Mổ tim, nhất là mổ tim cho trẻ em là một trong những kỹ thuật ngoại khoa phức tạp nhất. Nếu trước đây, trẻ em Quảng Ninh chỉ có thể phẫu thuật tim tại các bệnh viện lớn tuyến Trung ương hoặc của Hà Nội, thì giờ đây, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh) đã thực hiện kỹ thuật này một cách thường quy, mang lại nhịp đập bình thường cho những trái tim bé nhỏ...
Nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), chị Đỗ Thị Thìn (huyện Hải Hà) đã có con gái đầu lòng, nay được 3 tuổi. Năm 2019, vợ chồng chị Thìn lại dành dụm tiền và vay mượn thêm để thực hiện lần IVF thứ 2. Nhưng lần này, chị Thìn sinh con khi thai mới 27 tuần, bé được 800gram. Cơ hội sống sót của bé là 30% nếu không kèm bất kỳ bệnh lý bẩm sinh nào khác.
Nhưng thật không may, trái tim bé bỏng của Ngọc Bích - con gái chị Thìn ngay từ khi sinh ra đã mắc bệnh còn ống động mạch lớn. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ khiến lượng máu chảy qua tim tăng cao, gây suy yếu cơ tim, dẫn đến nhiều biến chứng tim mạch nguy hiểm, như: Tăng áp động mạch phổi, viêm phổi và tử vong.
Từ khi sinh ra, Ngọc Bích sống hoàn toàn phụ thuộc vào máy thở và dịch nuôi dưỡng tĩnh mạch với sự chăm sóc toàn diện tại Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Sau đợt đóng ống động mạch bằng thuốc không có kết quả, thông số máy thở phải hỗ trợ hô hấp tăng lên, cơ thể của bé cực non yếu. Đóng ống động mạch bằng phẫu thuật tim là giải pháp bắt buộc và là cơ hội sống duy nhất đối với bé. Cánh cửa cuộc sống của Ngọc Bích đã chật nay lại quá hẹp và đầy chông gai.
Chị Thìn chia sẻ: Vợ chồng tôi đặt tên con là Ngọc Bích, bởi con là viên ngọc vô cùng quý giá. Vì vậy chỉ có vài phần trăm hy vọng sống thì gia đình cũng cố hết sức để được nghe nhịp đập trái tim của con. Ngay khi bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tư vấn, tôi đã đồng ý và tin tưởng bác sĩ thực hiện phẫu thuật tim cho con.
Ca mổ tim thứ 42 cho bé N.H.K (8 tháng tuổi) cũng đã được các y bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Sản Nhi thực hiện thành công trong ngày 8/6/2020 vừa qua.
Cách đây nửa năm, gia đình bé N.H.K vô cùng sốc khi biết con bị mắc bệnh tim bẩm sinh bởi bé sinh ra khỏe mạnh bình thường. Nhưng khi 3 tháng tuổi, trong một lần khám sàng lọc tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, bác sĩ chẩn đoán bé bị hẹp trên van động mạch phổi/thông liên nhĩ. Các bác sĩ cho biết, bé N.H.K có thân động mạch phổi hẹp trung bình, không đáp ứng với nong động mạch phổi qua da. Chính vì thế, phải mổ tim để chữa lại những dị tật tim bẩm sinh cho bé.
Chia sẻ với chúng tôi, bố bé N.H.K cho biết: Mặc dù bệnh không quá nguy hiểm đến tính mạng, nhưng buộc phải mổ tim, vì để lâu sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe của con. Còn về nơi sẽ thực hiện phẫu thuật, gia đình thực sự cũng từng có suy nghĩ lên tuyến trên. Nhưng khi tìm hiểu kỹ, chúng tôi được biết các bác sĩ ở Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã thực hiện được những ca mổ tim tương tự, thậm chí nặng hơn, nên gia đình đã thống nhất để con phẫu thuật ở tuyến tỉnh.
Khác với người lớn, trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh nếu không điều trị sớm sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Sau 41 ngày được nuôi dưỡng trong lồng ấp, bé Ngọc Bích chỉ nặng chỉ 1,1kg. Cơ thể bé cũng không tăng cân thêm. Nếu không phẫu thuật tim lúc này thì nguy cơ tử vong rất cao. Kết quả siêu âm còn ống động mạch kích thước lớn 2,4mm. Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch đã hội chẩn và đi tới quyết định thực hiện phẫu thuật tim kín đóng ống động mạch cho bé.
Với những ca can thiệp còn ống động mạch khác chỉ diễn ra khoảng 30 phút, nhưng với bé Ngọc Bích thời gian kéo dài hơn. Trong phòng mổ tim, Ngọc Bích lọt thỏm trên bàn phẫu thuật, xung quanh là những thiết bị y tế khổng lồ so với bé. Ở ngoài cửa phòng phẫu thuật, chị Thìn lặng lẽ đếm từng giây đồng hồ, chờ đợi điều kỳ diệu đến với con mình.
Bác sĩ Trịnh Trương Tuyên, phụ trách Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, trải lòng: Tiếp nhận điều trị mỗi bệnh nhi đều là một trường hợp mới mẻ đối với chúng tôi. Đối với bé Ngọc Bích, cũng là kỹ thuật đóng động mạch, nhưng khác ở chỗ bé sinh non, nhẹ cân, kèm theo đó là ống động mạch rất lớn, gây suy tim, suy hô hấp... Do đó, khi can thiệp, chúng tôi cũng hết sức khó khăn, nguy cơ tử vong khi mổ và sau mổ rất cao.
Từng thao tác phẫu thuật trên người bé gái chỉ nặng 1,1kg đã được các y bác sĩ tính toán tỉ mỉ, cẩn trọng. Sau hơn 1 giờ trong phòng mổ, bé Ngọc Bích đã được phẫu thuật tim kín đóng ống động mạch thành công.
Sau 3 tháng phẫu thuật, chị Thìn vẫn chưa thể tin được điều kỳ diệu đã đến với cô con gái nhỏ của mình. Ngắm con yêu ngủ say, chị luôn thấy biết ơn những “thiên thần” áo trắng của Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, trong đó có ê-kíp mổ tim của Trung tâm Tim mạch đã mang đến sự sống cho con gái chị.
Trong phòng mổ tim, bé N.H.K cũng được kíp các y bác sĩ tiến hành thực hiện một vết mổ dài gần 10cm ở ngực. Sau khi mở lồng ngực, bệnh nhân sẽ được kết nối với máy tim phổi nhân tạo. Trái tim của N.H.K tạm thời ngừng đập trong khi kết nối với máy. Máy sẽ thay thế tim và phổi thực hiện chức năng trao đổi oxy vào máu và vận chuyển máu đi nuôi cơ thể. Sau khi phẫu thuật xong, bác sĩ tiến hành đóng vết mổ và khâu vết cắt, hoàn thiện ca phẫu thuật tim hở. Sau 5 ngày hồi sức, trái tim bé N.H.K đã đập những nhịp khỏe mạnh như bao em bé bình thường khác.
Quảng Ninh có hơn 1,3 triệu dân. Mỗi năm, có khoảng 1% trong tổng số trẻ sinh ra mắc bệnh tim bẩm sinh, nếu có chỉ định mổ tim hở, hay can thiệp tim mạch thì đều phải chuyển lên tuyến trên.
Trăn trở vì điều này, từ năm 2016, bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, đã tìm hiểu các điều kiện để có thể triển khai can thiệp và mổ tim cho trẻ em ngay tại tỉnh. Sau 2 năm chuẩn bị, tháng 7/2018, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã thực hiện thành công ca can thiệp tim mạch đầu tiên.
Với sự hợp tác, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật từ Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Nhi Trung ương), đến nay Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã có đội ngũ các bác sĩ chuyên khoa tim mạch có thể làm chủ các kỹ thuật về gây mê, tuần hoàn ngoài cơ thể, phẫu thuật, hồi sức, can thiệp tim mạch và các kỹ thuật siêu âm chẩn đoán, điều trị nội khoa... Bệnh viện cũng được đầu tư hệ thống chụp mạch xóa nền 2 bình diện DSA, xây dựng phòng can thiệp, mổ tim hoàn chỉnh.
Sau 2 năm hoạt động, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã thực hiện được 42 ca phẫu thuật tim mạch cho trẻ em. Trong đó, mổ tim đã được tiến hành thường quy tại Trung tâm, với phẫu thuật thông liên nhĩ, thông liên thất, bất thường tĩnh mạch phổi, thông sau nhĩ thất...
Bác sĩ Trịnh Trương Tuyên cho biết: Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ. Vì vậy, mổ tim cho trẻ khác hoàn toàn với mổ tim cho người lớn. Có những thể bệnh không bao giờ gặp ở người lớn, bởi những thể bệnh đó nếu không phẫu thuật sớm thì trẻ sẽ tử vong. Bởi vậy, chúng tôi vừa tự hào cũng vừa áp lực lớn khi là những bác sĩ của tỉnh sớm tiếp cận với các kỹ thuật mới trong mổ tim cho trẻ em. Do đó, để không ngừng nâng cao tay nghề, mỗi y bác sĩ của Trung tâm không ngừng nghiên cứu, học tập, trau dồi kiến thức, thường xuyên liên kết, hợp tác với các bệnh viện chuyên về tim mạch nhi của tuyến Trung ương.
Không chỉ làm tốt chuyên môn, các y bác sĩ của Trung tâm Tim mạch còn tư vấn cho những gia đình có con mắc tim bẩm sinh. Trong số đó, họ đã phải trấn an không biết bao nhiêu cặp vợ chồng hiếm muộn, có những trường hợp hiếm muộn 5-7 năm mới có được đứa trẻ. Có những người biết con bị tim bẩm sinh, nhưng quyết định giữ lại với niềm hy vọng sẽ có phép màu để sửa chữa những tổn thương cho con mình.
Theo bác sĩ Tuyên, các tật về tim bẩm sinh hoàn toàn có thể được phát hiện bằng siêu âm chẩn đoán trước sinh và sau sinh. Nếu được phát hiện và can thiệp sớm, 98% bệnh nhân tim bẩm sinh có thể chữa được và trở về cuộc sống như người bình thường.
Tuy nhiên, chỉ có khoảng 50-60% trẻ được phát hiện và điều trị mỗi năm. Vì thế, gác lại hoạt động chuyên môn ở bệnh viện, các y bác sĩ của Trung tâm Tim mạch đã tham gia những buổi khám tầm soát tim bẩm sinh miễn phí cho trẻ em ở vùng khó khăn của tỉnh. Nhiều ca phẫu thuật, can thiệp mà họ thực hiện vừa qua là được phát hiện trong các chuyến khám chữa bệnh thiện nguyện này.
Thực tế là việc điều trị bệnh tim bẩm sinh bằng can thiệp hoặc phẫu thuật tim hở có chi phí khá cao, sử dụng vào việc chẩn đoán, phẫu thuật, dùng thuốc điều trị chuyên biệt, máy móc, dụng cụ, kỹ thuật cao cấp... Nếu trung tâm tim mạch cách xa nơi gia đình sinh sống thì còn thêm chi phí di chuyển, ăn ở cho trẻ và người chăm nom...
Bởi vậy, việc Trung tâm Tim mạch được đưa vào hoạt động đã giúp rất nhiều gia đình có con bị mắc bệnh tim bẩm sinh được điều trị ngay tại tuyến tỉnh. Thay vì phải chi phí từ 70-80 triệu đồng cho mỗi ca mổ tim, thì nay chi phí chỉ khoảng 10 triệu đồng/ca mổ và từ 1-2 triệu đồng cho mỗi ca can thiệp tim mạch thực hiện tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.
Với Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh Nguyễn Quốc Hùng, điều mà ông quan tâm và đặt lên trên hết chính là lợi ích, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Chính vì lẽ đó, phát triển kỹ thuật tim mạch đã được xây dựng trong định hướng phát triển của Bệnh viện. Mặc dù là kỹ thuật mới, nhưng được sự quan tâm đầu tư của tỉnh về trang thiết bị, cùng sự nhiệt huyết của đội ngũ y bác sĩ, Bệnh viện đã gặt hái được những thành công bước đầu.
Thực hiện: Nguyễn Hoa
Trình bày: Đỗ Quang
Ý kiến ()