Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 18/11/2024 08:22 (GMT +7)
Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023
Thứ 3, 27/09/2022 | 13:54:53 [GMT +7] A A
Ngày 27/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) tổ chức hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban TVQH năm 2023. Hội nghị được họp theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh. Đồng chí Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội, chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu Quảng Ninh có đồng chí Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh.
Tại hội nghị, đại biểu đã được nghe đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban TVQH năm 2022. Trong đó, nhấn mạnh: Đại dịch Covid-19 và xung đột chính trị giữa các nước đã tác động mạnh đến phát triển KT-XH và ảnh hưởng đến hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban TVQH. Tuy nhiên, với tinh thần xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ đến nay là nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, coi việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt…, vì thế, Quốc hội, Ủy ban TVQH đã chú trọng công tác hoàn thiện thể chế; đổi mới, cải tiến cách thức tổ chức thực hiện trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban TVQH và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Về hoạt động giám sát chuyên đề năm 2023, hội nghị đã thống nhất Quốc hội sẽ giám sát 2 chuyên đề về: Huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng và triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Ủy ban TVQH cũng sẽ tiến hành giám sát 2 chuyên đề về: Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Pháp luật và các địa phương tham luận, đánh giá ưu điểm, hạn chế trong quá trình triển khai giám sát của Quốc hội và Ủy ban TVQH và hoạt động của HĐND các cấp. Từ thực tiễn khách quan, đại biểu đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, rút ra những bài học kinh nghiệm, cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn, kiến nghị tới Ủy ban TVQH quyết định các giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công tác giám sát, của HĐND cấp tỉnh, góp phần vào việc nâng cao vai trò, vị thế của hệ thống cơ quan dân cử.
Tại Quảng Ninh, Đoàn ĐBQH tỉnh đã luôn bám sát chỉ đạo của Ủy ban TVQH, của Thường trực Tỉnh ủy, Chương trình giám sát năm của Quốc hội để triển khai thực hiện các cuộc giám sát với quyết tâm và cách làm phù hợp, linh hoạt. Năm 2022, Đoàn ĐBQH tỉnh đã hoàn thành 4 cuộc giám sát lớn theo yêu cầu phù hợp tình hình thực tế của địa phương và được cử tri, các cơ quan, địa phương trong tỉnh đánh giá cao.
Trong triển khai giám sát chuyên đề, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thực hiện đúng các quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, ban hành các nghị quyết, xây dựng kế hoạch, đề cương chi tiết gửi đến các đối tượng được giám sát đảm bảo thời hạn Luật định. Các ĐBQH trong Đoàn đã bố trí thời gian nghiên cứu và tham gia trực tiếp vào các cuộc giám sát cũng như tham gia ý kiến sâu sắc vào các dự thảo báo cáo kết quả giám sát trước khi ban hành.
Việc triển khai giám sát một cách chủ động, linh hoạt, kịp thời và phù hợp thực tiễn đã khẳng định cách làm hiệu quả của Đoàn ĐBQH tỉnh trong hoạt động giám sát, góp phần vào hiệu quả chung trong hoạt động giám sát theo các nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban TVQH; thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH tại tỉnh nói riêng và đất nước thời kỳ mới nói chung; phát huy đầy đủ cơ chế dân chủ đại diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã quán triệt các quan điểm, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, pháp luật, đặc biệt là thực hiện định hướng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, phát huy dân chủ, tăng tính tranh luận, phân tích sâu…”.
Đồng chí khẳng định, từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, đặc biệt là năm 2022 đã đánh dấu sự tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy và cách làm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Quốc hội, Ủy ban TVQH, các cơ quan của Quốc hội đã triển khai đồng bộ các hoạt động giám sát theo quy định.
Đối với triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cùng các chương trình hành động của Quốc hội. Vì thế, cần quan tâm thực hiện tốt các giải pháp, tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Cần xác định việc nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát là một nội dung quan trọng, khâu then chốt trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam.
Song song với đó, tiếp tục nghiên cứu xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát của Quốc hội, Ủy ban TVQH; nâng cao chất lượng xây dựng chương trình giám sát; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai hoạt động giám sát; tăng cường giám sát của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Quốc hội với các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động giám sát để phát huy vai trò giám sát của mỗi cơ quan, cùng tạo sức cộng hưởng thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm soát quyền lực. Cần sớm rà soát, tổng kết, đánh giá và nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về hoạt động giám sát, đặc biệt là Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND để phù hợp với yêu cầu kiểm soát quyền lực trong tình hình mới.
Đồng chí Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước và tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì thế, giám sát phải trên tinh thần hết sức xây dựng; giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, triệt để, cấp bách; phải phát huy được những mô hình tốt, những cách làm hay, gương người tốt, việc tốt; đánh giá cân bằng, khách quan để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, tiếp tục nâng cao hiệu quả khâu tổ chức thực hiện để mọi việc tốt hơn, góp phần vào phát triển KT-XH và xây dựng đất nước.
Mỗi ĐBQH phải tự mình kiểm soát hoạt động của chính mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trước cử tri để thực sự “mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng tốt đẹp trong hoạt động Quốc hội”.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()