Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:14 (GMT +7)
Hoạt động ngân hàng đảm bảo ổn định
Thứ 4, 26/10/2022 | 13:57:49 [GMT +7] A A
Bám sát chỉ đạo, điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo giữ ổn định, thông suốt, cung ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn cho nền kinh tế địa phương.
Trong 9 tháng năm 2022, trước bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến khó lường và nền kinh tế trong nước vẫn chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã triển khai kịp thời, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp nhằm giữ ổn định mặt bằng lãi suất, mở rộng tín dụng hợp lý đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng. Trong đó, các ngân hàng tập trung vốn sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; đơn giản hóa các thủ tục về tín dụng và dịch vụ ngân hàng; cắt giảm tối đa các loại chi phí để có nguồn lực tiếp tục giảm lãi suất cho vay; tích cực triển khai các gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tổ chức kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và tiếp tục thực hiện cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với đẩy mạnh xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh.
Theo thống kê của NHNN Chi nhánh Quảng Ninh, tổng doanh số cho vay trên địa bàn tỉnh lũy kế 9 tháng năm 2022 đạt trên 240.000 tỷ đồng (tăng 35% so cùng kỳ năm 2021); dư nợ tín dụng đến 30/9 đạt gần 160.200 tỷ đồng (tăng 10,1% so với 31/12/2021 và tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2021). Nguồn vốn tín dụng ngân hàng cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn chính đáng của người dân, doanh nghiệp phục vụ sản xuất, kinh doanh, phù hợp tiến trình phục hồi của nền kinh tế sau ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên, dự án trọng điểm, khu vực kinh tế ngoài nhà nước, phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Xác định những khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, ngành Ngân hàng Quảng Ninh đã vào cuộc sớm, chủ động, linh hoạt triển khai các giải pháp cấp bách về tín dụng, lãi suất, chính sách giảm phí thanh toán... để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn. Qua đó, được nhiều tổ chức, doanh nghiệp người dân đánh giá là kịp thời và đã phát huy hiệu quả.
Tính đến hết tháng 9/2022, dư nợ tín dụng phân theo ngành, thành phần, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng cụ thể như sau: Dư nợ cho vay ngắn hạn với lãi suất ưu đãi đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) đạt trên 20.500 tỷ đồng (tăng 8,5% so với 31/12/2021 và chiếm 25,6% tổng dư nợ ngắn hạn của các ngân hàng).
Dư nợ cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh đạt trên 129.000 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 80,5% dư nợ, tăng 9,2% so với 31/12/2021). Đáng lưu ý, dư nợ cho vay công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 11.300 tỷ đồng (tăng 2.100 tỷ đồng, tăng 22,7% so với 31/12/2021 và gấp 2,2 lần tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn địa bàn). Việc dòng vốn tín dụng có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có sự phát triển nhanh và bền vững.
Đối với dư nợ cho vay thành phần kinh tế nhà nước là 20.250 tỷ đồng (chiếm 12,6% dư nợ, giảm 9,3% so với 31/12/2021, giảm 2,7% về tỷ trọng so với 31/12/2021). Dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa là 23.955 tỷ đồng, (chiếm 14,9% dư nợ, tăng 2,4% so với 31/12/2021). Dư nợ cho vay lĩnh vực tiêu dùng là 38.007 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 23,7% dư nợ).
Đặc biệt, đầu tháng 10 vừa qua, trước những thông tin tiêu cực về Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), NHNN Chi nhánh Quảng Ninh đã ngay lập tức theo dõi sát tình hình, chỉ đạo SCB Quảng Ninh và các phòng giao dịch áp dụng các biện pháp cần thiết, như: Ổn định tâm lý cán bộ, nhân viên; bố trí cán bộ, nhân viên tiếp đón, tuyên truyền, giải thích cho khách hàng; đề nghị khách hàng bốc số đăng ký giao dịch nhằm kéo giãn, tránh tập trung đông người tại điểm giao dịch; phân loại khách hàng để bố trí địa điểm giao dịch, tránh tình trạng kích động đám đông; chủ động rà soát các nguồn lực, cân đối để sớm báo cáo Hội sở chính chuyển vốn, đảm bảo khả năng thanh toán hàng ngày và NHNN Chi nhánh Quảng Ninh đáp ứng vốn bằng tiền để chi trả; chủ động báo cáo cơ quan chức năng để hỗ trợ xử lý đối với các trường hợp quá khích hoặc có hành vi kích động, lôi kéo làm mất an ninh trật tự trên địa bàn. Đến nay, NHNN và SCB Quảng Ninh đã đảm bảo chi trả đầy đủ cho tất cả các khách hàng đến giao dịch tại 4 điểm kinh doanh của SCB Quảng Ninh; chưa xuất hiện các trường hợp khách hàng quá khích, kích động phải đề nghị hỗ trợ xử lý. Hiện hoạt động của SCB trên địa bàn tiến triển tốt, số khách hàng và số tiền chi trả đã giảm dần, giảm áp lực căng thẳng về thanh khoản của đơn vị.
Trong thời gian tới, NHNN Chi nhánh Quảng Ninh tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ phục hồi kinh tế; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro; cân đối nguồn vốn để cho vay các dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả; tăng cường công tác truyền thông về các chương trình tín dụng, về các điều kiện, thủ tục để doanh nghiệp, người dân hiểu và tiếp cận vốn ngân hàng.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()