Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:38 (GMT +7)
Học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy
Thứ 3, 20/07/2021 | 18:29:40 [GMT +7] A A
Ngày 20/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 23/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo công tác quốc phòng, quân sự địa phương giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 23/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo công tác đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh ở các xã, thôn bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự và chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.
Hội nghị đã nghe Đại tá Lê Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quán triệt Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 23/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác quốc phòng, quân sự địa phương giai đoạn 2021-2025 và Quyết định 284-QĐ/UBND ngày 17/6/2021 của UBND tỉnh về ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 03; Đại tá Nguyễn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh quán triệt Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 23/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo công tác đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 04.
Hội nghị cũng nghe đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh quán triệt Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành "Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Với phương châm mọi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, trong 5 năm 2015-2020, tỉnh đã ban hành 19 chính sách riêng có về an sinh, phúc lợi xã hội, qua đó, khuyến khích người nghèo, người dân ở vùng khó khăn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu, nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh.
Tiếp tục thể hiện sự quan tâm lớn đối với địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, ngày 17/5/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06. Đây là một trong 15 đề án và chương trình trọng điểm trong nhiệm kỳ 2020-2025 được xác định tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XV, qua đó góp phần thực hiện khâu đột phá về phát triển văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh. Mục tiêu đề ra là đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng, miền; cải thiện rõ rệt và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu đồng bộ đảm bảo liên thông, tổng thể. Phát triển toàn diện y tế, giáo dục, đào tạo gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập; giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào DTTS; khơi dậy tinh thần tự lực và ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng; tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, củng cố và nâng cao niềm tin của đồng bào với Đảng, chính quyền. Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.
Nghị quyết tập trung vào 7 giải pháp trọng tâm, trong đó, tập trung phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; tổ chức lại sản xuất vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa; lấy công nghiệp, dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp, lấy đô thị dẫn dắt nông thôn; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; thực hiện tốt chính sách an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội ở vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Cũng tại Kỳ họp HĐND tỉnh thứ hai vừa qua, đã ban hành Nghị quyết phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh ở xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng tới năm 2030. Theo đó, hàng năm tỉnh dành khoảng 3% tổng chi ngân sách địa phương không bao gồm cải cách tiền lương, dự phòng ngân sách, nguồn trả nợ, lương và các khoản tính chất như lương để thực hiện chương trình. Như vậy, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh sẽ dành khoảng 4.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình này, trong đó chưa kể các nguồn lực huy động hợp pháp khác.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Tỉnh Quảng Ninh được xác định có vị trí trọng yếu về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của phía Bắc và cả nước. Trong bối cảnh tình hình khu vực, thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhất là đại dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp đến mọi hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, bài học kinh nghiệm quý đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đúc rút, đó là phải giữ vững khu vực biên giới, hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác cùng phát triển; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Với mục tiêu đặt ra là tuyệt đối không để xảy ra đột xuất, bất ngờ; giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, chủ quyền an ninh biên giới; giữ vững biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, phát triển; giữ vững môi trường, ổn định phát triển kinh tế - xã hội; phát triển để an ninh, an ninh để phát triển, an ninh trong phát triển với phương châm ổn định – kế thừa – đổi mới – phát triển, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cần quán triệt tốt quan điểm: Tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ; trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Tỉnh luôn xác định an ninh chính trị, an ninh biên giới, lãnh thổ là trụ cột; an ninh kinh tế là trung tâm; an ninh văn hóa, tư tưởng, truyền thông là chốt chặt hàng đầu. Vì vậy, giải pháp trọng yếu là phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu các cấp; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước tới sự nghiệp quốc phòng an ninh cũng như công tác quốc phòng quân sự địa phương và nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác, trách nhiệm của người dân và toàn xã hội với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, đối ngoại với an ninh quốc phòng trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Phải chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang của tỉnh có sức chiến đấu cao. Tăng cường cơ chế phối hợp giữa các lực lượng, các cấp các ngành xử lý các vấn đề nảy sinh, trong nhận diện đánh giá tình hình.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành, lực lượng thể hiện quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phát huy mọi nguồn lực theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, từ xa, từ sớm, từ cơ sở để tổ chức thực hiện các nghị quyết. Ngay sau hội nghị này, cấp ủy các địa phương, đơn vị chỉ đạo phổ biến, quán triệt, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết đạt mục tiêu, chỉ tiêu chung thật hiệu quả.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()