Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:13 (GMT +7)
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hàn: Ông Biden sẽ hối thúc Seoul cứng rắn với Bắc Kinh
Thứ 6, 21/05/2021 | 14:34:35 [GMT +7] A A
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thúc đẩy Hàn Quốc có đường lối cứng rắn với Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh vào hôm 21/5.
Theo kế hoạch, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ có chuyến thăm Mỹ, hội đàm với Tổng thống Joe Biden hôm 21/5 (theo giờ Mỹ). Ông Moon Jae-in là nhà lãnh đạo nước ngoài thứ hai có cuộc hội đàm trực tiếp với ông Biden sau Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tại Washington vào tháng trước.
Nikkei dẫn nguồn tin ngoại giao cho hay, Mỹ đang cố gắng thuyết phục ông Moon Jae-in đồng ý với ngôn từ mạnh mẽ trong tuyên bố chung, bày tỏ quan ngại về Trung Quốc trong cuộc gặp với ông Biden. Nhà Trắng coi đây như một phần trong chiến lược hợp tác với giữa Washington - Seoul nhằm đối phó với Bắc Kinh.
Hàn Quốc dự kiến sẽ đồng ý việc thúc đẩy hợp tác với nhóm "Bộ tứ" - QUAD, gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, vốn đang tìm cách kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.
Mặc dù Hàn Quốc liên minh chặt chẽ về an ninh với Mỹ, song từ lâu Seoul không mặn mà trong việc đối đầu công khai với Trung Quốc. Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Hàn Quốc đã phản đối yêu cầu của Mỹ ngăn chặn các công ty Hàn Quốc hợp tác với Huawei - gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc.
Seoul hiện thể hiện lập trường thận trọng, tránh kích động phản ứng mạnh mẽ từ Bắc Kinh. Năm 2017, Trung Quốc tẩy chay các công ty Hàn Quốc để đáp trả việc Seoul triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ.
Victor Cha, chuyên gia về Hàn Quốc tại Đại học Georgetown và là cựu quan chức Nhà Trắng cho biết: “Hàn Quốc quan ngại trước các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc từng diễn ra sau khi nước này đồng ý Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ THAAD. Seoul không muốn đưa ra những lựa chọn trong đối đầu với Bắc Kinh, song đây không phải là chiến lược lâu dài”.
Tổng thống Joe Biden coi trọng việc tăng cường các liên minh của Mỹ nhằm tạo ra nhiều đòn bẩy hơn trong nỗ lực ngăn chặn, kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Tại hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide vào tháng trước, ông Biden đã thuyết phục được Thủ tướng Nhật Bản đưa ra tuyên bố chung nhắc tới Đài Loan.
Sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Nhà Trắng hôm 16/4, Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Suga Yoshihide đã ra tuyên bố chung đề cập tới "tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan". Đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo của Mỹ và Nhật Bản đề cập Đài Loan trong một tuyên bố chung kể từ năm 1969. Động thái này của Nhật Bản dấy lên một số lo ngại ở Tokyo về sự trả đũa kinh tế từ Trung Quốc.
Nhà Trắng không kỳ vọng Tổng thống Moon Jae-in sẽ có sự ủng hộ nhiệt thành như Thủ tướng Suga Yoshihide từng làm, song Mỹ nhấn mạnh việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hàn cho thấy sự coi trọng của Washington trong quan hệ với Seoul.
Seoul đã yêu cầu Washington cung cấp vaccine COVID-19 để giải quyết các thiếu hụt về nguồn cung ở nước này. Tổng thống Moon Jae-in cũng hy vọng sẽ giành được sự đảm bảo từ chính quyền Biden về giải pháp trong vấn đề hạt nhân với Triều Tiên.
Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đã hối thúc ông Biden nới lỏng các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Bình Nhưỡng hoặc thực thi chúng một cách linh hoạt hơn để lôi kéo Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán hạt nhân.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden gần đây đã hoàn thành việc xem xét, đánh giá chính sách đối với Triều Tiên. Theo đó, nhóm làm việc của Nhà Trắng cho biết Mỹ sẵn sàng nối lại liên lạc ngoại giao với Triều Tiên nhưng các lệnh trừng phạt sẽ vẫn được duy trì cho đến khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát đi tín hiệu quan trọng trong vấn đề phi hạt nhân hoá.
Hàn Quốc cũng mong muốn chính quyền Biden chỉ định một phái viên về Triều Tiên, tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy đàm phán, giải quyết vấn đề hạt nhân.
Chuyến thăm của Tổng thống Moon Jae-in đến Mỹ sẽ có sự tháp tùng của giám đốc điều hành từ các công ty Hàn Quốc. Hàn Quốc dự kiến sẽ công bố các khoản đầu tư vào Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn, pin và xe điện.
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()