Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 02:37 (GMT +7)
Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2024: Tạo đột phá vì mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thời kỳ mới
Thứ 7, 09/11/2024 | 08:50:48 [GMT +7] A A
Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) toàn quốc được Bộ LĐ-TB&XH tổ chức 3 năm một lần nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và sự nghiệp GDNN nước ta. Từ đó hướng tới tạo đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tiếp nối tinh thần ấy, hội giảng năm nay được tỉnh Quảng Ninh đăng cai tổ chức đã và đang diễn ra thuận lợi, thành công về mọi mặt, để lại những ấn tượng đẹp.
Nơi gặp gỡ những nhà giáo tâm huyết
Những ngày mùa thu tháng 11, cả nước hướng về kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 với tình cảm tri ân, tôn vinh những người thầy trong vai trò dạy chữ, rèn người. Và đây cũng là thời điểm Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2024 đang diễn ra tại tỉnh Quảng Ninh. Có 462 nhà giáo đến từ 68 đoàn của 61 địa phương trong cả nước và 7 bộ, ngành Trung ương đã cùng tề tựu trong ngày hội lớn của ngành GDNN. Đây là diễn đàn chuyên nghiệp nhất, tổ chức ở quy mô quốc gia để các nhà giáo thể hiện năng lực chuyên môn, bản lĩnh sư phạm được trau dồi qua quá trình học tập, rèn luyện đầy kiên trì, say mê, hiệu quả.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Trang tự tin bước vào Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2024 với bài giảng về thiết lập lệnh điều khiển thiết bị nhà thông minh theo kịch bản trên phần mềm smartphone. Dù có thâm niên 18 năm công tác tại Khoa Điện, Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng Quảng Ninh, chị Trang không hề chủ quan khi tham gia sân chơi lần này, mà đã có sự dày công chuẩn bị trong suốt nhiều tháng. Điều này đã được thể hiện qua phần trình giảng mà các thành viên Ban giám khảo ghi nhận, đánh giá rất cao, khi vừa thể hiện trình độ chuyên môn vững, kiến thức truyền đạt chính xác, vừa có cập nhật, bổ sung những kiến thức mới về thực tế của ngành, nghề. Đặc biệt là kỹ năng thao tác thuần thục, tích hợp giảng bài bằng công nghệ số và thực hành trực tiếp...
Chị Trang cho biết: “Có lẽ không chỉ riêng tôi, mà các nhà giáo tham gia hội giảng này đều trong tâm thế sẽ được học hỏi thêm nhiều kiến thức quý báu từ các đồng nghiệp, cả những góp ý tận tình và chân thành từ Ban giám khảo. Những điều bổ ích và lý thú này sẽ giúp tôi nâng cao trình độ và có phương pháp giảng dạy hiệu quả hơn trong thời gian tới. Và mong rằng tinh thần học tập không ngừng này cũng sẽ truyền cảm hứng cho các thế hệ học trò của tôi...”.
Cô giáo Quách Thùy Linh (SN 2000), giảng viên Trường Trung cấp nghề tổng hợp Hà Nội, là một trong những thí sinh trẻ tuổi nhất tham gia hội giảng lần này tại Quảng Ninh. Dù vậy, chị vẫn hoàn toàn thuyết phục được Ban giám khảo nhờ phong thái tự tin, cùng một phần trình giảng về kỹ thuật may thời trang được xây dựng chặt chẽ, thuyết phục, lôi cuốn. Điểm nhấn tạo ấn tượng nhất trong bài giảng là việc giáo viên đã khai thác có hiệu quả hệ thống máy tính bảng xuyên suốt tiết học, trở thành kênh kết nối và chia sẻ dữ liệu học phong phú giữa thầy và trò, giúp tiết học thêm sinh động và kiến thức dễ tiếp thu hơn.
“Tôi đã luôn được lãnh đạo nhà trường, các đồng nghiệp và học trò của mình cổ vũ, động viên, hỗ trợ rất nhiều nên mới có thể hoàn thành trọn vẹn phần trình giảng của mình. Là một giáo viên trẻ, tôi thật sự trân trọng những trải nghiệm quý báu có được từ hội giảng lần này. Đây sẽ là hành trang để tôi ngày càng trưởng thành, vững vàng hơn trong nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn để gắn bó lâu dài...” - cô giáo Quách Thùy Linh chia sẻ.
Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2024 được tổ chức từ ngày 4/11 đến 10/11 tại địa điểm là Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam phân hiệu Đào tạo Hoành Bồ và Trung tâm Đào tạo - Sát hạch lái xe (TP Cẩm Phả). Từ gần 82.000 thầy cô giáo của trên 1.500 cơ sở GDNN cả nước, lựa chọn ra 462 nhà giáo tiêu biểu xuất sắc tham gia trình giảng tại sự kiện cấp quốc gia. Tề tựu tại sân chơi lớn này, những người đồng nghiệp tài giỏi và tâm huyết từ khắp các vùng miền có dịp kết nối, giao lưu, học hỏi lẫn nhau trong bầu không khí nghiêm túc, chân thành và cầu thị. Những bài trình giảng hay, chất lượng cao tại hội giảng đã chứng minh cho nỗ lực ấy của đội ngũ nhà giáo GDNN cả nước.
Tăng quy mô, nâng chất lượng
Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc qua các lần tổ chức đều nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn của các cấp, ngành và toàn thể xã hội. Bởi thông qua hoạt động này, nhiều ý nghĩa nhân văn to lớn được lan tỏa, như: Thu hút sự chú ý toàn xã hội về vai trò quan trọng, năng lực thực chất ngày càng tiến bộ của hệ thống GDNN Việt Nam; thu hút sự ưu tiên, đầu tư, quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành cho sự nghiệp GDNN; tạo động lực thúc đẩy thi đua dạy tốt, học tốt trong GDNN, góp phần vào nhiệm vụ đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục và đào tạo... Đó cũng là cách để ngành GDNN tự tin khẳng định quyết tâm không dừng lại với thành tựu đạt được, mà luôn nỗ lực để đổi mới hơn nữa.
Kế thừa tinh thần đó, hội giảng năm nay lựa chọn thông điệp xuyên suốt là “Gương mẫu - Sáng tạo - Số hóa - Hội nhập”, gắn liền với hàng loạt sự đổi mới, sáng tạo trong các khâu tổ chức, triển khai. Theo đó, lần tổ chức này đã đón nhận số lượng nhà giáo và cổ động viên lớn nhất từ trước đến nay, với khoảng trên 3.000 người, đến từ 266 cơ sở GDNN trên cả nước (gồm 213 trường cao đẳng, 45 trường trung cấp, 7 trung tâm và 1 doanh nghiệp). Hội giảng cũng có số lượng ngành, nghề trình giảng đa dạng, thuộc 116 ngành, nghề khác nhau, trong đó có nhiều ngành, nghề có nhu cầu nhân lực lớn, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Nhóm nghề có nhiều tiểu ban nhất là điện - điện tử - điện lạnh với 78 bài; nhóm sức khỏe (gồm: Dược, điều dưỡng, hộ sinh, y học) với 69 bài... Đây cũng là kỳ hội giảng có số lượng bài trình giảng thực hành và tích hợp nhiều nhất từ trước đến nay, với 416/462 bài, tức là chiếm hơn 90% tổng số bài tham gia.
Với quy mô dự thi như vậy, Ban Tổ chức đã chia ra thành 25 tiểu ban theo từng nhóm ngành, nghề; huy động số lượng ban giám khảo lên đến 80 người. Để mang tới những đánh giá công tâm nhất, đội ngũ giám khảo cũng đã rất nỗ lực trong suốt quá trình làm việc để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Đó cũng là quan điểm của Tiến sĩ Trần Xuân Thảnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định, khi đảm nhận vai trò “cầm cân nảy mực” tại hội giảng năm nay. Anh cho biết: “Chúng tôi tham gia các tiểu ban, các khu vực trình giảng với sự bố trí ngẫu nhiên, không biết trước. Rồi việc công bố điểm của thí sinh cũng được thực hiện công khai ngay sau từng phần thi... Tất cả đều để đảm bảo tính công bằng, minh bạch cao nhất, tránh mọi sai sót, nhầm lẫn hoặc dấu hiệu tiêu cực nào có thể xảy ra”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Mạnh, giảng viên cao cấp Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, cho biết thêm: “Là giám khảo trực tiếp chấm điểm các phần trình giảng tại tiểu ban Cơ khí, tôi thực sự ấn tượng với sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc của các đơn vị tham gia. Những thiết bị, giáo cụ mà các nhà giáo tự chuẩn bị đều rất thẩm mỹ, có tính trực quan cao. Việc tích hợp các thiết bị công nghệ điện tử, phần mềm và ứng dụng chuyển đổi số... được đa số nhà giáo chú trọng. Đó là những yếu tố mà tôi và nhiều thành viên giám khảo đánh giá, cho điểm số cao”.
Những tiêu chí đánh giá, ý kiến nhận xét của giám khảo không chỉ dừng lại ở khuôn khổ hội giảng này, mà sẽ là định hướng lâu dài để các nhà giáo nỗ lực đổi mới chính mình ngày càng tốt hơn. Nhất là đón đầu xu hướng dạy học theo phương pháp tích hợp, ứng dụng phương tiện dạy học hiện đại trong thời kỳ chuyển đổi số toàn diện; chú trọng đào tạo nâng cao kỹ năng thực hành thường xuyên... Sau hội giảng, các cơ sở GDNN cũng đánh giá được năng lực giảng dạy thực tế của đội ngũ nhà giáo, là căn cứ để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng mũi nhọn; có giải pháp khuyến khích phong trào thi đua dạy tốt lan tỏa sâu rộng.
“Chủ nhà” chuyên nghiệp và nồng hậu
Trước những cơ hội và thách thức mà thời đại đang đặt ra, đòi hỏi GDNN nước nhà cần đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh, bám sát các quy hoạch, dự báo về việc làm, nhu cầu nguồn nhân lực của nền kinh tế trong từng giai đoạn. Để phù hợp với đòi hỏi bức thiết về nâng cao chất lượng GDNN, đặc biệt là đào tạo chất lượng cao, Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư cũng đã nhấn mạnh nhiệm vụ, giải pháp: “Đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bảo đảm học đi đôi với hành; nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN theo hướng hiện đại, chất lượng cao, tiếp cận chuẩn của các nước tiên tiến”. Về cơ bản, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách đối với nhà giáo GDNN đã được ban hành, tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo GDNN. Như vậy, chuẩn hóa chất lượng đội ngũ nhà giáo đóng vai trò then chốt, quyết định trong công tác phát triển GDNN, cũng chính là hướng tới thực hiện thành công chủ trương của Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.
Tỉnh Quảng Ninh vinh dự được đảm nhận trọng trách đăng cai tổ chức hội giảng năm 2024 và tự tin hoàn thành tốt nhiệm vụ này. Bởi thực tế những năm qua, tỉnh đã luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN, góp phần đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong thời kỳ mới. Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với nhanh chóng tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh là khâu đột phá, cấp bách. Quảng Ninh cũng nói không với các cơ sở GDNN chất lượng thấp; tập trung phát triển các cơ sở GDNN và chương trình đào tạo chất lượng cao theo chuẩn quốc tế. Những năm qua, tỉnh chú trọng mở rộng các mô hình cơ sở đào tạo, dạy nghề chất lượng cao, ưu tiên lĩnh vực ngành nghề đang thiếu, tạo dựng chuỗi liên kết lao động sau đào tạo với doanh nghiệp. Đồng thời khuyến khích khu vực tư nhân và doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực chất lượng cao; gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, đào tạo, với nhu cầu của thị trường lao động...
Cùng với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Bộ LĐ-TB&XH cùng các cấp, ngành, Quảng Ninh đã cho thấy rõ sự chuyên nghiệp, tinh thần nồng hậu của đơn vị “chủ nhà”. Nhất là khi so với mọi năm, hội giảng lần này có những đòi hỏi cao hơn cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị... để các nhà giáo thể hiện được tài năng sư phạm, trình độ kỹ năng nghề, năng lực chuyển đổi số của mình. Càng phải nói tới việc Quảng Ninh vừa trải qua sự tàn phá của cơn bão số 3 với nhiều thiệt hại nặng nề, nhưng cả hệ thống chính trị vẫn quyết tâm cao độ, nỗ lực ngày đêm khắc phục hậu quả của mưa bão, đáp ứng yêu cầu, điều kiện tốt nhất để hội giảng diễn ra đúng kế hoạch, chất lượng theo yêu cầu.
Từ chỉ đạo sâu sát của tỉnh, tất cả các địa điểm tổ chức trình giảng đều rất chủ động, quyết liệt để hoàn thiện mọi yêu cầu đặt ra về cơ sở hạ tầng, cảnh quan môi trường sư phạm, hệ thống phòng trình giảng, lắp đặt trang thiết bị, phương tiện dạy học, chấm thi... và mọi điều kiện cần thiết khác để phục vụ tốt nhất cho hội giảng diễn ra thành công. Từ các phần việc liên quan đến công tác phục vụ lễ tân, hậu cần, trang trí khánh tiết, thông tin tuyên truyền, cho tới phục vụ ăn, nghỉ cho đại biểu, đảm bảo an ninh, giao thông, y tế... trong thời gian diễn ra hội giảng đều được phân công, phối hợp chuẩn bị chu đáo. Về cơ sở vật chất, Quảng Ninh cũng có hệ thống hạ tầng đồng bộ và hiện đại, đã đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc gia và quốc tế, trở thành một trong những địa chỉ trung tâm tổ chức các sự kiện hàng đầu của cả nước. Vẻ đẹp vùng đất, con người Quảng Ninh với truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”, “Hào hiệp và hào sảng” và đặc thù đa màu sắc văn hóa các dân tộc cũng tạo được nhiều ấn tượng đẹp với các đại biểu, nhà giáo, bạn bè bốn phương.
Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng có mặt trực tiếp tại hội giảng để kiểm tra công tác tổ chức và động viên các đội thi, nhà giáo. Đồng chí khẳng định: Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021) nêu rõ mục tiêu: Phát triển nhanh GDNN nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn. Trong đó, “Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo” và “Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong GDNN” là giải pháp đột phá. Với yêu cầu này, Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc quy tụ những nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc, có nhiều thành tích, được các bộ, ngành, địa phương chọn cử, sẽ góp phần thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, tạo động lực phát triển của hệ thống GDNN nước ta.
Đối với Quảng Ninh, đây là dịp để các nhà giáo của tỉnh được tiếp thu, học tập những kinh nghiệm hay của các nhà giáo từ mọi vùng miền trong cả nước, trên cơ sở đó nâng cao chất lượng đào tạo của các trường nghề trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Đồng thời, với những tình cảm, sự quan tâm, sẻ chia và giúp đỡ của các bộ, ngành và quyết tâm nội lực, tin rằng GDNN Quảng Ninh sẽ phát triển mạnh mẽ, đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và đất nước.
Thu Uyên - Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()