Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 04:03 (GMT +7)
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5
Thứ 7, 01/06/2024 | 21:54:26 [GMT +7] A A
Chiều 1/6, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế-xã hội tháng 5/2024 và 5 tháng đầu năm.
Buổi họp báo diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông.
Mở đầu họp báo, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết: Sáng cùng ngày (1/6), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thường kỳ tháng 5 nhằm đánh giá tình hình KTXH tháng 5 và 5 tháng đầu năm; tình hình thực hiện 03 CTMTQG; giải ngân vốn đầu tư công cùng một số nội dung quan trọng khác; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá trong thời gian tới.
Trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá triển vọng kinh tế, thương mại thế giới có dấu hiệu khả quan, song tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; bất ổn chính trị ở một số khu vực leo thang; giá đô la Mỹ, giá vàng tăng cao; chính sách tiền tệ ở nhiều nước vẫn thắt chặt và chưa rõ xu hướng thời gian tới; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tác động nặng nề... Ở trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ, trong đó tập trung: (i) Chuẩn bị chu đáo, bảo đảm tiến độ, chất lượng các tài liệu cho Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV; (ii) Đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, thực thi pháp luật; (iii) Phê duyệt toàn bộ Quy hoạch 06 vùng KTXH; (iv) Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới; (v) Xử lý linh hoạt các vấn đề tồn đọng và những vấn đề mới phát sinh; (vi) Ứng xử linh hoạt, hiệu quả trong các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển... Đồng thời, tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị về tháo gỡ khó khăn cho SXKD, thúc đẩy các công trình, dự án quan trọng quốc gia, phát triển nhà ở xã hội, tín dụng...
Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định: Tình hình KTXH tháng 5 và 5 tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng tích cực, nhiều lĩnh vực tháng 5 đạt kết quả cao hơn tháng 4 và tính chung 5 tháng tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực. Nổi bật là:
- Kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích vực ở cả 3 khu vực. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Sản xuất công nghiệp phục hồi tốt, tháng 5 tăng 3,9% so với tháng 4 và tăng 8,9% so với cùng kỳ; tính chung 5 tháng tăng 6,8%. Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng 9,5%; 5 tháng tăng 8,7%.
- Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 4,03%. Tỷ giá, lãi suất có xu hướng ổn định. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu gạo 5 tháng đạt 4,15 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,65 tỷ USD, tăng 14,7% về lượng và tăng 38,2% về trị giá); cơ bản bảo đảm cân đối cung cầu lao động.
- Xuất khẩu tiếp tục xu hướng tăng mạnh. Tổng kim ngạch XNK tháng 5 tăng 9,1% so với tháng 4 và tăng 22,6% so với cùng kỳ; tính chung 5 tháng tăng 16,6%, trong đó xuất khẩu tăng 15,2%; nhập khẩu tăng 18,2%. Đáng mừng là nhập khẩu tăng trở lại phục vụ cho SX trong nước và cán cân thương mại 5 tháng xuất siêu 8,01 tỷ USD.
- Thu NSNN tăng mạnh, tình hình tài chính - NSNN tiếp tục được cải thiện. Tổng NSNN 5 tháng ước đạt 52,8% dự toán năm, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi NSNN được kiểm soát thấp hơn giới hạn quy định.
- Lĩnh vực du lịch phục hồi mạnh, vượt cùng kỳ trước đại dịch. Khách quốc tế 5 tháng đạt 7,6 triệu lượt, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019.
- Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực. Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đạt 22,3% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ. Thu hút FDI đạt 11 tỷ USD, tăng 2%, trong đó vốn đăng ký mới đạt 7,9 tỷ USD, tăng 27,5%, cao nhất trong 3 năm qua; vốn FDI thực hiện đạt 8,3 tỷ USD, tăng 7,8%, cao nhất trong những năm qua.
- Phát triển DN có xu hướng tích cực; trong 5 tháng có 98,8 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 4,1% so với cùng kỳ, cao hơn số DN rút lui khỏi thị trường (97.300 DN).
- Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện; trong tháng 5 có 94,8% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ; hỗ trợ cho người dân gần 18.500 tấn gạo; tổ chức ý nghĩa Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và các ngày Lễ lớn.
- Cải cách hành chính, nhất là cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 và phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, góp phần củng cố niềm tin trong Nhân dân.
- Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước được nâng lên.
- Nhiều tổ chức, chuyên gia uy tín quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được là cơ bản, các thành viên Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, nổi bật là: (i) Sức ép chỉ đạo điều hành còn cao, nhất là về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tỷ giá và nâng cao hiệu quả quản lý thị trường vàng. (ii) Tình hình SXKD một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn; nông nghiệp gặp thời tiết bất lợi; sản xuất công nghiệp, một số ngành dịch vụ, sức mua phục hồi nhưng còn chậm; (iii) Việc tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn (đến cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng mới đạt 2,41%); nợ xấu có xu hướng tăng; số DN rút khỏi thị trường còn cao; (iv) Thị trường bất động sản bước đầu ổn định nhưng khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết; việc triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ cho nhà ở xã hội chưa được cải thiện; còn 29,1 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ; (v) Đời sống một bộ phận người dân khó khăn; thiên tai, dịch bệnh, nắng nóng, hạn hán, sụt lở nghiêm trọng ở một số nơi; tình hình tội phạm, tội phạm mạng, an ninh an toàn thông tin còn diễn biến phức tạp…
Kết luận phiên họp, trên cở sở xác định các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và phân tích tình hình quốc tế, khu vực, trong nước, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ quan điểm định hướng chỉ đạo, điều hành và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, trong đó tập trung:
- Về chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô:
+ Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.
+ Tạo thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận vốn tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; phấn đấu tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm khoảng 5%, cả năm khoảng 15%; tiếp tục thực hiện việc giảm lãi suất cho vay từ 1 đến 2%, trong đó 5 ngân hàng thương mại lớn là nòng cốt.
+ Triển khai ngay các giải pháp ổn định thị trường vàng.
+ Phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi NSNN.
+ Sớm có phương án huy động thêm 100 nghìn tỷ trái phiếu Chính phủ cho các công trình hạ tầng giao thông. Tập trung xử lý khó khăn, vướng mắc trong huy động, sử dụng vốn ODA.
+ Tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
+ Kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra; có giải pháp ổn định thị trường, giá cả.
- Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, nhất là trong 03 lĩnh vực: (i) Thể chế, cơ chế, chính sách; (ii) Phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng, đô thị; (iii) Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, AI…
- Quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, 03 CTMTQG. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của 5 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và 26 Tổ công tác của thành viên Chính phủ. Báo cáo Quốc hội cho phép chủ động điều chỉnh kế hoạch vốn từ nơi chưa phân bổ, chậm giải ngân sang nơi giải ngân nhanh, có nhu cầu bổ sung vốn; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao.
- Tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Khẩn trương ban hành đầy đủ, kịp thời các Nghị định, Thông tư, văn bản hướng dẫn, bảo đảm đồng thời với hiệu lực của các Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Các tổ chức tín dụng… Quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số, Đề án 06, xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia. Khẩn trương ban hành, tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai các quy hoạch đã ban hành, đặc biệt là quy hoạch điện VIII, các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
- Tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Trong đó: (i) Về công nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, lan tỏa mạnh mẽ; điều hành chủ động, linh hoạt, nhất định không để thiếu điện, xăng dầu trong mọi tình huống. (ii) Về nông nghiệp, tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu nông sản; sớm gỡ "thẻ vàng" (IUU); điều tiết, bảo đảm đủ nước cho nông nghiệp, sản xuất điện, sinh hoạt của người dân; tổ chức thực hiện hiệu quả phòng, chống cháy rừng với phương châm "4 tại chỗ". (iii) Về dịch vụ, du lịch, tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao; tiết giảm chi phí vận tải, logistics; đẩy mạnh thu hút du lịch, tăng cường quản lý giá, chất lượng dịch vụ, nhất là mùa du lịch hè.
- Tiếp tục xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài, trong đó có 02 dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2.
- Chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường; bảo đảm ASXH, đời sống Nhân dân. Chuẩn bị cải cách tiền lương theo các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội theo nguyên tắc bảo đảm công bằng, bình đẳng, hài hoà, ổn định và có lộ trình phù hợp; đề xuất phương án phù hợp nhất thực hiện từ ngày 01/7/2024. Làm tốt công tác khám chữa bệnh, bảo đảm thuốc; phòng chống đuối nước, nhất là ở trẻ em; tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2024. Khẩn trương hoàn thành CTMTQG về văn hóa trình Quốc hội.
- Tăng cường quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm; phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
- Triển khai chu đáo, thực chất, hiệu quả các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao; nhanh chóng cụ thể hóa, khai thác có hiệu quả các điều ước, thỏa thuận quốc tế.
- Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội; đặc biệt quan tâm đến truyền thông chính sách và những vấn đề quan trọng, được dư luận xã hội quan tâm; đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc, chống phá Đảng, Nhà nước, xử lý nghiêm các sai phạm.
PV Hoàng Lê (Báo Điện tử VOV): Tình hình đăng ký doanh nghiệp mới thành lập trong tháng 5 như báo cáo đã có những tín hiệu tích cực so với cùng kỳ năm trước, vậy những tín hiệu tích cực này là gì?
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương: Tình hình đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp là vấn đề nóng hổi được xã hội và dư luận quan tâm. Đặc biệt trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội vừa qua tại Quốc hội, rất nhiều đại biểu Quốc hội cũng quan tâm đến tình hình doanh nghiệp.
Tôi nhất trí với đánh giá của phóng viên Báo Điện tử VOV về tình hình đăng ký kinh doanh tháng 5 khá tích cực, thể hiện qua những con số. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp gia nhập thị trường, quay trở lại hoạt động trong tháng 5 đạt 20.000 doanh nghiệp, bằng gấp 1,7 lần so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; tăng 10,6% so với cùng kỳ.
Phải nhìn nhận tổng thể hơn khi tính chung cả 5 tháng, xu hướng cho thấy số lượng doanh nghiệp thành lập mới, tái gia nhập thị trường nhiều hơn so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Cụ thể doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập là 98.800 doanh nghiệp, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 97.300 doanh nghiệp, tuy có cao hơn nhưng không đáng kể khoảng hơn 1.000 doanh nghiệp. Điều này cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tại Quốc hội đã chỉ ra nhiều nguyên nhân cũng như những yếu tố tác động đến quá trình kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với tình hình đăng ký doanh nghiệp, chúng tôi vẫn theo dõi chặt chẽ và báo cáo định kỳ với Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trên tinh thần các tín hiệu tích cực về sự phục hồi của nền kinh tế, về đăng ký doanh nghiệp mới tăng thêm. Tuy nhiên cũng không tránh khỏi bối cảnh còn rất nhiều khó khăn.
Tại phiên họp Chính phủ sáng nay, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy tích cực tập trung vào 3 hướng:
Thứ nhất là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là về thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, kinh doanh thuận lợi.
Thứ hai là cải thiện yếu tố đầu vào, đặc biệt là hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ, bao gồm tiếp tục duy trì và bảo đảm tính chất ổn định, hỗ trợ cho doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận tín dụng; kiến nghị các cấp thẩm quyền tiếp tục xem xét các chính sách giảm thuế; giảm, hoãn phí, lệ phí… để tăng khoản tiền cho doanh nghiệp, hỗ trợ yếu tố đầu vào và các giải pháp cho các yếu tố đầu ra.
Thứ ba là liên quan đến thị trường xuất khẩu của nước ta, thúc đẩy các giải pháp để các doanh nghiệp sớm có các đơn hàng mới tăng thêm để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Liên tiếp thời gian qua xảy ra các vụ ngộ độc tập thể với hàng nghìn người bị ngộ độc trong đó có những trường hợp nguy kịch, tử vong. Những sự việc này gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Bộ Y tế và các đơn vị liên quan đã hành động cụ thể như thế nào để hạn chế xảy ra những vụ việc đáng tiếc?
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: 5 tháng năm 2024, trên địa bàn cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm, có hơn 2.100 người mắc và 6 người tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số vụ giảm 10%, số người tử vong giảm 46%.
Vừa qua, đã xảy ra một số vụ ngộ độc lớn ở Đồng Nai, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc. Ngay sau khi xảy ra những vụ ngộ độc trên, Bộ Y tế với tư cách là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã chỉ đạo ngay các cơ sở y tế địa bàn tập trung cứu chữa, hạn chế thấp nhất bệnh nhân nặng và ca tử vong. Đồng thời, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương đình chỉ ngay cơ sở cung cấp thực phẩm, để tiến hành kiểm tra, đánh giá; cùng với đó truy xuất nguồn gốc, lấy bệnh phẩm xét nghiệm, tìm nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc. Sau khi tiến hành truy xuất nguồn gốc cùng các đơn vị liên quan, Bộ Y tế thấy rằng một trong những nguyên nhân là một số các cơ sở sản xuất kinh doanh cung cấp lương thực thực phẩm đã được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm nhưng vẫn còn hiện tượng thu gom nguyên liệu thực phẩm trôi nổi từ bên ngoài không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm soát chặt chẽ. Một số thực phẩm bị nhiễm Salmonella.
Trước thực trạng như vậy, Bộ Y tế với tư cách là cơ quan thường trực của Ủy ban An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, ngay từ đầu năm đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo tổ chức cuộc họp đánh giá kết quả của năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đặc biệt chúng tôi tham mưu để cấp địa phương, các cấp, các ngành, các đơn vị thực hiện tốt Chỉ thị 17 của Ban Bí thư về bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình mới, cũng như triển khai thực hiện Nghị định 15 của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của các bộ, ngành thành viên có liên quan, đặc biệt là của 3 bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương. Đặc biệt, chúng tôi hướng dẫn thực hiện 10 khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới về bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó có 2 khuyến cáo là chọn thực phẩm sạch và nơi chế biến ăn uống phải đảm bảo vệ sinh.
Sau khi xảy ra các vụ ngộ độc, với tinh thần chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà-Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế cùng với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đã tổ chức ngay Hội nghị trực tuyến với các địa phương để hướng dẫn thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, thứ nhất các địa phương phải kiện toàn Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm, có phân công, phân nhiệm rõ ràng từng thành viên phụ trách lĩnh vực. Thứ hai, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo để tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo. Thứ ba là tiếp tục hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 13 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 17 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là Công điện số 44 tháng 4/2024 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Đồng thời, chúng tôi triển khai hướng dẫn để bảo đảm công tác quản lý an toàn thực phẩm ở các địa phương. Các địa phương phải kiên quyết không để cơ sở không có giấy đăng ký, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với những cơ sở có giấy, không để những cơ sở có giấy mà không đủ điều kiện hoạt động hoặc những cơ sở đáng lẽ phải cấp giấy nhưng chưa được cấp giấy mà vẫn hoạt động… Kiểm soát chặt chẽ theo từng chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành có liên quan kiên quyết không để việc thu gom nguyên liệu trôi nổi ngoài thị trường không rõ nguồn gốc, xuất xứ cung cấp cho các bếp ăn tập thể.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, các bếp ăn tập thể. Xử lý vi phạm phải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, vừa tuyên truyền vừa có tính chất răn đe.
Đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp không ký hợp đồng với các cơ sở không đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Vì hiện nay, bếp ăn tập thể tại các đơn vị còn có loại hình khác là ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp để mang thực phẩm từ ngoài vào.
Chúng tôi đề nghị làm tốt công tác tuyên truyền, trước hết là nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp, thủ trưởng đơn vị bảo đảm an toàn thực phẩm cho người lao động; nâng cao nhận thức cho cơ sở sản xuất thực phẩm để bảo đảm ý thức hơn về an toàn thực phẩm cung ứng cho người dân và các đơn vị; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, để thay đổi hành vi của người dân mua thực phẩm, sử dụng thực phẩm, kiên quyết không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm.
PV Duy Cường (báo điện tử VTV News): Thời gian gần đây đã diễn ra hàng loạt buổi livestream có doanh thu hàng tỷ đồng. Xin Bộ Tài chính cho biết việc quản lý chống thất thu thuế đối với những buổi livestream bán hàng này như thế nào?
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi: Hoạt động livestream bán hàng trên mạng có phát sinh doanh thu và có thể phát sinh thu nhập. Khi đã hoạt động kinh tế, thương mại như vậy, phát sinh doanh thu, phát sinh thu nhập phải chịu sự điều chỉnh của các quy định của Luật Thuế và các sắc thuế, phải chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan thuế.
Đối với hoạt động thương mại điện tử nói chung hay hoạt động livestream bán hàng trên mạng, hiện nay chúng tôi đang thực hiện quản lý và giám sát theo hai sắc thuế:
Nếu là cá nhân thực hiện hoạt động này, có phát sinh doanh thu và phát sinh thu nhập thì sẽ phải chịu thuế đối với thu nhập của bản thân mình điều chỉnh bởi Luật Thuế thu nhập cá nhân. Chúng tôi thực hiện quản lý thuế và thu thuế đối với các hoạt động này theo sắc thuế này.
Đối với trường hợp các hộ kinh doanh gia đình thực hiện các hoạt động bán hàng này và có phát sinh doanh thu thì chúng tôi thực hiện quản lý và thu thuế theo quy định liên quan đến quản lý đối với hộ kinh doanh. Nếu hộ khoán thì nằm trong mức khoán thu thuế, nếu hộ có kê khai thì thực hiện theo hoạt động kê khai về thuế.
Vì đây cũng là hoạt động trong quá trình phát triển của công nghệ thông tin và thương mại điện tử nên gần đây có sự phát triển. Cơ quan thuế truyền thông rất nhiều đến tất cả những đối tượng tham gia hoạt động này để họ hiểu rõ các quy định về thuế và tự giác tiến hành kê khai và nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, các cơ quan thuế cũng tiến hành giám sát và kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh này của các cá nhân và hộ kinh doanh.
Tôi xin được chia sẻ một số số liệu trong 2 năm gần nhất liên quan đến quản lý thuế từ các tổ chức và cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, trong đó bao gồm livestream bán hàng. Năm 2022, doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng và số thuế đã nộp là 83.000 tỷ đồng. Năm 2023, doanh thu quản lý là 3,5 triệu tỷ đồng và số thuế đã thu khoảng 97.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, kết quả thanh tra xử lý vi phạm trong 3 năm 2021, 2022, 2023, các tổ chức cá nhân đưa vào rà soát 31.570 đối tượng, bao gồm cả doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân. Chúng tôi đã xử lý vi phạm 22.159 trường hợp, số thuế thu tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng.
Mong rằng các cơ quan truyền thông của chúng ta tăng cường phối hợp với cơ quan thuế truyền thông các quy định về quản lý thuế tới các đối tượng để họ chủ động thực hiện đúng quy định của pháp luật về thuế, không còn trường hợp nào vi phạm phải kiểm tra, xử lý như trong thời gian vừa qua./.
PV Mai Thu (báo Thanh niên): Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ (HUBT) đã sử dụng chữ ký khô trên chứng từ kế toán nhưng theo quy định của Luật Kế toán chỉ công nhận hợp pháp 2 loại là chữ ký là ký tươi và chữ ký điện tử. Hành vi này của HUBT có vi phạm pháp luật không? Bộ Tài chính sẽ kiểm tra xử lý thế nào? Việc này có ảnh hưởng đến hàng trăm giáo viên và hàng nghìn sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp hay không?
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi: Thời gian qua theo phản ánh, Trường đại học HUBT có sử dụng chữ ký khô trên chứng từ kế toán và có một số hoạt động sai phạm khác.
Về khía cạnh sử dụng chữ ký trên chứng từ kế toán, theo Điều 19 Luật Kế toán năm 2015, chữ ký trên chứng từ kế toán phải đăng ký bằng loại mực không phai, không dùng mực đỏ, hoặc đóng dấu khắc sẵn chữ ký. Chứng từ điện tử phải có chữ ký điện tử, chữ ký trên chứng từ điện tử có giá trị như chữ ký chứng từ bằng giấy.
Đối chiếu với quy định của Luật Kế toán năm 2015 thì Trường HUBT dùng chữ ký khô trên chứng từ là trái với quy định của pháp luật về kế toán.
Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo cơ quan thuế và các cơ quan chức năng khác của Bộ Tài chính thực hiện giám sát kiểm tra đối với HUBT trong việc thực hiện pháp luật về tài chính, kế toán, trong đó, đặc biệt thực hiện pháp luật về kế toán. Khi có kết quả chúng tôi sẽ thông báo tới báo chí.
Chúng tôi khẳng định, sẽ phải bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định về tài chính kế toán với các cơ sở giáo dục cũng như các các cơ sở sản xuất kinh doanh của người dân. Bộ Tài chính bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các đối tượng có liên quan, nếu việc sai phạm này của HUBT làm ảnh hưởng đến quyền lợi giáo viên sinh viên, các đối tượng khác có liên quan.
Hiện trên toàn quốc còn tồn tại trường dân lập không? Nếu có còn trường nào, tháng 6/2019, Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu HUBT chuyển đổi dân lập sang tư thục, nhưng từ đó chưa thực hiện chỉ đạo. Trong quá trình hoạt động có nhiều sai phạm về tài chính, tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nắm được không và có chỉ đạo thế nào?
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn: Trước đây, chúng ta có 19 trường đại học dân lập, 18 trường đã chuyển thành tư thục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Gần đây nhất là Trường Đại học dân lập Công nghệ Sài Gòn đã được chuyển theo quy định 6/4. Hiện còn lại 1 trường duy nhất là trường Đại học dân lập Phương Đông nhưng cũng đã nộp hồ sơ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ đã rà soát hồ sơ và yêu cầu trường hoàn thiện một số nội dung. Như vậy chúng ta chỉ còn duy nhất 1 trường dân lập chưa hoàn thành chuyển đổi từ dân lập sang tư thục.
Trong thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều văn bản đôn đốc các trường khi có quyết định chuyển từ dân lập sang tư thục, tiếp tục hoàn thiện bộ máy, đặc biệt là việc thành lập Hội đồng trường.
Đối với Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, đã có quyết định chuyển từ dân lập sang tư thục từ năm 2019. Tuy nhiên hiện nay, trường chưa thành lập được Hội đồng trường. Báo chí cũng đã đưa tin về trường.
Thực chất trách nhiệm thành lập Hội đồng trường là của các nhà đầu tư và các nhà đầu tư phải phân biệt rõ lợi ích của mình và thống nhất họp để bầu Hội đồng trường. Việc này các nhà đầu tư chưa làm.
Với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý về công tác đào tạo. Còn về mặt tổ chức bộ máy, quản lý tài sản, đối với các trường đại học công lập thì có các cơ quan chủ quản là các Bộ ngành, địa phương. Các trường đại học tư thục quản lý theo địa phương.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở, làm việc với đại diện các bên liên quan của HUBT và hướng dẫn trường, nhưng vấn đề này chủ yếu liên quan đến lợi ích của các nhà đầu tư.
Về các vấn đề liên quan đến công tác tuyển sinh và đào tạo, trong 5 năm gần đây, từ năm 2020 đến nay, Bộ đã tiến hành 1 lần thanh tra và 4 lần kiểm tra công tác hoạt động đào tạo, tuyển sinh của Trường và cũng đã phát hiện có 2 sai phạm liên quan đến đào tạo liên thông và tuyển sinh vượt số lượng theo quy định. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành xử phạt hành chính. Từ năm 2020 theo quy định của Luật, Bộ cũng đã xác định chỉ tiêu cho trường. Ngoài ra gần đây Bộ cũng có quyết định xử phạt về việc chậm trễ thành lập Hội đồng trường.
Liên quan đến Bằng tốt nghiệp của sinh viên có chữ ký khô của Hiệu trưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét kĩ các quy định của pháp luật. Trên thuế thì chứng từ tài chính có quy định rất rõ về chữ ký tươi và chữ ký điện tử. Ngoài ra không có quy định khác về việc có được sử dụng hay không được sử dụng chữ ký khô. Thực chất bằng tốt nghiệp là chứng nhận cuối cùng quá trình học tập của người học đạt được yêu cầu của chương trình đào tạo. Từ tuyển sinh đến quá trình đào tạo được giám sát chặt chẽ đến khi sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng, và đã có quyết định cấp bằng tốt nghiệp thì việc kiểm soát chất lượng, kiểm tra tính hợp pháp của văn bằng không phải chỉ xem trên văn bằng mà xác định trên sổ cấp văn bằng, chứng chỉ, quyết định cấp bằng của trường. Trong nhiều năm chúng tôi thấy điều này không ảnh hưởng tới quyền lợi của người học. Những người tốt nghiệp từ Trường Đại học Kinh doanh công nghệ vẫn sử dụng bằng như bình thường vì các cơ quan tuyển dụng khi xác minh văn bằng không phải chỉ nhìn trên tấm bằng mà quan trọng xác minh xem sinh viên này có thực sự được tuyển sinh, đào tạo, được cấp bằng hay không. Như vậy việc có được dùng chữ ký khô hay không hiện nay không có quy định về pháp luật, và đảm bảo trong trường hợp này không ảnh hưởng tới quyền lợi của người học.
PV Ngọc An (báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh): Xin Bộ Công an cho biết diễn biến điều tra của các vụ án xảy ra tại tập đoàn Thuận An Group và tập đoàn Phúc Sơn đến thời điểm này như thế nào?
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh văn phòng Bộ Công an: Chúng tôi nhận thức đây là hai vụ án dư luận hết sức quan tâm, do tầm vóc tính chất phức tạp của nó. Tôi xin cập nhật thông tin hai vụ án này.
Thứ nhất, do tính phức tạp vụ án, về phạm vi, địa phương và khối lượng công việc rất lớn, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày 30/5, 2 vụ án này đã được đưa vào diện danh sách Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo.
Thứ hai, về tiến độ mới 2 vụ án. Về vụ án Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Nhận hối lộ; Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long và các đơn vị liên quan, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết: Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 23 bị can về các tội danh nêu trên; thu giữ trên 300 tỷ đồng, gần 2 triệu USD, trên 500 lượng vàng và hơn 1.000 sổ đỏ các loại. Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang khẩn trương củng cố tài liệu, chứng cứ, làm rõ hành vi sai phạm của các bị can và các đối tượng có liên quan, mở rộng điều tra vụ án, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.
Về vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty Cổ phần tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức liên quan, đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 08 bị can về các tội danh nêu trên; thu giữ gần 40 tỷ đồng.
Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra, làm rõ dấu hiệu sai phạm trong việc đấu thầu, triển khai các dự án của Tập đoàn Thuận An; đồng thời, tập trung lực lượng để điều tra, mở rộng vụ án, thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước, đề xuất xử lý nghiêm minh các hành vi sai phạm.
Theo Baochinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()