Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:37 (GMT +7)
Học sinh sáng tạo nhiều sản phẩm thực tiễn
Thứ 4, 19/05/2021 | 07:00:00 [GMT +7] A A
Tham gia cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Quảng Ninh, nhiều “nhà khoa học nhí” đã thể hiện năng lực sáng tạo của mình gắn với việc tham gia giải quyết các vấn đề bất cập, nổi cộm của đời sống xã hội như: Bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế… Nhiều mô hình, giải pháp đã được đánh giá cao và có giá trị nhân rộng.
Tại Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Quảng Ninh lần thứ VI (sẽ được tổng kết trao giải trong quý II này), thông qua 41 mô hình, sản phẩm của học sinh các trường Tiểu học, THCS, THPT tại vòng chung kết cấp tỉnh đã xuất hiện nhiều sáng tạo có tính ý nghĩa thiết thực cao.
Tiêu biểu như: Mô hình nhà tự nổi của học sinh Trường THCS Trưng Vương (TP Uông Bí); Máy sản xuất thức ăn sinh học của học sinh Trường THPT Bạch Đằng (TX Quảng Yên); Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý đánh giá tiềm năng và giải pháp phát triển cây trà hoa vàng tại Quảng Ninh của học sinh Trường THPT Uông Bí (TP Uông Bí)…
Đề tài “Nghiên cứu xử lý mai mực tạo chế phẩm kháng khuẩn bằng phương pháp sinh học ứng dụng trong bảo quản thực phẩm” của Cao Mạnh Hùng và Vũ Đức Minh, học sinh Trường THPT Uông Bí, cũng là một trong những sáng tạo như thế.
Nhận thấy Quảng Ninh là tỉnh có nhiều lợi thế về đánh bắt thủy hải sản, hằng năm lượng lớn chất thải là phế phụ phẩm của quá trình chế biến, trong đó có mai mực thải ra môi trường, gây lãng phí và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Từ thực tế đó, 2 em đã nghiên cứu tận dụng mai mực để chế tạo ra một loại chất bảo quản mới an toàn bằng phương pháp sinh học trong việc bảo quản thực phẩm.
Sau một quá trình nghiên cứu, các em đã tạo được hỗn hợp bột mai mực có khả năng kháng khuẩn bằng phương pháp sinh học (lên men) và bước đầu ứng dụng chế phẩm bột mai mực trong bảo quản miến dong Bình Liêu.
Hay như thiết bị tự động cho tôm, cá ăn của em Lê Đức Anh, Trường THCS Chu Văn An, TP Cẩm Phả. Qua những lần được đi tham quan, trải nghiệm khu nuôi thủy, hải sản, Đức Anh thấy được khi cho cá ăn, hầu hết người dân đều sử dụng các dụng cụ thô sơ như bát, xẻng để xúc từng bao thức ăn xuống từng ao nuôi.
Công việc này mất khá nhiều thời gian khi diện tích nuôi trồng lớn và rất vất vả, nặng nhọc, đặc biệt là vào những ngày hè, thời tiết nóng, oi bức. Từ đó, em đã nảy sinh ý tưởng sáng tạo một thiết bị có thể tự động cho tôm, cá ăn, giúp người dân tiết kiệm công sức, thời gian.
Qua tìm hiểu, tham khảo và nghiên cứu, vận dụng những kiến thức có được từ các bài học, Lê Đức Anh đã cho ra đời chiếc máy cho cá ăn tự động với thiết kế đơn giản, hữu ích. Máy gồm hệ thống phễu, máng ăn, phao và giá đỡ được lắp mô tơ để thiết bị chạy trên mặt nước.
Điều đặc biệt của thiết bị này là có thể kết nối với điện thoại thông minh, người dân có thể kiểm soát được lượng thức ăn và điều khiển máy móc di chuyển.
Theo đánh giá từ Ban Tổ chức Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Quảng Ninh, qua các kỳ tổ chức, Cuộc thi đã thu hút được sự tham gia của đông đảo các bạn trẻ có niềm đam mê khoa học với nhiều sáng tạo, giải pháp, mô hình có hàm lượng khoa học cao.
Hầu hết các giải pháp sáng tạo khoa học của các em đều xuất phát từ sự quan sát hiện tượng, vấn đề xảy ra trong cuộc sống được học sinh tìm tòi nghiên cứu, vận dụng lý thuyết của các môn học trong nhà trường để đi tìm lời giải cho những hiện tượng, vấn đề đó. Đặc biệt, nhiều mô hình, sản phẩm của các em đã bám sát và hướng đến giải quyết những vấn đề cấp bách của xã hội.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()