Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:13 (GMT +7)
Học giả quốc tế tái khẳng định giá trị của phán quyết PCA về Biển Đông
Chủ nhật, 11/07/2021 | 07:15:08 [GMT +7] A A
Các học giả quốc tế tái khẳng định giá trị phán quyết của Tòa Trọng tài PCA năm 2016 trong hội thảo được tổ chức trước thềm kỷ niệm 5 năm phán quyết về Biển Đông.
Ngày 9/7/2021, Viện Á - Phi thuộc Đại học Hamburg (Đức) tổ chức hội thảo lần thứ tư về Biển Đông nhân dịp 5 năm Tòa trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết về Biển Đông (ngày 12/7/2016). Do đại dịch COVID-19, hội thảo lần này được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Giáo sư Thomas Engelbert (Đại học Hamburg) - người chủ trì hội thảo, đánh giá: "Từ sau khi phán quyết của Tòa trọng tài PCA ra đời, tình hình Biển Đông tiếp tục có nhiều diễn biến căng thẳng trên thực địa; các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế tiếp tục diễn ra khiến nhiều nước lên tiếng phản đối; quá trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc liên tục bị trì hoãn và đến nay vẫn chưa thể hoàn thành".
Theo ông Engelbert, thời gian qua, Mỹ đã chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong khi Liên minh châu Âu (EU) và nhiều quốc gia thành viên cũng thể hiện sự quan tâm tới khu vực này, ban hành các chiến lược riêng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Vị giáo sư cho biết trước những căng thẳng trên Biển Đông và yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền trên vùng biển này, hồi đầu năm, Nhật Bản gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc, chính thức bác bỏ yêu sách này. Các tuyên bố tương tự đã được các nước như Anh, Pháp, Đức, Malaysia, Australia, New Zealand, Indonesia, Việt Nam, Philippines và Mỹ đưa ra.
"Những tuyên bố như vậy chứng tỏ cộng đồng quốc tế hết sức chú ý tới Biển Đông, thể hiện mong muốn về một vùng biển an toàn, ổn định, đảm bảo tự do hàng hải. Đồng thời, cộng đồng quốc tế cũng luôn đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, phản đối mạnh mẽ những hành động vi phạm Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và phán quyết của Tòa Trọng tài PCA", ông nói.
Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư Suzette Suarez - Đại học Khoa học ứng dụng Bremen, khẳng định: "Phán quyết của Tòa Trọng tài là văn bản pháp lý có giá trị quốc tế cao, có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp cũng như phân định các giới hạn bên ngoài của thềm lục địa ở Biển Đông. Việc phân định các giới hạn của thềm lục địa là một thủ tục ràng buộc và bắt buộc trong UNCLOS. Theo luật pháp quốc tế và phán quyết của Tòa Trọng tài PCA, “Đường chín đoạn” cũng như những yêu sách chủ quyền trên Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố hoàn toàn không có giá trị pháp lý".
Cùng quan điểm với Giáo sư Suzette Suarez, tham luận của các chuyên gia tham dự hội thảo cũng đánh giá cao phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài PCA, cho rằng phán quyết là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông, đồng thời cho rằng các bên liên quan cần tôn trọng luật pháp quốc tế, không có hành động làm phức tạp tình hình.
Nói về vai trò của châu Âu trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông, Tiến sỹ, nhà báo Rodion Ebbighausen- truyền hình Deutsche Welle (Đức), cho biết thời gian qua, 3 quốc gia thuộc EU là Pháp, Đức và Hà Lan đã ban hành chiến lược quốc gia về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tiếp sau đó, tháng 4/2021, Hội đồng châu Âu đã công bố Chiến lược hợp tác của EU ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tất cả các văn kiện này đều đề cập tới Biển Đông và đề cao luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Quan điểm của EU là theo đuổi cách tiếp cận đa phương và bao trùm trong việc giải quyết vấn đề này, trong đó sử dụng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Hội thảo về Biển Đông lần này nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận quốc tế. Ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã khẳng định và làm sáng tỏ thêm vị trí, vai trò của UNCLOS trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông, đồng thời một lần nữa khẳng định giá trị phán quyết của Tòa Trọng tài PCA năm 2016.
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()