Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 17/11/2024 19:20 (GMT +7)
Giáo dục di sản ngoài nhà trường
Chủ nhật, 17/11/2024 | 16:27:51 [GMT +7] A A
Trước đây, nói đến giáo dục là người ta nghĩ ngay đến bục giảng, bảng đen, phấn trắng, nhưng hiện nay hoạt động giáo dục, đặc biệt là giáo dục di sản đang diễn ra với nhiều hình thức sinh động ngay trong môi trường ngoài nhà trường.
Thông qua việc giáo dục di sản văn hóa cho học sinh, Quảng Ninh đang nuôi dưỡng lòng tự hào và ý thức bảo vệ di sản trong lòng thế hệ trẻ. Những học sinh này khi trưởng thành sẽ trở thành những người gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của địa phương, đồng thời trở thành lực lượng lao động có kiến thức sâu rộng về văn hóa để phục vụ cho các ngành kinh tế liên quan, nhất là phát triển du lịch dịch vụ, công nghiệp văn hóa.
Điểm khác biệt nổi bật ở Quảng Ninh là sự đa dạng trong các hoạt động giáo dục di sản. Học sinh không chỉ được học về di sản qua sách vở mà còn được trực tiếp tham gia vào các hoạt động bảo tồn di sản, từ việc tham quan thực địa đến các hoạt động ngoại khóa như tái hiện lại các lễ hội văn hóa truyền thống. Qua đó, các em có thể hiểu sâu hơn về ý nghĩa của việc bảo tồn di sản văn hóa và vai trò của bản thân trong việc gìn giữ các giá trị quý giá này. Đặc biệt, Quảng Ninh đã thành công trong việc kết hợp giữa giáo dục di sản văn hóa và các hoạt động nghệ thuật.
Ở đó, giới trẻ được tham quan trải nghiệm thực tế, tham gia các buổi học về nghệ thuật truyền thống và các loại hình văn hóa phi vật thể là dân ca của đồng bào các dân tộc. Tiêu biểu nhất là tại Bình Liêu, Trung tâm TT-VH huyện thường xuyên tổ chức các lớp dạy hát then của người Tày, hát sán cố của người Dao, hát soóng cọ của người Sán Chỉ cho học sinh vào dịp hè. Đây không chỉ đơn thuần là hoạt động ngoại khóa mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong chương trình giáo dục địa phương, giúp học sinh trải nghiệm thực tế, từ đó kết nối chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành. Việc tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền thống được lồng ghép các nội dung văn hóa địa phương vào các tiết học về âm nhạc, mỹ thuật. Điều này không chỉ giúp học sinh cảm nhận được cái đẹp của nghệ thuật dân tộc mà còn gắn kết chặt chẽ hơn với các giá trị văn hóa của tỉnh nhà.
Trong bối cảnh xã hội hiện đại, khi các giá trị truyền thống đang dần mai một, các cơ quan, đơn vị, trường học tại nhiều địa phương trong tỉnh đã mạnh dạn kết hợp giáo dục di sản văn hóa vào giờ ngoại khóa. Bên cạnh việc biên soạn, hướng dẫn cụ thể cho các trường học, xây dựng kế hoạch tập huấn cho giáo viên và cán bộ quản lý về cách sử dụng tài liệu giáo dục địa phương, ngành giáo dục tăng cường tổ chức các giờ ngoại khóa, tích hợp giáo dục di sản vào những hoạt động trải nghiệm.
Hoạt động ngoại khóa được thực hiện nhiều tại các di tích, bảo tàng. Tại Bảo tàng Quảng Ninh, các hoạt động tham quan không gian trưng bày hiện vật hay trải nghiệm nghề truyền thống đã được tổ chức thường xuyên, giúp học sinh không chỉ tiếp cận kiến thức lý thuyết mà còn trực tiếp trải nghiệm và hiểu sâu hơn về các giá trị văn hóa của quê hương. Với vai trò như trường học ngoài nhà trường, Bảo tàng Quảng Ninh là nơi giới thiệu những nét văn hoá truyền thống của tỉnh, bảo tồn, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hoá tốt đẹp, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ tình yêu quê hương, đất nước. Bảo tàng thường xuyên tổ chức các buổi triển lãm, hội thảo, trò chơi tương tác, tổ chức hoạt động giáo dục với chủ đề “Chuyển đổi số để xây dựng thành công xã hội học tập”, chương trình "Giờ học sử online"… mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách, nhất là du khách trẻ tuổi. Gần đây nhất, Bảo tàng đã xây dựng chương trình trải nghiệm "Tìm hiểu văn hóa, con người Quảng Ninh" giới thiệu những giá trị truyền thống lâu đời về văn hoá biển, văn hoá dân tộc và văn hoá công nhân mỏ đến với học sinh.
So với các năm trước, chương trình giáo dục di sản văn hóa của Quảng Ninh trong năm 2024 đã có những bước đột phá rõ rệt. Theo Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 8/3/2024 của UBND tỉnh về việc thực hiện chủ đề công tác năm 2024, 100% học sinh phổ thông các cấp học đã được tham gia các chương trình tham quan các di tích Quốc gia đặc biệt, di tích cấp tỉnh hoặc tham quan Bảo tàng. Việc Quảng Ninh tập trung vào giáo dục di sản văn hóa không chỉ nhằm bảo tồn các giá trị truyền thống mà còn gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của tỉnh.
Phạm Học
- Quảng Ninh tham gia triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam”
- Khai mạc triển lãm “Sắc màu Di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Quảng Ninh trong văn hóa phi vật thể Việt Nam”
- Uông Bí bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá
- Di sản văn hóa xứ Đông
- Ba Chẽ nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa
Liên kết website
Ý kiến ()