Tất cả chuyên mục

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 diễn ra ở Quảng Ninh được ghi dấu bởi một số sự kiện lịch sử đáng nhớ, đó là thành lập Chiến khu Đông Triều, giành chính quyền ở Quảng Yên, bắt sống tàu chiến Pháp trên Vịnh Hạ Long và tấn công quân Pháp trên đảo Cô Tô. 70 năm - thời gian đã lùi quá xa. Vậy mà thật may mắn, tôi đã gặp được một người đã tham gia vào cả 4 sự kiện ấy, đó là cụ Lê Phú - nguyên Đại đội trưởng Đại đội Ký Con. Nhắc về những ngày mùa thu lịch sử tham gia bảo vệ chính quyền cách mạng ở Hòn Gai 70 năm trước, đặc biệt là trận bắt sống 2 tàu chiến Pháp trên Vịnh Hạ Long, cụ Phú bảo không thể nào quên...
|
Một sáng chớm thu - ngay trước đợt mưa lụt lịch sử xảy ra ở Quảng Ninh, tôi lên Hà Nội tìm gặp cụ Lê Phú. Theo địa chỉ cụ cho, tôi tìm đến căn nhà số 27 nằm sâu trong ngõ 514, thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ. Căn nhà nhỏ ấm cúng là nơi cụ đang sống cùng vợ và các con, cháu. Tròn 90 tuổi (cụ Phú sinh năm 1925), da dẻ đã nhuộm màu thời gian nhưng bù lại vị chỉ huy của Đại đội Ký Con anh hùng năm xưa vẫn xem sách không cần kính và đặc biệt cụ vẫn nhớ tỉ mỉ nhiều chi tiết các sự kiện lịch sử 70 năm trước. Tôi dùng trí liên tưởng để cố hình dung trong con người cụ hình bóng chàng thanh niên năm xưa mới 20 tuổi đã chỉ huy cả một đại đội lập nên bao chiến công.
Dịp Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Đại đội Ký Con đang đóng quân ở trại “Bouet” Hải Phòng - Cụ Phú mở đầu câu chuyện. Chiều 6-9-1945, tôi nhận được lệnh đưa Trung đội 1 xuống ca nô ra tăng cường cho Hòn Gai. Tư lệnh Nguyễn Bình khi đó có mặt ở bến đã căn dặn: Các đồng chí đi bảo vệ chính quyền và nhân dân Vùng mỏ và phải giữ gìn cho tốt vũ khí, trang bị. Nửa đêm thì tới bến Hòn Gai, đơn vị tạm trú trên đồn. Cũng nói thêm là lúc đó, chiến sĩ Đại đội phần lớn là học sinh từ 16 đến 18 tuổi, trẻ nhưng đầy nhiệt tình yêu nước.
Sáng 7-9-1945, sau khi đơn vị chào cờ, đồng chí Hải phụ trách Việt Minh ở Hòn Gai cùng đồng chí Đoàn Phụng, Nguyễn Chất yêu cầu đơn vị theo các đồng chí xuống phố bao vây trụ sở Việt Cách. Trong trụ sở có dăm tên Việt Cách, chúng tôi đã tước hết huy hiệu Việt Cách trên ngực họ, hạ cờ và biển treo trước trụ sở.
Thời gian này, tàu Crayssac của Pháp đã đậu trong vịnh gần bến tàu Quảng Đông (bến tàu Hòn Gai bây giờ). Năm 1944, tôi đã là thuỷ thủ tàu này 1 tháng để thay thế cho một thuỷ binh Pháp bị ốm. Đại uý Vilar, thuyền trưởng tàu Crayssac cùng viên trung uý tình báo Mỹ Etingger đưa một bệnh nhân Pháp bằng xe kéo vào nhà thương nhờ điều trị. Việc này đã được phép của chính quyền. Sau khi đưa bệnh nhân vào nhà thương, chúng quay về đi qua đơn vị Ký Con đã quan sát chúng tôi, nhất là trang bị vũ khí.
Chúng đi khỏi một quãng ra bến tàu, tôi liền ra lệnh: Không thể để chúng thoát khỏi đây, phải chiếm lấy tàu!. Các chiến sĩ chạy theo tôi ra bờ biển phía nhà Đoan. Rất may là có tàu Bạch Đằng (tàu chuyên kéo xà lan) và tàu Giao Chỉ (chuyên chở khách Hải Phòng - Hòn Gai) đang ở đó. Hai tiểu đội do Trung đội trưởng Hoàng Vinh chỉ huy xuống tàu Bạch Đằng, trên tàu đã có trang bị đại liên do đồng chí Đạm hoa tiêu chỉ huy, còn tiểu đội 3 lên tàu Giao Chỉ chĩa súng về phía tàu địch.
Tàu Crayssac vừa chạy ra khỏi bến thì bị hai tàu Bạch Đằng, Giao Chỉ đuổi theo hai bên. Tôi liền hô to: “Stoppez machine!” (dừng máy!). Crayssac vẫn lướt sóng ra khơi. Tôi lệnh cho Bùi Sinh và 4 chiến sĩ đang phục trên bờ, sát mỏm núi Bài Thơ lao nhanh ra bến tàu Quảng Đông mượn ca nô chở khách, mở hết tốc lực đuổi theo. Khoảng cách được rút ngắn. Thuỷ thủ Pháp trên tàu cố sức đẩy không cho ca nô áp vào thành tàu. Trong lúc hoảng loạn, tàu Bạch Đằng đã áp được mạn. Địch không kịp trở tay. Trên tàu địch được trang bị khá nhiều súng nhưng vô tác dụng do cự ly quá gần.
Thuyền trưởng Vilar hét to: “Nous sommes autorises! N,abordez pas!” (Chúng tôi đã được phép không được áp mạn tàu!). Tôi cùng Bùi Sinh và 4 chiến sĩ trên ca nô nhảy sang tàu địch, tay cầm súng cắm lưỡi lê hô: “Haut les mains!” (Giơ tay lên!). Tức thì một số chiến sĩ tàu Bạch Đằng ào sang tước khí giới. Theo lệnh ta, các hải quân Pháp phải rời tàu chuyển sang tàu Bạch Đằng.
![]() |
Phố Ký Con (đoạn nối QL18A xuống Hải đội 2 Biên phòng), thuộc khu 4B, phường Hồng Hà, TP Hạ Long. |
Khi tàu của ta đuổi bắt tàu Crayssac, 8 thuỷ thủ người Việt trên tàu đã bị chúng nhốt dưới buồng tàu, phòng họ phản chiến. Riêng anh Lầu hoa tiêu và anh Định lái tàu buộc chúng phải sử dụng. Trên tàu khi ấy ngoài sĩ quan và thuỷ thủ Pháp còn có 1 trung uý tình báo người Mỹ, 8 thuỷ thủ người Việt và 1 phụ nữ người Việt đứng tuổi đang khâu dở lá cờ Mỹ. Ta đã trả tự do cho họ trên đất Hòn Gai.
Tàu Crayssac là tàu tuần tiễu bờ biển, tuy nhỏ nhưng được trang bị vũ khí dày đặc, gồm 2 trọng liên 12,7 ly của Mỹ, 2 đại liên Hotkiss, 1 đại bác nòng ngắn 37 ly, hai đại liên broning của Mỹ, 1 khẩu bazoka, 2 khẩu carbine, 2 súng ngắn, đạn dược, lương khô, điện đài. Lúc bấy giờ, số vũ khí này với chúng ta rất quý. Đơn vị đã làm chủ con tàu Crayssac và sử dụng số thuỷ thủ người Việt để họ điều khiển con tàu dưới quyền quản lý của đồng chí Bùi Sinh cùng 1 tiểu đội Ký Con. Tàu Crayssac được đổi tên thành tàu Ký Con.
Ngày 11-9-1945, không thấy Crayssac quay về, quân Pháp cho tàu buồm Audacieuse vốn là tàu của sở Đoan Pháp ở Hải Phòng vào Vịnh Hạ Long để tìm kiếm. Phát hiện tàu Crayssac đã treo cờ đỏ sao vàng, chúng hoảng hốt quay tàu bỏ chạy. Tàu Ký Con lập tức đuổi theo nhanh chóng áp mạn. Quân địch trên tàu gồm 8 sĩ quan và thuỷ binh người Pháp vội giơ tay xin hàng. Ta thu tàu cùng toàn bộ trang bị, vũ khí. Vậy là hải đội của quân Pháp ở Vịnh Hạ Long mất đi một nửa, chỉ còn lại tàu tuần tiễu Fréjoul và tàu buồm gắn máy Blue Bird.
Ngày 28-4-2000, Đại đội Ký Con đã được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân do đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong đó, có chiến công tiêu biểu bắt sống hai tàu chiến Pháp trên Vịnh Hạ Long. Tôi rất vui và xúc động khi được biết ở các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng và thành phố Hạ Long đều có đường phố mang tên Ký Con. Nó sẽ nhắc nhở các thế hệ nhớ về một thời lịch sử hào hùng của Đại đội - cụ Phú tự hào.
Đại đội Ký Con là đại đội nổi tiếng của Liên khu 3 mang bí danh Ký Con của lãnh tụ Quốc Dân Đảng Đoàn Trần Nghiệp (1910-1930), người tham gia lãnh đạo Khởi nghĩa Yên Bái (1930), một trong những đơn vị vũ trang tập trung đầu tiên của Chiến khu Đông Triều. Tổ chức tiền thân là Tiểu đội Ký Con được thành lập sau trận thắng Bí Chợ (1-7-1945) rồi Trung đội Ký Con. Cuối tháng 8-1945 phát triển thành Đại đội Ký Con với nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng ở Hải Phòng và khu mỏ Hòn Gai. Trong thời gian này, Đại đội đã lập nhiều chiến công xuất sắc, tiêu biểu như đánh chiếm hai tàu chiến của Pháp, đánh dẹp quân Việt Cách tại Hòn Gai, đánh lui hàng chục đợt tiến công của quân Pháp tại Hải Phòng. Sau đó phát triển thành Tiểu đoàn Ký Con, rồi Trung đoàn Ký Con (Trung đoàn 66, Sư đoàn 304). Đại đội trưởng (trước đó là trung đội trưởng, tiểu đội trưởng) đầu tiên: Lê Phú. Theo Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, NXB Quân đội Nhân dân, 2004, trang 239. |
Trần Minh
Ý kiến ()