Trong căn nhà chừng 15 m2 thuộc khu dân cư quận 7, cụ ông hơn 80 tuổi nằm bất động, thiêm thiếp; vợ và cháu gái của ông khoẻ hơn. Họ đều là F0.
"Ông cụ mệt dữ lắm, nhờ các anh...", người cháu gọi đến Tổ phản ứng nhanh phường Tân Kiểng, quận 7. Hơn 10 phút sau, Bùi Cao Thắng (sinh viên tình nguyện năm cuối Trường Đại học Y Thái Bình) cùng bác sĩ có mặt.
Ông lão bị tai biến, nằm một chỗ đã 15 năm, không thể nói chuyện, có bệnh lý nền về hô hấp, tim mạch. "SpO2 75%, cho thở oxy gấp", bác sĩ nói. Thắng vội ôm bình oxy vào. Sau sơ cứu, SpO2 nâng dần lên 90%, tạm thời qua nguy kịch. Tuy nhiên, gia đình có nguyện vọng nhờ tổ y tế chăm sóc tại nhà vì ông đã cao tuổi và 2 người còn lại cũng là F0.
Hàng ngày, Cao Thắng, Linh Chi (sinh viên tình nguyện cùng trường) và các nhân viên y tế phường Tân Kiểng, Trung tâm Y tế quận 7 chia nhau đến theo dõi sức khỏe, thăm khám, tư vấn, cấp phát thuốc cho toàn bộ 119 F0 trên địa bàn theo triệu chứng. Riêng cụ ông 80 tuổi không thể ăn uống nên được truyền dịch, truyền đường và thở oxy...
TP HCM đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà 40.451 F0. Trong đó, 19.243 trường hợp cách ly tại nhà ngay từ đầu và 21.208 F0 sau xuất viện. Họ là những người không có bệnh nền, không triệu chứng hoặc có nồng độ virus (CT value) trên 30 sau 7 ngày điều trị ở viện. Từ 1/8 đến nay, Tổ y tế cộng đồng phường Tân Kiểng đã thăm khám gần 500 trường hợp có triệu chứng nghi nhiễm mức độ nhẹ, vừa và nặng; cấp cứu và chuyển tuyến thành công 88 ca F0 nặng và nguy kịch. "Mỗi ngày có 4-6 ca cấp cứu nhưng cũng có bữa đột biến đến 11 ca", Thắng cho biết.
Tương tự, các tổ y tế cộng đồng 10 phường khác ở quận 7 đã thăm khám tại nhà cho 1.018 F0, 1.096 F1; chuyển viện 323 trường hợp chuyển nặng; gọi điện tư vấn, xử trí cho người dân qua tổng đài 3.559 trường hợp; lấy 1.129 mẫu xét nghiệm nhanh...
Các tổ y tế cộng đồng của tất cả quận huyện được thành lập trong bối cảnh TP HCM mỗi ngày ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới. Từ cuối tháng 7, khi các bệnh viện quá tải, thành phố cho phép F0 không triệu chứng được cách ly ở nhà. Với biến chủng Delta lần này, F0 rất dễ chuyển nặng bất ngờ nên TP HCM đã lập 312 tổ phản ứng nhanh (bác sĩ, điều dưỡng, công an, tình nguyện viên, đoàn thanh niên...) tại mỗi phường, xã, thị trấn.
Điều trị F0 tại nhà là trụ cột đầu tiên trong chiến lược điều trị 2 trụ cột của TP HCM. Lãnh đạo thành phố đánh giá, phương thức này giúp người bệnh có tâm lý thoải mái, sẽ mau khoẻ. Họ được điều trị kịp thời khi có dấu hiệu chuyển nặng nên sẽ kéo giảm số ca tử vong. Nếu làm tốt, có thể 70-80% bệnh nhân F0 sẽ hồi phục trong thời gian ngắn.
Là thành viên Tổ phản ứng nhanh phường Tân Thới Nhất (quận 12), điều dưỡng Lâm Thị Kim Tuyền (32 tuổi) cho biết, bất cứ lúc nào F0 có dấu hiệu chuyển nặng cần cấp cứu (thở hụt hơi, thở nhanh trên 30 lần một phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi, đau chi, SpO2 < 95%) thì đội sẽ đến chăm sóc hoặc chuyển viện. "Nhưng không phải bệnh nhân nào cũng hợp tác với nhân viên y tế đi viện dễ dàng", chị Tuyền nói về khó khăn của đội.
Biến thể Delta khiến F0 chuyển nặng rất bất ngờ, kể cả ở người trẻ, nếu SpO2 xuống thấp phải đi điều trị ngay. Nhưng nhiều người chưa phân biệt rõ cơ sở cách ly với cơ sở điều trị tầng một nên muốn ở nhà, dù bác sĩ đã khám sàng lọc và đánh giá nguy cơ cần đi điều trị. "Thấy nguy cơ của người bệnh, nhiều lần tôi quỳ lạy năn nỉ đi viện, họ lại quay sang lạy mình xin được ở nhà. Những lúc đó tôi muốn khóc, tình thế ngàn cân treo sợi tóc mà bệnh nhân còn chần chừ. Tôi dù thương họ nhưng lúc này phải thể hiện đúng vai trò nhân viên y tế của mình", chị Tuyền kể.
Phường Tân Thới Nhất hiện có khoảng 60.000 dân nhưng chỉ có 10 nhân viên y tế. Các thành viên Tổ phản ứng phải thay phiên nhau làm mọi việc từ cấp cứu, lấy mẫu F0, F1 trong khu phong tỏa, cách ly tại nhà đến hỗ trợ điểm tiêm chủng, làm báo cáo, trực trạm.... Hàng ngày, chị Tuyền làm đến chiều tối, nhiều hôm phải trực đêm. Chồng là công an, cũng thuộc tuyến đầu chống dịch nên anh chị phải gửi 2 con nhỏ cho cô giáo gần nhà chăm sóc. "Chúng tôi cũng muốn gửi con cho ông bà ở quê nhưng sợ nhớ bé về thăm lại lây bệnh cho gia đình nên đành để hai bé ở lại", chị Tuyền cho biết.
Trước khi Bộ Y tế cho thí điểm "điều trị tại nhà (home-based care) có kiểm soát" cho các trường hợp F0 tại nhà và cộng đồng, phường 1 quận Tân Bình đã triển khai phát túi thuốc cho F0, gồm: Paracetamol 500g (10 viên), Acetylcystein (10 gói), MultiVitamin (10 viên), nước súc họng (1 lọ), nước muối 0.9% (Natri Clorid 0,9%), viên C sủi Uscadimin C1g (10 viên), khẩu trang. Kèm theo mỗi túi thuốc là phiếu hướng dẫn sử dụng cụ thể và mã QR để người dân quét mã vào nhóm Zalo có tư vấn của bác sĩ.
Trong khi đó, tại quận Phú Nhuận, bên cạnh các loại thuốc tây, gói thuốc F0 còn có thuốc Đông y (Xuyên Tâm Liên, Kovir, Vinaho), nhiệt kế, máy đo nồng độ oxy trong máu, sổ tay "Đồng hành cùng F0 khỏi bệnh"...
Ngoài ra, đội y tế lưu động sẽ đến nhà thăm khám cho các trường hợp nghi ngờ F0 thuộc nhóm nguy cơ cao như người già neo đơn, người có bệnh lý tâm thần... để kịp đưa đến các cơ sở thu dung điều trị. Với những người có một trong các triệu chứng như sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, tiêu chảy, mất mùi vị, đau ngực, nặng ngực, cảm giác khó thở, được hướng dẫn liên hệ nhân viên y tế qua tổng đài 1022, bấm số 3 để được tư vấn từ Hội Y học TP HCM, hoặc số 4 để được tư vấn từ Thầy thuốc đồng hành. Khi có dấu hiệu chuyển nặng, F0 gọi tổng đài 115 hoặc số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh để được cấp cứu và đưa đến bệnh viện.
Ở trụ cột thứ hai trong chiến lược điều trị, TP HCM dồn lực chữa trị 32.667 F0 tại bệnh viện bằng cách tăng số giường bệnh có oxy và các trang thiết bị y tế, thuốc men, để bệnh viện cấp cứu sớm cho F0 khi có triệu chứng. Ngành y tế cũng triển khai thêm các thuốc điều trị đặc hiệu kháng virus (thuốc Remdisivir) tại các bệnh viện.
Tầng một của mô hình điều trị mới hiện có 153 cơ sở cách ly tập trung ở các quận huyện với tổng cộng gần 24.000 giường, tiếp nhận F0 không triệu chứng hoặc nhẹ. Tầng 2 gồm 74 bệnh viện với hơn 49.000 giường, điều trị F0 có triệu chứng từ trung bình đến nặng, kèm hoặc không kèm bệnh nền. Tầng 3 gồm 8 bệnh viện tuyến cuối của thành phố và của Bộ Y tế tăng cường, chuyên hồi sức chuyên sâu, điều trị F0 nặng và nguy kịch với gần 3.900 giường.
Tính đến ngày 20/8, TP HCM ghi nhận 167.717 ca nhiễm kể từ đợt dịch thứ tư, hơn 83.000 người xuất viện kể từ đầu năm. Trong số bệnh nhân đang điều trị có gần 2.000 trẻ em.
Từ 0h ngày 23/8, sau gần 3 tháng giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ, TP HCM tăng cường biện pháp chống Covid-19 với yêu cầu "ai ở đâu ở yên đó", nhà cách ly với nhà, tổ dân phố với tổ dân phố...
Ý kiến ()