Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 29/11/2024 00:47 (GMT +7)
Hoà giải, chia sẻ ở cơ sở
Thứ 7, 16/11/2013 | 05:01:53 [GMT +7] A A
Khi có mâu thuẫn, tranh chấp giữa các gia đình, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, hoặc gia đình gặp hoạn nạn, rất cần sự quan tâm hoà giải, chia sẻ động viên của mọi người trong khu dân cư, của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ hoà giải ở cơ sở.
Thực tế hiện nay có nhiều mâu thuẫn nảy sinh trong cộng đồng dân cư, chủ yếu là những mâu thuẫn, tranh chấp về đất đai, về quan hệ hôn nhân gia đình và các mâu thuẫn, tranh chấp trong sinh hoạt. Nhiều mâu thuẫn không được giải toả và giải quyết đúng đắn, kịp thời đã dẫn đến những vụ giết người, tự tử, huỷ hoại tài sản của người khác... Không ít vụ việc nghiêm trọng, thương tâm xảy ra chỉ bởi những mâu thuẫn nhỏ, nhiều khi chỉ là mâu thuẫn về lời ăn, tiếng nói. Có những vụ việc sẽ không xảy ra, nếu có sự quan tâm kịp thời của gia đình, của hàng xóm láng giềng, của những người có trách nhiệm làm công tác xã hội ở cơ sở.
Công tác hoà giải ở cơ sở đã được tỉnh coi trọng. Tất cả 186 xã, phường, thị trấn của tỉnh đều có Ban Thanh tra nhân dân, 1.560 tổ hoà giải với 8.822 hoà giải viên. Thành phần tổ hoà giải ở cơ sở bao gồm trưởng thôn, bản, khu phố, người có uy tín, hội viên các đoàn thể ở cơ sở. Trong số các vụ việc tiếp nhận hoà giải, hoà giải thành đạt 77,1% vụ việc. Tuy nhiên, công tác hoà giải ở cơ sở cũng chưa thực sự nhanh nhạy nắm bắt diễn biến bất thường ở từng gia đình, ở từng khu dân cư có khả năng dẫn đến xung đột, để kịp thời quan tâm, động viên, giải toả.
Có những vụ việc ở cơ sở không được giải quyết kịp thời nên “chuyện bé xé ra to”, trở thành vụ việc phức tạp, kéo dài. Do đó, cấp uỷ, chính quyền các cấp cần quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác tiếp công dân và tập trung giải quyết nhanh, dứt điểm những vụ việc phát sinh ngay ở cơ sở.
Thực tế đang diễn ra, khi một gia đình xảy ra hoạn nạn, do mối quan tâm của các tổ chức ở cơ sở chưa kịp thời, đã tạo điều kiện cho các nhà “tâm linh” tiếp cận “tư vấn”. Vì vậy, những khó khăn, bối rối của những gia đình càng thêm chồng chất.
Giải quyết những mâu thuẫn ở cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở cần chú trọng cả vấn đề an ninh trật tự với vấn đề đời sống văn hoá. Tại cơ sở, thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” cũng chính là điều kiện đảm bảo an ninh trật tự.
Hoà giải mâu thuẫn, chia sẻ chuyện vui, chuyện buồn ở cơ sở cần được các cán bộ, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở thực sự coi trọng và tâm huyết tiến hành.
Nguyên Đan
Liên kết website
Ý kiến ()