy bình thường, có gì phải áy náy(!). Một cô giáo đã bộc bạch trên blog của mình, rằng khi biết cô chỉ nhận “hoa sạch”, kiên quyết từ chối phong bì đi kèm của các em học sinh đến chúc mừng, ngay cả đồng nghiệp của cô cũng cho là cô… bị khùng! Bởi “chỉ là một vài trăm ngàn chứ nhiều nhặn gì đâu mà!”.
“Tôi không thể thanh thản khi biết rằng chỉ cần mình quay lưng bước đi, sẽ có tiếng xì xào, bàn tán của học trò: Lớp mày đi bao nhiêu?” - Cô tâm sự. Và rồi lại tự hỏi: “Có lẽ tôi đã khùng thật chăng, khi cứ khăng khăng muốn giữ những giá trị vô hình trong thời buổi tất cả các giá trị đang bị đo đếm bằng vật chất?”.
Từ tâm sự của một cô giáo tình cờ đọc được trên mạng, ngẫm lại thực tế hiện nay đúng là như vậy thật. Và xem ra việc Bộ GD-ĐT có chủ trương không nhận hoa chúc mừng nhân ngày Nhà giáo Việt Nam cũng có cái lý của nó. Đã đành đây là nét đẹp văn hoá, nhưng cái nét đẹp văn hoá ấy rất dễ bị “biến tướng”; mà cái sự “biến tướng” này thì lại rất khó kiểm soát, nên thôi thì đừng có còn hơn! Tất nhiên, điều đó có thể làm “chạm lòng” những người mang hoa đi chúc mừng với sự trong sáng, không vụ lợi… Nhưng còn có nhiều cách khác, không phải là tặng quà, để thể hiện tình cảm trân trọng, quý mến với các thầy, các cô mà! Và biết đâu, với nhiều nhà giáo (như cô giáo mà tôi nhắc đến ở trên), đó lại là tránh cho họ một sự khó xử!
Bộ GD-ĐT mới chỉ có chủ trương không tiếp khách, không nhận hoa chúc mừng nhân ngày Nhà giáo Việt Nam ở văn phòng Bộ. Kể ra, ở các sở, phòng, các trường học v.v.. cũng nên như vậy chăng?
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()