Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 17/01/2025 00:53 (GMT +7)
Hoa hậu Lại Hương Thảo: "Tôi thích là một phụ nữ hiện đại..."
Chủ nhật, 09/03/2014 | 09:00:44 [GMT +7] A A
Sau khi đăng quang “Hoa khôi thể thao 2012”, Lại Hương Thảo tiếp tục tham dự cuộc thi Hoa hậu siêu quốc gia 2012 (Miss Supranational 2012), diễn ra tại Ba Lan và Hoa hậu thế giới Miss World 2013. Tại đêm chung kết Hoa hậu siêu quốc gia, Hương Thảo đã đoạt 2 giải phụ “Hoa hậu cộng đồng” và “Hoa hậu Siêu quốc gia châu Á”... Vừa qua, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chị.
- Chào Lại Hương Thảo, chị có thể cho biết chị bắt đầu đến với các cuộc thi sắc đẹp từ bao giờ được không?
+ Tôi bắt đầu với cuộc thi “Người đẹp Hạ Long” năm 2010. Nhưng chưa được giải gì cả (cười). Hồi đó tôi đang học cấp 3. Anh biết không, lúc đó vóc dáng tôi không lấy gì làm mảnh mai, hay nói thực là còn cục mịch lắm, không được như bây giờ đâu. Vì tôi vốn là cầu thủ bóng chuyền từ khi 14 tuổi mà. Năm 2012, tôi lại quay lại với cuộc thi “Người đẹp Hạ Long” với quyết tâm “ngã ở đâu đứng lên ở đó”. Thế là tôi lao vào quá trình luyện tập. Riêng chuyện giảm cân cho cơ thể bớt cơ bắp đi đã gian khổ rồi. Và tôi đã được giải nhì trong cuộc thi này. Đấy chính là động lực để tôi đi tiếp…
- Có động lực, sao chị lại từ chối cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm đó?
+ Đúng là sau đó mấy tháng tôi được lựa chọn để tiếp tục dự thi Hoa hậu Việt Nam. Ban đầu tôi nhận lời nhưng sau nghĩ lại, tôi từ chối để tập trung tham gia cuộc thi Hoa khôi thể thao. Tôi nghĩ, Hoa khôi thể thao là cuộc thi hợp với cá tính của tôi hơn. Có lẽ, tôi không quá nghiêng về một người phụ nữ dịu dàng, duyên dáng thuần Việt kiểu truyền thống được (cười). Tôi thích sự hiện đại và năng động, khoẻ mạnh. Cuộc thi Hoa khôi thể thao là một thử thách rất lớn với tôi. Lần này thì tôi may mắn hơn và đã đoạt giải nhất. Và sau đó, tôi được lựa chọn để sang Ba Lan dự thi Hoa hậu siêu quốc gia…
Lại Hương Thảo (bên phải) trong chương trình Motor show 2013. |
- Việc học của chị có bị ảnh hưởng nhiều bởi các cuộc thi?
+ Có chứ! Thậm chí là nó bị xáo trộn rất nhiều bởi các cuộc thi. Tôi mất rất nhiều thời gian cho việc chuẩn bị, tập luyện, lại còn phải di chuyển liên tục nữa. Đang học ở Hải Phòng, tôi phải chuyển hồ sơ vào học tại Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Mặc dù nhà trường đã tạo điều kiện nhưng tôi vẫn chưa hoàn thành được việc học trong thời gian đó. Trong năm 2014 này, tôi đã có những kế hoạch, định hướng riêng. Tôi sẽ trả nợ hết các môn chưa kịp học trong lúc đi thi...
- Theo chị làm thế nào để tạo ra được sự nổi bật giữa một “rừng người đẹp” khác, điều mà dường như chị đã làm rất tốt trong các cuộc thi?
+ Cố gắng cũng chỉ là một phần thôi. Vấn đề chính có lẽ là tự thân mình. Tôi tự nhận thấy mình là người dễ hoà đồng. Đơn cử như khi tham gia các cuộc thi quốc tế, dù khả năng tiếng Anh của tôi có khó khăn nhưng tôi vẫn tranh thủ nói chuyện, giao tiếp để học hỏi thêm. Bất cứ hoạt động tập thể nào tôi cũng tham gia hết mình. Chỗ nào cũng có mặt với phong cách riêng nên mọi người cảm nhận là tôi nổi bật thôi (cười). Quan trọng là phải tự tin, không tự tin có lẽ tôi đã chẳng dám đi thi hoa hậu…
- Sau những cuộc thi, chị nghĩ thế nào về thành công mà mình đã đạt được?
+ Với tôi, những danh hiệu mà mình đạt được, thú thực là trước đây chưa bao giờ nghĩ đến. Bố mẹ tôi cũng chỉ nghĩ là tôi học đại học xong rồi xin vào nhà nước sống cuộc sống công chức an nhàn như bao người bình thường khác. Không ngờ, tôi lại góp mặt trong các cuộc thi tầm cỡ quốc tế. Có lẽ cũng do cá tính thích mạo hiểm của tôi. Tôi không bao giờ hối hận về sự mạo hiểm của mình. Có những cuộc thi mang lại thành công, lại có cuộc thi mang lại cho tôi sự trải nghiệm quý giá. Và quan trọng nữa là sau các cuộc thi, tôi có thêm nhiều bạn bè hơn. Đây cũng là điều thú vị của cuộc sống mà không phải ai cũng có…
- Chị vừa nói là mang lại “nhiều sự trải nghiệm”… Áp lực khi bị dư luận “ném đá” có phải là một trong những trải nghiệm đó?
+ Đúng vậy. Đi thi hoa hậu về tôi chịu quá nhiều áp lực của dư luận. Nói thực lòng, để mà chê một ai đó thì quá đơn giản. Mọi người hãy đặt mình ở vào hoàn cảnh của tôi thì mới hiểu được tôi. Có thể nói, tôi là một người “chen ngang” trong các cuộc thi sắc đẹp. Thi Hoa hậu thế giới là một may mắn cho tôi. Nhưng sau đó là rất nhiều khó khăn. Nào là vấn đề kinh tế, xin tài trợ các đơn vị cực khó vì quan hệ của tôi còn hạn chế. Tôi đại diện cho cả một đất nước đi thi nhưng lại bằng tiền túi của mình. Đủ các chi phí đi lại, trang phục, tiền mua bản quyền để được thi v.v.. Thêm nữa là kỹ năng, tôi có thời gian quá ngắn để chuẩn bị. Cuộc thi có nhiều cái quá mới với một người không chuyên nghiệp như tôi. Tôi không có chút kỹ năng nào được đào tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp để tham gia cuộc thi tầm cỡ như vậy. Tôi buồn vì mọi người không kêu gọi tài trợ tôi mà ngồi đó chê trách đủ điều. Có thời gian tôi sợ không dám mở báo ra đọc vì kiểu gì cũng biết mình sẽ bị chê… Nhưng đó cũng không sao. Chịu đựng áp lực cũng là một thử thách để mình trưởng thành hơn!
- Theo chị, các cô gái Việt Nam khi ra các đấu trường sắc đẹp quốc tế còn chịu những thử thách nào nữa?
+ Cái này thì nhiều đấy. Tiêu chí dịu dàng và duyên dáng quen thuộc ở Việt Nam cũng chỉ là một khía cạnh thôi. Tôi thấy tiêu chí mà đấu trường quốc tế họ đánh giá, ngoài vẻ đẹp ra còn kỹ năng sống, cá tính, thông minh, tinh tế và cả sự hoà nhập thế nào nữa. Đôi khi, người dịu dàng quá lại hay khép kín, thiếu hoà nhập. Về ngoại hình rõ ràng mình không thua kém nhưng mình thiếu rất nhiều kỹ năng. Việt Nam thiếu một sự đào tạo bài bản. Cái này chúng ta cần phải chú trọng đầu tư. Mỗi đất nước lại có một tiêu chí tuyển lựa cuộc thi sắc đẹp khác nhau. Ở mình vẫn là đi thi kiểu “xen ngang” như tôi là nhiều. Đang học thì đi thi. Đạt giải thì tuyển đi thi tiếp. Thừa ý chí nhưng thiếu chuyên nghiệp…
- Chọn học ngành kinh tế chứ không theo con đường người mẫu có phải vì chị sợ sự thiếu chuyên nghiệp?
+ Cũng không hẳn. Trước kia tôi có đam mê nghệ thuật. Nhưng khi tôi học hết phổ thông, bố mẹ không đồng ý đi theo con đường nghệ thuật. Tôi còn sở thích khác là đếm tiền, thích những con số. Mà tiền thì ai không thích nhỉ (cười). Ban đầu tôi học cũng mong muốn sau này mở công ty, kinh doanh một cái gì đấy. Học kế toán kiểm toán biết đâu mình sẽ kiểm soát đồng tiền của mình tốt hơn. Tôi cũng thích trải qua nhiều thể nghiệm. Tôi đã từng làm lễ tân, làm diễn viên, làm MC, làm phát thanh viên, thời trang, quảng cáo. Tôi tự thấy mình có khả năng về dịch vụ ăn uống, chưa đầu tư nhiều về hình ảnh nhưng thấy cũng có duyên với showbiz. Nhưng có thể tôi sẽ quay về quê hương để làm việc. Tôi được sinh ra và lớn lên ở Quảng Ninh. Tôi đã quen với nhịp sống ở đây rồi. Nó không quá bon chen, ngột ngạt. Khi nào tính đến chuyện ổn định công việc, lập gia đình thì tôi nghĩ quê hương vẫn là lựa chọn số một. Tôi đang học MC, đã từng đóng phim. Chưa biết cuối cùng sẽ “neo” ở “bến đậu” nào vì nhiều dự định. Và cũng hay thay đổi lắm. Nhiều lúc tôi tin rằng, nghề chọn mình chứ mình làm sao chọn được nghề. Mọi thứ còn tuỳ vào cơ duyên của mình nữa…
- Chị đã từng vào vai một nữ nhân vật trong bộ phim “Gác kiếm”, vai diễn này có hợp với cá tính của chị?
+ Nhân vật mà tôi đảm nhiệm là một sinh viên khoa Đạo diễn xinh đẹp, 30 tuổi nhưng có số phận éo le. Cô bị mẹ bỏ rơi từ khi mới một tháng tuổi. Sau đó, cô được một người đàn ông nhận về nuôi dưỡng ăn sung mặc sướng. Nhưng một ngày lớn lên, cô mới nhận ra cha nuôi vốn là một trùm xã hội đen. Bất ngờ hơn nữa, người mẹ của cô giờ cũng lại là một mafia. Cô trở thành một con tin trong cuộc đấu trí giữa hai băng đảng. Mẹ cô uy hiếp cha nuôi cô bằng cách bắt cóc cô. Khi tra tấn xong mới nhận ra con mình qua vết bớt. Trong cuộc giao tranh giữa hai phe, cô đã lao ra hứng chịu vết dao thay cho bố… Nói thế nào nhỉ? Có lẽ cá tính của nhân vật cũng không hợp với tôi lắm…
- Chị tham gia đóng phim dù chưa được đào tạo về diễn xuất, điều này có khó khăn nhiều không?
+ Nói thật là lần đầu đóng phim nhưng tôi không thấy quá bỡ ngỡ. Có lẽ cũng là một “cái duyên” như anh nói chăng? Đạo diễn mời và động viên tôi thử vai phim. Tôi nhận lời và đến gặp đạo diễn. Đạo diễn đưa cho kịch bản bảo đọc qua rồi bắt khóc. Tôi được đưa vào phòng kín ngồi nghĩ vẩn vơ một lát. Sao mà khóc khi đang vui đây? Có chuyện gì buồn đâu mà nghĩ đến. Tôi băn khoăn. Tôi tập trung nhìn vào một điểm lấy tâm trạng và rồi cũng khóc ngon lành (cười). Thế là được nhận vào đóng phim thôi. Anh biết đấy, tôi có được học qua trường lớp điện ảnh đâu, chỉ diễn chủ yếu theo cảm xúc. Nếu được học diễn xuất có lẽ tôi sẽ làm tốt hơn chăng…
- Xin được hỏi thêm chị một câu. Chị nghĩ sao về khả năng tham gia và giành chiến thắng trong các cuộc thi sắc đẹp quốc gia, quốc tế của con gái Quảng Ninh hiện nay?
+ Mỗi nơi có một điểm mạnh riêng. Quảng Ninh thiếu đi lợi thế phát triển các cuộc thi sắc đẹp như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh. Ở đâu cũng cần phải có đất diễn, đất dụng võ thì mới phát triển được. Đã vào guồng rồi thì phải cố gắng vươn lên thôi. Nếu không thì mình sẽ bị cuộc sống đào thải… Quảng Ninh có rất nhiều người đẹp, một nét đẹp có cá tính, dễ khiến người ta nhớ lâu. Về ngoại hình con gái quê mình không chê vào đâu được. Nhưng những bạn theo nghề này còn thiếu đi môi trường chuyên nghiệp. Thêm nữa, họ chưa ý thức hết về thế mạnh vốn có của mình. Cần có những người mạo hiểm, dấn thân tiên phong. Nhưng cũng không sao cả, mỗi cuộc thi còn có sự may mắn nữa. Chẳng ai chắc chắn thành công thì mới tham gia một cuộc thi cả…
- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()