Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:32 (GMT +7)
Hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai Đề án 06
Thứ 3, 09/08/2022 | 15:04:13 [GMT +7] A A
Sáng 9/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Hội nghị được truyền trực tuyến tới các điểm cầu UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và gần 11.000 điểm cầu UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn trên cả nước. Tại điểm cầu UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khắng cùng lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan dự hội nghị.
Năm 2022, tổng số nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 và các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao là 126 nhiệm vụ. Số nhiệm vụ giao hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2022 là 46/126 nhiệm vụ, trong đó, các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành được 21/46 nhiệm vụ (45,7%), hiện nay còn lại 25 nhiệm vụ chưa hoàn thành (chiếm 54,3%).
Trong 6 tháng năm 2022, Đề án 06 đã được triển khai từ Trung ương đến cơ sở, thu được những kết quả bước đầu tích cực; được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Qua đó góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân; khắc phục tình trạng thiếu thống nhất và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý thông tin công dân; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo điều kiện thuận lợi và nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp; góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, cũng như phục hồi nhanh, phát triển kinh tế-xã hội.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khắng nhấn mạnh, lấy người dân làm trung tâm đã, đang và sẽ luôn là quan điểm xuyên suốt của tỉnh Quảng Ninh trong quá trình phát triển, nhất là trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 06. Một trong những cách làm hiệu quả đang được Quảng Ninh đẩy mạnh thực hiện để hiện thực hóa quan điểm này là thành lập và hoạt động hiệu quả mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh đã thành lập 1.473 Tổ công nghệ số cộng đồng, bao phủ 177/177 xã, phường, thị trấn, 1.452/1.452 thôn, bản, khu phố với sự tham gia của 11.255 thành viên. Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, Trung tâm Truyền thông tỉnh cùng các ngành đã và đang xây dựng, hoàn thiện 8 tài liệu để phục vụ hoạt động của Tổ. Các tài liệu này được biên soạn, xây dựng dưới dạng các clip ngắn, infographic đảm bảo trực quan, sinh động, dễ tiếp cận để chuyển tới người dân thông qua các nền tảng miễn phí, thông dụng… Hoạt động của Tổ trong gần 3 tháng qua đã đóng góp tích cực cho việc nâng tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến của tỉnh tính đến hết tháng 7/2022 lên 72%.
Trong thực hiện Đề án 06, Quảng Ninh cũng đã và đang hoàn thiện, bổ sung các tính năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính phục vụ công tác số hóa, như: Phát triển tính năng số hóa và bóc tách dữ liệu; tích hợp chữ ký số, sim ký số trên Cổng dịch vụ công; tích hợp chữ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ tại các bước theo quy trình xử lý hồ sơ lên Hệ thống phần mềm Một cửa điện tử phục vụ ký số hồ sơ điện tử trong quá trình liên thông, giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng quy trình 05 bước giải quyết TTHC hoàn toàn trên môi trường điện tử (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số, trả kết quả), gắn với việc áp dụng chữ ký số trong tất cả các bước giải quyết…
Về kết quả triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tính đến hết 15/7/2022, đối với 11 dịch vụ công của ngành Công an, đã có 8/11 dịch vụ phát sinh gần 63.000 hồ sơ trên tổng số hơn 126.000 hồ sơ (đạt tỷ lệ gần 50%); đối với 14 dịch vụ công của các sở, ngành, đã có 9/14 dịch vụ phát sinh hơn 23.000 hồ sơ trên tổng số hơn 27.000 hồ sơ (đạt tỷ lệ trên 85%)…
Qua báo cáo và các phát biểu, tham luận của các bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số nhấn mạnh, Đề án 06 có ảnh hưởng trực tiếp tới người dân, nhằm cụ thể hóa chương trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần cải cách thủ tục hành chính và giúp người dân thuận tiện nhất khi thực hiện thủ tục thông qua môi trường số. Vì vậy, việc triển khai Đề án 06 là một nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả cả trước mắt và lâu dài.
Thủ tướng yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các cấp phải xác định quyết tâm chỉ đạo quyết liệt Đề án; quán triệt và tạo sự lan tỏa đến toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, CBCS lực lượng vũ trang; sớm xây dựng hệ thống giám sát theo dõi, đánh giá việc triển khai CSDLQG về dân cư, để đôn đốc trong quá trình triển khai và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; yêu cầu Bộ Tư pháp khẩn trương tổng hợp, đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các văn bản nhằm tập trung hoàn thiện thể chế phục vụ chuyển đổi số quốc gia nói chung và Đề án 06 nói riêng.
Các bộ, ngành, địa phương cũng cần khẩn trương đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu đã được xác định trong Đề án và 29 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022; tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức trong việc thực hiện các dịch vụ công trên môi trường trực tuyến, trước hết là phát huy vai trò gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên; triển khai các biện pháp nhằm tăng tỷ lệ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng CSDLQG về dân cư, thẻ căn cước gắn chíp điện tử, tài khoản định danh điện tử, trong các lĩnh vực trọng yếu của KT-XH; lưu ý giải quyết sớm dứt điểm một số việc như bảo đảm tài khoản điện thoại chính chủ, làm sạch sim rác; tạo tài khoản an sinh xã hội để phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp thiên tai, bệnh dịch qua tài khoản...
Nhanh chóng nghiên cứu xây dựng Trung tâm điều phối dữ liệu dân cư và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, CSDL, bảo vệ dữ liệu cá nhân; đẩy mạnh hợp tác công tư để huy động các nguồn lực và khai thác nguồn lực từ dữ liệu; tăng cường hợp tác quốc tế; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và thi đua – khen thưởng…
Tại Hội nghị, các cơ quan liên quan đã chính thức công bố ứng dụng VNeID - ứng dụng công dân số quốc gia. Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có lộ trình để đưa các tiện ích thiết yếu lên ứng dụng này, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để người dân luôn tin tưởng, sử dụng.
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()