Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 07:17 (GMT +7)
Hội thảo về ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế với vấn đề biến đổi khí hậu
Thứ 7, 16/03/2024 | 12:48:34 [GMT +7] A A
Sáng 16/3, tại thành phố Hạ Long, Bộ Ngoại giao Việt Nam và nước Cộng hòa Vanuatu đã phối hợp tổ chức hội thảo khu vực châu Á về các vấn đề pháp lý, kỹ thuật liên quan đến thủ tục xin ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế về trách nhiệm quốc gia với vấn đề biến đổi khí hậu. Ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao chủ trì hội thảo. Tham dự về phía tỉnh có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghiêm Xuân Cường.
Hội thảo có sự tham gia của hơn 40 đại biểu đến từ các cơ quan chính phủ, phái đoàn, trường đại học, hãng luật trong nước và quốc tế. Phát biểu khai mạc, đồng chí Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ sự vui mừng, khi thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh được lựa chọn là nơi tổ chức sự kiện ý nghĩa này. Trong những năm qua, Quảng Ninh đã có sự phát triển đột phá với quy mô nền kinh tế hơn 315.000 tỉ đồng, một trong những cực tăng trưởng toàn diện phía Bắc Việt Nam.
Song song với đó, vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững, giảm thiểu hậu quả của biến đổi khí hậu luôn được tỉnh quan tâm, thể hiện qua các nghị quyết, chương trình hành động cụ thể. Những chia sẻ, kinh nghiệm, tham vấn của các chuyên gia trong khuôn khổ hội thảo cũng là cơ sở để lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đưa ra những định hướng, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, thiên tai trong những năm tiếp theo.
Trong khuôn khổ chương trình, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (LHQ), đã thông tin chi tiết về tiến trình xây dựng, thông qua Nghị quyết A/RES/77/276 ngày 29/3/2023 của Đại hội đồng LHQ đề nghị Tòa án công lý quốc tế ICJ cung cấp ý kiến tư vấn về trách nhiệm quốc gia trong vấn đề biến đổi khí hậu và các bước tố tụng. Việt Nam và Vanuatu là hai trong số 18 quốc gia thuộc Nhóm nòng cốt thúc đẩy Nghị quyết này. Cùng với đó, các diễn giả cũng tư vấn nội dung và thực tiễn mà các quốc gia châu Á có thể cung cấp nhằm giúp ICJ có thêm cơ sở xem xét trong quá trình thụ lý yêu cầu nêu trên của Đại hội đồng LHQ.
Ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Thường trực Bộ ngoại giao Việt Nam chia sẻ: Tôi kỳ vọng các chuyên gia về ngoại giao, pháp lý, các nhà khoa học có mặt tại đây và qua trực tuyến, sẽ có những phiên thảo luận hiệu quả, để đưa ra bản đệ trình hợp lý về mặt pháp lý, phản ánh cam kết chung, thể hiện tinh thần hợp tác giữa các quốc gia trong đối phó biến đổi khí hậu. Thông qua những sự kiện như thế này, chúng ta cùng gửi đến thế giới một thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của pháp luật, công lý, trách nhiệm giải trình trước các vấn đề về biến đổi khí hậu, kêu gọi các quốc gia chung tay hành động, có cam kết mạnh mẽ hơn với những chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu. Các nước dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu sẽ được hỗ trợ nhiều hơn trong tiến trình này.
Ông Faiyaz Murshid Kazi, Cục trưởng Cục Kinh tế tổng hợp, Bộ Ngoại giao Bangladesh nhấn mạnh: Tôi có cơ hội được thăm Vịnh Hạ Long – Di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO vinh danh. Tôi cũng được lắng nghe những trăn trở của lãnh đạo chính quyền địa phương về tác động của biến đổi khí hậu đến phát triển kinh tế, đời sống người dân, công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Đây rõ ràng là vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng đến con người trên toàn thế giới. Hợp tác quốc tế là chìa khóa để giải quyết các vấn đề liên biên giới về biến đổi khí hậu.
Năm 2023, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Nghị quyết công nhận biến đổi khí hậu là thách thức chung, vì vậy, trách nhiệm ứng phó với biến đổi khí hậu phải được san sẻ công bằng, bình đẳng. Việc Việt Nam, một quốc gia đang phát triển, tích cực tham gia vào quá trình Tòa án Công lý quốc tế xem xét và cho ý kiến tư vấn về biến đổi khí hậu, có ý nghĩa quan trọng, tác động tới nhận thức của các nước về trách nhiệm pháp lý của mỗi quốc gia trong ứng phó với biến đổi khí hậu, giúp từng bước định hình khung pháp lý về biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Căn cứ thủ tục hoạt động và quyết định của Tòa án Công lý quốc tế, các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc có thời hạn tới 22/3/2024 để gửi đệ trình bằng văn bản lên ICJ, trước khi Tòa tiến hành các bước tố tụng tiếp theo nhằm đưa ra ý kiến tư vấn (dự kiến trong năm 2025).
Hội thảo sẽ tiếp tục diễn ra đến hết ngày mai, 17/3.
Đỗ Hùng
Liên kết website
Ý kiến ()